Thấp thỏm với… cột điện!

03:05, 08/05/2011

“Ai mà biết được lúc nào nó (cột điện) đổ. Giờ nó đã liêu xiêu lắm rồi. Bây giờ trời còn nắng ráo, nhưng chỉ một trận mưa lớn là nó có thể lật nhào…” - đó là lời trần tình của ông Đỗ Văn Tính (thôn Phượng Lâm, xã Đan Phượng, Lâm Hà).

“Ai mà biết được lúc nào nó (cột điện) đổ. Giờ nó đã liêu xiêu lắm rồi. Bây giờ trời còn nắng ráo, nhưng chỉ một trận mưa lớn là nó có thể lật nhào…” - đó là lời trần tình của ông Đỗ Văn Tính (thôn Phượng Lâm, xã Đan Phượng, Lâm Hà).

Cây cột điện bị ủi trơ gốc và đứng cheo leo bên vệ đường.
Cây cột điện bị ủi trơ gốc và đứng cheo leo bên vệ đường.
Số là ngay trước sân nhà ông có cây cột điện được trồng từ lúc xã Đan Phượng kéo điện theo Dự án điện Tây Nguyên. Có điện bà con được đổi đời, được hưởng thụ nhiều tiện ích do điện mang lại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Niềm vui tiếp nối niềm vui. Năm 2010, một dự án xây dựng giao thông nông thôn được huyện Lâm Hà triển khai tại Đan Phượng.

Là một xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của Lâm Hà, Đan Phượng hiện là xã duy nhất trong huyện chưa có đường nhựa. Toàn bộ hệ thống giao thông nông thôn của xã, ngoại trừ khoảng 5 km từ Liên Hà vào trung tâm xã được rải cấp phối, còn lại 100% là đường đất. “Chính vì vậy, khi có dự án làm đường giao thông cho xã, bà con ở đây hết sức phấn khởi” - ông Nguyễn Minh Toản - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay.

Ông Toản còn cho biết thêm, cũng chính từ dự án làm đường giao thông cho xã đã phát sinh một số bất cập mà đến nay địa phương vẫn chưa thể khắc phục được. Trong quá trình triển khai dự án, trên nền đường có sẵn, đơn vị thi công đã tiến hành san ủi mở rộng mặt đường khi chưa tiến hành công tác giải phóng mặt bằng - di dời cột điện hai bên đường. Hậu quả là hàng chục cột điện bị ủi trơ gốc, có thể ngã đổ bất cứ lúc nào. Chúng tôi cũng đã nhiều lần đề đạt, anh “điện” đỗ tại anh “đường”, và vấn đề đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Được anh Nguyễn Văn Thông - cán bộ phụ trách Giao thông - Thủy lợi của xã dẫn đường, chúng tôi đã dạo một vòng qua các thôn Tân Lập, Thống Nhất, Phượng Lâm… ở đâu cũng có những cột điện liêu xiêu, chực chờ ngã đổ. Có những đoạn mặt đường được san ủi âm 2 - 3 mét, để lại mấy cây cột điện bên vệ đường đứng cheo leo. Anh Thông cho biết, qua khảo sát của chính quyền địa phương, hiện trên địa bàn có 39 cây cột điện có nguy cơ đổ cao. “Mùa khô thì không sao, nhưng mưa xuống thì chắc chắn những cây cột này sẽ đổ. Đường sá được san ủi khá tốt, phương tiện đi lại của bà con khá nhiều, nếu cột điện đổ ban ngày thì còn dễ xử lý, nhưng nếu đỗ ban đêm thì không ai giám chắc không xảy ra tai nạn” - anh Thông nói.

Đem những thấp thỏm, lo âu của bà con xã Đan Phượng đến trao đổi với ông Đinh Tấn Bái - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, ông cho hay: “Không riêng gì Đan Phượng, tình trạng nhà báo nêu còn xảy ra ở một số xã khác của Lâm Hà. Toàn bộ số cột điện có nguy cơ ngã đổ đều thuộc Dự án điện Tây Nguyên. Đơn vị đầu tư, thi công điện, để hạn chế việc đền bù, giảm thiểu định suất đầu tư đã tiến hành cắm cột điện cạnh đường mà không chừa lộ giới (theo quy định, đường dân sinh phải có lộ giới). Khi làm đường, Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện Lâm Hà đã cùng với xã Đan Phượng tiến hành khảo sát và đi đến thống nhất triển khai thi công mà bỏ qua khâu giải phóng mặt bằng, di dời cột điện. Hậu quả đã phát sinh những bất cập nói trên”. Ông Bái cũng cho rằng, vấn đề bây giờ là không phải quy kết ai đúng ai sai, mà cần cộng đồng trách nhiệm giải quyết vụ việc, bảo đảm an toàn cho dân và an toàn vận hành lưới điện. Huyện đã chỉ đạo Phòng Công thương phối hợp với Điện lực Lâm Hà tìm phương án giải quyết.

Qua vụ việc ở Đan Phượng cho thấy sự hạn chế trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng địa phương. Việc triển khai một công trình đều tiến hành các bước khảo sát, thiết kế… sau đó mới tổ chức thi công. Hai công trình “điện” và “đường” ở xã Đan Phượng đều có sự thống nhất của chính quyền huyện Lâm Hà và xã Đan Phượng. Thế nhưng, ở đây cột điện thì cắm ngay trên lộ giới, còn thi công đường thì san ủi trơ gốc cột điện mà không cần di dời. Sự cố đáng tiếc này lẽ ra sẽ không xảy ra nếu các cơ quan chức năng huyện Lâm Hà tiến hành chặt chẽ các bước trong quá trình triển khai công trình.

Mùa mưa sắp đến gần. Người dân Đan Phượng đang sống trong thấp thỏm lo âu, lo cột điện đổ gây tai nạn cho mình. Trong khi chờ cơ quan chức năng tìm phương án giải quyết, liệu những cây cột điện liêu xiêu kia có trụ vững, hay “mỏi gối chồn chân” mà đổ xuống thì hậu quả sẽ khôn lường!

LÊ HỮU TÚC