Thủy lợi phí, tiếp tục được miễn

02:05, 24/05/2011

Qua hơn hai năm thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí theo Nghị định 115/2008 của Chính phủ đối với nông dân được giao sản xuất đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối (trong hạn mức đất được giao) đã tạo được sự chuyển biến mới trong công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Qua hơn hai năm thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí theo Nghị định 115/2008 của Chính phủ đối với nông dân được giao sản xuất đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối (trong hạn mức đất được giao) đã tạo được sự chuyển biến mới trong công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Để chính sách này được triển khai tiếp tục và đồng bộ, ngày 23/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT - ông Cao Đức Phát đã trực tiếp chủ trì Hội nghị trực tuyến qua mạng về vấn đề này.
 
 

Tại Lâm Đồng, theo báo cáo của Sở NN-PTNT thì sau hơn hai năm thực hiện chính sách đã đạt được một số kết quả nhất định: Năm 2009, tổng số diện tích miễn TLP là trên 15.225 ha, năm 2010 trên 18.237 ha, dự kiến diện tích miễn TLP của năm 2011 sẽ là 19.500 ha (Thực chất diện tích phục vụ thực tế ở các công trình cao hơn diện tích miễn TLP khoảng 20% do chưa triển khai ký hết hợp đồng với các hộ dùng nước). Diện tích lúa, màu mạ, cây công nghiệp… được tưới ngày càng được tăng lên đồng thời lượng nước tưới chủ động hơn, do vậy năng suất cây trồng cũng được nâng lên theo từng năm. Do có nguồn TLP từ ngân sách Nhà nước nên các hoạt động sửa chữa, duy tu, đảm bảo an toàn chống xuống cấp, nâng cao năng lực tưới cho các công trình thủy lợi cũng được triển khai thường xuyên. Việc tổ chức, quản lý, khai thác công trình thủy lợi càng được củng cố, đời sống cán bộ công nhân quản lý cũng được cải thiện đáng kể.

Khó khăn lớn nhất của Lâm Đồng đó là những vướng mắc trong việc quy định mức thu TLP. Đới với các đơn vị kinh doanh dịch vụ nhà hàng, ăn uống và giải khát trên mặt hồ thủy lợi (nằm trên công trình thủy lợi 1m nước) vẫn chưa thống nhất được tỷ lệ nộp 12% trên tổng doanh thu vì lý do “ chỉ sử dụng cảnh quan từ công trình thủy lợi để kinh doanh, không sử dụng trực tiếp nước mặt hồ thủy lợi”. Và viện dẫn Nghị định 115 cũng như quy định của tỉnh chỉ quy định: “Sử dụng công trình thủy lợi để kinh doanh du lịch, nghỉ mát, an dưỡng, giải trí, kinh doanh, sân gôn, casino, nhà hàng: mức thu bằng 12% tổng giá trị doanh thu”, do không có cụm từ cảnh quan. Bên cạnh đó, các công trình nuôi trồng thủy sản phản ánh mức thu với tỷ lệ 8-10% giá trị sản lượng là quá cao và đối với việc xác định doanh thu thực tế của doanh nghiệp này của các nhà quản lý hiện cũng chưa có biện pháp.

Cũng tại hội nghị, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục cấp phát kinh phí cho các địa phương. Cụ thể, trong năm 2009 là 2.800 tỷ đồng, 2010 là 3.500 tỷ và dự kiến năm 2011 mức kinh phí chuyển sẽ là 3.900 tỷ đồng. Theo thông tin của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) thì việc miễn TLP sẽ giúp cho người dân giảm được 3-10% tổng chi phí sản xuất nông nghiệp, tình trạng nợ đọng TLP cũng hoàn toàn chấm dứt.

TUẤN LINH