Ứng xử với tin đồn thất thiệt như thế nào?

03:05, 04/05/2011

Có thể nói bắt đầu vấn đề này ở Việt Nam là sự kiện một hãng sữa “lâm nạn” tại Việt Nam với vụ axit Folic. Tiếp đó là cảnh rút tiền ồ ạt ở một ngân hàng, rồi sau đó là tin đồn nước tương gây ung thư, bồn nước do một công ty sản xuất chứa hàm lượng Mn cao có thể gây ung thư…

TIN ĐỒN THẤT THIỆT NGÀY CÀNG GIA TĂNG

Có thể nói bắt đầu vấn đề này ở Việt Nam là sự kiện một hãng sữa “lâm nạn” tại Việt Nam với vụ axit Folic. Tiếp đó là cảnh rút tiền ồ ạt ở một ngân hàng, rồi sau đó là tin đồn nước tương gây ung thư, bồn nước do một công ty sản xuất chứa hàm lượng Mn cao có thể gây ung thư…

Năm 2008 có tin đồn là nước ta sắp hết gạo ăn. Tin đồn khan hiếm gạo lan khắp các tỉnh, thành phố từ Nam ra Bắc khiến rất nhiều người đã đổ xô đi mua gạo tích trữ. Thị trường lúc đó đã trở nên hỗn loạn khi giá gạo tăng cao và tạo ra cơn sốt ảo.

Tháng 12/2010, tin đồn ăn cá kèo gây ung thư đã làm người tiêu dùng lo lắng, hoang mang. Điều đó khiến cho người nuôi cá ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thất thu, thua lỗ nghiêm trọng vì giá cá kèo tụt thảm hại.

Tin đồn thất thiệt làm tăng giá gạo. Ảnh minh họa.
Tin đồn thất thiệt làm tăng giá gạo. Ảnh minh họa.
Đầu năm 2011 là tin đồn ngân hàng nhà nước phát hành đồng tiền 1.000.000 và mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ, thậm chí đổi tiền. Thị trường tiền tệ và chứng khoán lập tức bị tác động bởi tin đồn đẩy ác ý này khi lãi suất tăng vọt và thị trường chứng khoán… sụt giảm bất ngờ trong vài phiên. Chỉ khi Ngân hàng nhà nước thông tin chính thức và rõ ràng về tin đồn nhảm của những kẻ có dụng ý xấu, thị trường mới ổn định trở lại.

Gần đây có không ít tin đồn: Giá xăng chuẩn bị tăng lên 26.000 đồng/lít. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 lên tới hơn 3%. Mây phóng xạ kèm theo mưa a-xít đổ vào Việt Nam gây hại cho sức khoẻ con người. Mấy tuần qua, ĐBSCL rộ lên tin đồn ăn cá rô đầu vuông bị ung thư. Nhiều thương lái cũng không dám lấy hàng vì sức tiêu thụ giảm. Bạn hàng ở các chợ ngồi cả ngày cũng chỉ bán được vài con, mặc dù giá cá đã giảm 27.000 - 28.000 đồng/kg xuống còn 17.000 đồng/kg…

Như vậy, chúng ta thấy được ở góc độ quản lý nhà nước vấn đề tin đồn là vấn đề bình thường trong nền kinh tế. Ở tất cả các nước đều có tin đồn thất thiệt chứ không phải chỉ riêng Việt Nam. Chúng ta có thể nhận dạng sự xuất hiện tin đồn thất thiệt là thường nhằm vào những lĩnh vực và mặt hàng “nhạy cảm” hay thiết yếu, có giá trị kinh tế, xuất khẩu cao như gạo, xăng dầu, xi măng, sắt thép, phân bón, tiền tệ… và thường xuất hiện ở những thời điểm nhạy cảm - gắn với những biến động lớn trong nền kinh tế trong nước hoặc thế giới.

Còn ở góc độ doanh nghiệp, phần lớn các cuộc khủng hoảng gần đây đều do các đối thủ cạnh tranh đạo diễn hay một bộ phận nhỏ nhân viên của chính mình trả thù riêng

PHÒNG NGỪA VÀ XỬ LÝ KHỦNG HOẢNG TIN ĐỒN NHƯ THẾ NÀO ?

Qua các sự việc trên chúng ta thấy rằng ở góc độ quản lý nhà nước để xử lý tốt các tin đồn thất thiệt thì cần phải :

- Tạo sự minh bạch và nhất quán trong việc ban hành chủ trương và thực thi chính sách, cập nhật kịp thời những bổ sung, điều chỉnh chính sách. Điều quan trọng trong việc tổ chức thực hiện chính sách là phải duy trì được niềm tin của người dân đối với chính sách. Nếu không việc xử lý tin đồn thất thiệt nói riêng và việc ban hành các chính sách khác để điều tiết đời sống kinh tế xã hội sẽ không phát huy được tác dụng như mong muốn của các nhà hoạch định chính sách.

- Có cơ chế tiếp cận, phản ứng hiệu quả khi có tin đồn thất thiệt. Tạo lập hệ thống thông tin hiệu quả đến người dân thông qua hệ thống thông tin trung ương và địa phương với nhiều hình thức đa dạng để người dân được quyền thường xuyên tiếp nhận thông tin đầy đủ, chính xác và không bị bất ngờ từ các cơ quan chức năng. Khi đó các tin đồn thất thiệt sẽ không dễ lan truyền, tác động tiêu cực đến xã hội.

- Phải có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn và xử lý những kẻ phao tin đồn thất thiệt.

- Có lực lượng kinh tế đủ mạnh - đặc biệt là hệ thống phân phối của nhà nước để điều tiết thị trường.

- Ở góc độ doanh nghiệp, một số kinh nghiệm đã được đúc kết ra khi xử lý khủng hoảng do tin đồn thất thiệt tạo ra:

+ Thứ nhất là hãy dự báo những phương án rủi ro nhất có thể xảy ra với tổ chức mình trong tương lai và chuẩn bị phương án đối phó .“Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh”, hãy giải quyết khủng hoảng khi nó chưa xảy ra.

+ Thứ hai, thành lập một bộ phận xử lý khủng hoảng mà lãnh đạo (tổng giám đốc/giám đốc) của tổ chức là người đứng đầu cùng những quản lý của các đơn vị chủ chốt trong tổ chức như marketing/PR, nhân sự, tài chính, sản xuất, pháp chế… với bảng mô tả công việc rõ ràng cho từng vị trí khi khủng hoảng xảy ra. Chỉ định một người phát ngôn chính thức thường là người đứng đầu đơn vị

+ Thứ ba, phải nhanh chóng ổn định tình hình bên trong bằng cách ra thông báo nội bộ hoặc họp thông báo. Đối với bên ngoài phải lập tức thông tin cho các đối tác, các nhà phân phối, các cổ đông, nhà đầu tư… Trong bối cảnh này, việc để nhiễu thông tin chỉ có gây bất lợi mà thôi!

+ Thứ tư, có thể liên hệ với các công ty PR chuyên nghiệp, nơi có những chuyên gia được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm trong tiếp xúc với báo chí nói riêng và đối mặt với khủng hoảng nói chung.

+ Thứ năm, cung cấp thông tin nhanh chóng và đều đặn cho các phương tiện truyền thông và công chúng về hoạt động của tổ chức, cần phải họp báo để công bố thông tin chính thức của doanh nghiệp khi có tin đồn thất thiệt xảy ra đối với doanh nghiệp mình… Che giấu thông tin chỉ làm cho tình hình thêm nghiêm trọng mà thôi.

+ Thứ sáu, khủng hoảng phải được xem xét và giải quyết trong thời hạn sớm nhất với duy nhất một nguyên tắc: đó là chữ tín với khách hàng.Khi quyết định hành động, chấp nhận những mất mát tạm thời, coi trọng uy tín và hiệu quả lâu dài.

+ Thứ bảy, đề nghị sự giúp đỡ của lãnh đạo cơ quan công quyền quản lý lĩnh vực doanh nghiệp đang hoạt động có thể giúp gỡ rối tình hình rất tốt.

+ Thứ tám, tranh thủ sự có mặt ủng hộ của các chuyên gia có tiếng trong ngành, các tổ chức hoạt động xã hội, môi trường, đại diện Hiệp hội người tiêu dùng…, kết quả cũng rất tích cực.
Khi khủng hoảng kết thúc là lúc các tổ chức cần tập trung khắc phục hậu quả, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh. Đống thời phải nỗ lực tiếp tục tổ chức thực hiện tốt mối quan hệ với người tiêu dùng, nhà phân phối, các cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, giới truyền thông… thông qua việc cung cấp thông tin, gặp gỡ tiếp xúc, trao quà tặng cho các khách hàng thân thiết giúp đỡ tổ chức trong khủng hoảng… Công việc này nhất định phải thực hiện nghiêm túc.

Ở góc độ người dân, việc ứng xử một cách tỉnh táo, kịp thời, thông minh với những tin đồn không đúng sự thật là điều hết sức cần thiết. Khi có tin đồn thì cần phải tìm hiểu kỹ thông tin chính xác ở các cơ quan có thẩm quyền, ở các doanh nghiệp liên quan, ở các phương tiện truyền thông đại chúng. Không dao động, hoang mang, hành động nóng vội để tránh các hậu quả tiêu cực gây ra cho mình, doanh nghiệp và xã hội.

TRẦN MINH ĐỨC