Nghiên cứu mới nhất của TS Dương Tấn Nhựt – Phó Viện trưởng Viện Sinh học Tây Nguyên – và cộng sự, chỉ trong vòng trên dưới nửa tháng là có thể “trồng” và “thu hoạch” sản phẩm rễ của cây sâm Ngọc Linh.
TS Dương Tấn Nhựt và sản phẩm sâm Ngọc Linh được tạo từ công nghệ sinh khối tế bào rễ. |
TS Dương Tấn Nhựt cho biết, đây gọi là công nghệ sinh khối tế bào rễ cây sâm Ngọc Linh. Cũng cần nói thêm, nội dung nghiên cứu sản xuất sinh khối tế bào rễ cây sâm Ngọc Linh đã được tiến hành song song với việc nghiên cứu nhân giống vô tính đối với loài cây dược liệu quý hiếm này của TS Dương Tấn Nhựt và nhóm cộng sự trong những năm qua. Nói cách khác, hai mục tiêu tổng quát của đề tài “Nghiên cứu nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối rễ cây sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grush)” là “Nhân giống vô tính cây sâm Ngọc Linh” và “Nhân sinh khối rễ sâm Ngọc Linh bằng hệ thống nuôi cấy bioreactor” đã được đặt ra cùng một lúc và đến nay cả hai đều đã đạt được những kết quả đáng mừng.
Hiện nay trên thế giới, hệ thống bioreactor là một trong những công cụ nuôi cấy hữu hiệu trong sản xuất sản phẩm trao đổi chất thứ cấp ở thực vật. Bioreactor có thể được kiểm soát bằng hệ thống máy tính nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi để nhân sinh khối thực vật nhờ vào khả năng tự động hóa, tiết kiệm nhân công và giảm giá thành sản phẩm. Với sâm Ngọc Linh, bằng phương pháp bioreactor (nuôi cấy lỏng lắc), mục đích của các thí nghiệm mà các nhà khoa học đặt ra là tìm môi trường tối ưu và các điều kiện thích hợp tạo dòng mô sẹo có khả năng tạo rễ bất định, nhằm thu được rễ bất định từ mô sẹo một cách nhanh nhất và nhiều nhất. Có thể tóm tắt quy trình sản xuất sinh khối sâm Ngọc Linh từ rễ bất định bằng hệ thống bioreactor gồm những bước sau: Từ rễ sâm Ngọc Linh làm thành mô sẹo có khả năng tạo rễ bất định để nuôi cấy trên máy lắc nhằm nhân sinh khối trong hệ thống bioreactor, sau đó rửa, sấy khô và phân tích các thành phần saponin có trong sản phẩm. Với hướng nghiên cứu này, theo TS Dương Tấn Nhựt, nhóm các nhà khoa học của ông đã tạo được một khối lượng lớn sản phẩm tế bào chứa hoạt chất từ một hay một nhóm tế bào ban đầu của rễ sâm Ngọc Linh chỉ trong vòng từ 10 đến 20 ngày, thay vì 6 năm nuôi trồng ngoài thực địa. TS Dương Tấn Nhựt cho biết: “Tất nhiên, về chất lượng thì không thể bằng sản phẩm từ nuôi trồng tự nhiên nhưng với quy trình nhân sinh khối rễ sâm Ngọc Linh trong hệ thống bioreactor mà nhóm nghiên cứu đã tiến hành thì hoàn toàn có khả năng tạo được nguồn nguyên liệu rễ sâm Ngọc Linh với khối lượng lớn để cung cấp cho thị trường dược phẩm và mỹ phẩm trong và ngoài nước hiện đang rất thiếu hụt nguồn hàng này”. Hiện tại, thị trường sâm Ngọc Linh của Việt Nam không chỉ khan hiếm nguồn hàng mà giá thành của mặt hàng này là rất cao: 70 triệu – 100 triệu đồng/kg khô và khoảng 20 triệu – 25 triệu đồng/kg tươi. Bởi vậy, thành công trong nghiên cứu nhân sinh khối rễ sâm Ngọc Linh của các nhà khoa học thuộc Viện Sinh học Tây Nguyên càng có ý nghĩa cao về nhiều mặt.
Cũng cần nói thêm, việc nghiên cứu nhân sinh khối rễ sâm Ngọc Linh cũng đã được các nhà khoa học khác ở Việt Nam tiến hành trong nhiều năm qua và mỗi nghiên cứu khác nhau cho ra một kết quả khác nhau. Với riêng Viện Sinh học Tây Nguyên, kết quả của nghiên cứu sản xuất sinh khối rễ sâm Ngọc Linh để tạo ra sản phẩm cung cấp cho thị trường dược phẩm và mỹ phẩm hiện đang được chuyển giao quy trình công nghệ cho Trung tâm Ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tỉnh Kon Tum là một thông tin rất đáng để vui!
Box: Saponin là một gilozit tự nhiên thường gặp trong nhiều loài thực vật. Dưới tác dụng của enzym có trong thực vật, saponin bị thủy phân thành sapogenin và đường D-glucoza và đường D-galactoza. Trong sâm, saponin được hiểu như là một hoạt chất tạo nên những công dụng hữu ích chính. Trong sâm tươi có khoảng 10 thành phần saponin nhưng sau khi sấy khô thành hồng sâm hoặc bạch sâm, nhân sâm có thể có tới 35 thành phần saponin.