Vì sao dịch lở mồm long móng lại bùng phát?

03:06, 02/06/2011

Sau nhiều năm cơ bản được khống chế, dịch lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc lại bùng phát tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Dịch lở mồm long móng. Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Sau nhiều năm cơ bản được khống chế, dịch lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc lại bùng phát tại nhiều địa phương trong tỉnh. Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN -PTNT) cho hay, từ ngày 13-1 tới ngày 23-3 vừa qua đã có 364 con trâu bò và 945 con heo của19 xã thuộc 8 huyện trên địa bàn tỉnh bị dịch LMLM tấn công. Tuy số lượng gia súc bị bệnh không nhiều và không tập trung nhưng địa bàn bị nhiễm dịch lại trải rộng từ đầu tỉnh (Đam Rông) tới cuối tỉnh (Cát Tiên)… nên công tác chống dịch đã diễn ra rất khó khăn, phức tạp và tốn kém.

Đợt dịch LMLM này bắt đầu xảy ra tại Cát Tiên vào ngày 13-1 trên 19 con trâu bò và 304 con heo sau đó lan tới Bảo Lộc, Đà Lạt vào ngày 16-2, và tới ngày 19-3 thì lan tới Đam Rông. Nhờ được sự chỉ đạo triển khai các biện pháp chống dịch quyết liệt của UBND tỉnh và Sở NN-PTNT, tới ngày 21-4 dịch cơ bản đã được khống chế: 363 con trâu, bò và 45 con heo đã được điều trị khỏi bệnh, nhưng cũng có tới 913 con heo phải tiêu huỷ. Lượng gia súc phải tiêu huỷ vì đợt dịch này chủ yếu tập trung tại  Bảo Lộc (430 con), Cát Tiên (304 con), Đà Lạt (134 con) và Lâm Hà (30 con). Mới thoát khỏi đợt dịch heo tai xanh xảy ra vào tháng 7-2010 làm 21.326 heo bị bệnh phải tiêu huỷ (trên tổng đàn heo của toàn huyện là 29.479 con) đợt dịch LMLM này lại đã gây thiệt hại rất nặng nề cho sản xuất nông nghiệp của huyện Cát Tiên.

Theo ông Nguyễn Đức Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y, thì nguyên nhân dịch LMLM bùng phát trên địa bàn thời gian qua là do công tác giám sát dịch bệnh tại nhiều địa phương chưa thực sự tốt, trong khi dịch LMLM đã xảy ra tại nhiều tỉnh thành giáp ranh như Đồng Nai, Bình Phước, Đắc Lắc, Khánh Hoà và  lây lan tới các địa bàn có đường giao thông nối liền Lâm Đồng với vùng đang xảy ra dịch như Cát Tiên, Đam Rông. Sau khi có dịch xảy ra trên địa bàn, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc người chăn nuôi còn chủ quan, có tư tưởng giấu dịch để vừa chữa trị vừa bán chạy gia súc bị bệnh và việc ngành nông nghiệp ở một số địa phương chậm triển khai các biện pháp dập dịch như tiêu huỷ sớm, tiêu huỷ triệt để số gia súc bị bệnh nên trong một thời gian ngắn dịch đã lây lan ra 8/11 huyện, thành của tỉnh.
 
Tiêm vác xin là một biện pháp kỹ thuật phòng chống dịch bắt buộc cho gia súc, gia cầm, nhưng năm 2010, tỷ lệ gia súc được tiêm phòng vác xin LMLM của tỉnh lại đạt rất thấp so với yêu cầu mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ vác xin và công để tiêm phòng vác xin cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng là nguyên nhân làm dịch tái phát. Qua thống kê của Chi cục Thú y thì cuối năm 2010 vừa qua chỉ có 58,45% tổng đàn trâu, bò, 42,5% tổng đàn heo nái và 6,2% tổng đàn heo của tỉnh được tiêm phòng loại vác xin này. Mặt khác, có thể do chất lượng vác xin thấp và kỹ thuật tiêm phòng chưa đạt yêu cầu nên trong 240 mẫu máu bò đã được tiêm phòng tại 4 địa phương được Chi cục Thú y xét nghiệm thì tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng chỉ đạt 53,9% số mẫu. Những tỷ lệ này cho thấy hầu hết gia súc của tỉnh thời gian qua đã chưa được bảo hộ trước dịch LMLM.

Rõ ràng, để phòng chống dịch cho vật nuôi - nhất là các loại dịch nguy hiểm như heo tai xanh, tụ huyết trùng, lở mồm long móng… (đối với gia súc) và cúm H5N1 (đối với gia cầm) thì cùng với việc nâng cao ý thức của người chăn nuôi, tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi ra vào tỉnh… công tác tiêm phòng vác xin cần được các địa phương - nhất là các trung tâm nông nghiệp và hệ thống thú y cơ sở - quan tâm hơn.
 
Đức Hưng