Ngày 17/6, BS Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khẳng định: “Nói theo chuyên môn, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Đà Lạt từ ngày 1-9/6 đến nay đã kết thúc”.
Sự cố vỡ ống dẫn nước thải ngầm
Đó là một phản ứng dây chuyền từ sự cố vỡ đường ống chứa nước thải của Nhà hàng Tâm Châu (Lộc An, Bảo Lâm) ảnh hưởng đến nguồn nước sử dụng trong chế biến thức ăn gây ra vụ ngộ độc thực phẩm tại Đà Lạt với nhiều người mắc.
Sau khi điều tra khoanh vùng nghi ngờ nguồn ô nhiễm thực phẩm tại nhà hàng này, Chi cục ATVSTP và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lấy nhiều mẫu xét nghiệm xác định nguồn nước dùng chế biến thức ăn tại nhà hàng này bị ô nhiễm bởi tác nhân gây ra là vi khuẩn Clostridium Perfringens. Khảo sát thực địa tại hiện trường phát hiện ống dẫn nước thải ngầm dẫn ra bồn xử lý nước thải của Nhà hàng Tâm Châu (Lộc An, Bảo Lâm) bị vỡ, xung quanh khu vực bể nước đều nhuộm đen do ô nhiễm. Nhà hàng tạm ngưng hoạt động để tổng vệ sinh và khắc phục nguồn nước.
Cơ quan Y tế nghiêm cấm chủ nhà hàng Tâm Châu (Lộc An, Bảo Lâm) sử dụng nguồn nước giếng khoan cũ (giếng khoan này sâu 80m). Chủ cơ sở thống nhất cam kết hướng khắc phục: khoan tìm nguồn nước mới, gửi mẫu kiểm nghiệm chất lượng nước đạt tiêu chuẩn thì mới cho hoạt động và hàng tháng chủ động gởi mẫu nước về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để kiểm nghiệm. Nhưng trước mắt, khi chưa kịp khoan giếng mới, nhà hàng này hợp đồng với Công ty Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc để cung cấp nguồn nước cho nhà hàng. Vì cơ sở này không có hệ thống dẫn nước máy trực tiếp đến nơi, nên sử dụng xe bồn và bể chứa nước máy chở từ Bảo Lộc lên, theo quy định mẫu nước máy chứa tại nhà hàng phải được xét nghiệm đạt tiêu chuẩn thì mới được phép đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho nhà hàng hoạt động trở lại, cơ quan y tế cũng lấy mẫu nước giếng khoan của hộ bên cạnh nhà hàng này để kiểm nghiệm giúp cho Tâm Châu có thể thỏa thuận sử dụng nhờ từ nguồn nước này nếu chất lượng nước đảm bảo tiêu chuẩn. Chi cục ATVSTP, Thanh tra Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xuống thẩm định lại các điều kiện của cơ sở, chờ kết quả kiểm nghiệm các mẫu nước đạt tiêu chuẩn thì sẽ cho phép nhà hàng hoạt động trở lại, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.
Vi khuẩn Clostridium Perfringens gây triệu chứng ngộ độc thực phẩm muộn
Một số du khách bị ngộ độc thực phẩm phải vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng |
Nhà hàng Tâm Châu có thương hiệu và là trạm dừng chân cho du khách các tỉnh phía Nam đến Đà Lạt theo quốc lộ 20. Đây là cơ sở từ trước đến nay chấp hành các quy định đảm bảo các tiêu chuẩn ATVSTP, nhưng do sự cố vỡ ống nước thải ngầm làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến thực phẩm nhiễm khuẩn gây ngộ độc thức ăn cho 431 du khách. Chủ nhà hàng rất có thiện chí, đã hợp tác nhờ cơ quan có chuyên môn phối hợp giúp đỡ, tự chủ động xin phép đóng cửa nhà hàng để khắc phục, tạo thuận lợi cho cơ quan chuyên môn giải quyết vụ ngộ độc và khoanh vùng dịch tễ kịp thời.
3 nhóm giải pháp chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm
Từ vụ ngộ độc thực phẩm này, Chi cục ATVSTP đưa ra 3 nhóm giải pháp: Thứ nhất, chủ động lấy mẫu các nhóm thực phẩm ưu tiên (10 nhóm: rượu, thực phẩm chức năng, sản phẩm từ thịt, cá, sữa…) để xét nghiệm, cảnh báo cho người dân. Thứ hai, thành lập các đoàn thanh tra liên ngành, chuyên ngành của tỉnh, huyện để kiểm tra các cơ sở thực phẩm trên địa bàn được phân cấp quản lý. Nghiêm khắc xử phạt các cơ sở vi phạm, tùy mức độ có thể ra quyết định tạm đóng cửa để nhà hàng khắc phục. Thứ ba, giải pháp chủ chốt là tăng cường công tác thông tin truyền thông để người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, người tiêu dùng biết cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Khuyến cáo người dân và khách du lịch không nên sử dụng thực phẩm sống, tái và không ăn ở những cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.