An toàn du lịch là phải đảm bảo an toàn thực phẩm cho du khách. Mấy ngày qua, cả phố núi Đà Lạt xôn xao bởi hàng trăm khách du lịch bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị. Cuộc truy tìm thủ phạm gây ra nhanh chóng được triển khai, bởi nói như ông Trương Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: “Nếu không sớm xác định, công bố nguyên nhân thì vô tình “bóp cổ du lịch” Đà Lạt.
An toàn du lịch là phải đảm bảo an toàn thực phẩm cho du khách. Mấy ngày qua, cả phố núi Đà Lạt xôn xao bởi hàng trăm khách du lịch bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện điều trị. Cuộc truy tìm thủ phạm gây ra nhanh chóng được triển khai, bởi nói như ông Trương Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: “Nếu không sớm xác định, công bố nguyên nhân thì vô tình “bóp cổ du lịch” Đà Lạt.
Một số du khách bị ngộ độc thực phẩm phải vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Ảnh Thụy Trang |
Theo ghi nhận, cho đến chiều 9/6, ít nhất còn hai khách du lịch phải nhập viện điều trị do bị ngộ độc thực phẩm. Như vậy, kể từ ca cấp cứu đầu tiên vào ngày 1/6 đến nay đã có gần 500 người bị ngộ độc thực phẩm đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế tại Đà Lạt, chưa kể một số bệnh nhân tự mua thuốc điều trị.
Bác sĩ Lê Quang Hạnh, khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng - người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân, cho biết hơn trăm bệnh nhân đến khám ngồi tràn ra cả hành lang bệnh viện với các triệu chứng đau quặn từng cơn ở bụng, buồn nôn, tiêu chảy, nặng hơn có một số trường hợp bị sốt. Do phát hiện sớm, nên không có trường hợp nào nguy hiểm, bởi nếu để lâu mới tới cơ sở y tế để điều trị, bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp, truỵ tim do mất nhiều nước, nhất là đối với người già.
Theo nhận định của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng, các trường hợp bị ngộ độc thực phẩm diễn ra ở nhiều đoàn khách, quá trình ăn uống, nghỉ ngơi tại nhiều nơi, nên khó xác định nhanh nguồn gây ra ngộ độc, bởi qua lời kể của các bệnh nhân trong hành trình đến và ở tại Đà Lạt, khách đã ăn uống tại hơn chục nhà hàng, quán ăn khác nhau. “Ngay sau vụ ngộ độc xảy ra, thành phố đã kiểm tra 12 khách sạn, nhà hàng có khách bị ngộ độc. Qua đó xử phạt hành chính các cơ sở này do không đảm bảo các quy định, trong đó nổi cộm nhất là việc các cơ sở không lưu mẫu thực phẩm. Việc không lưu mẫu thực phẩm gây khó khăn truy xuất nguồn gốc gây ngộ độc để kịp thời khống chế” - Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hiền, phó giám đốc Trung tâm y tế Đà Lạt cho hay.
Điều tra khoanh vùng dịch tễ
Ngày 11/6, Sở Y tế phối hợp với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) và Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tiến hành khảo sát điều tra thực địa tại 2 nhà hàng Tâm Châu (ở Lộc An - Bảo Lâm và Bảo Lộc) và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống lân cận để khoanh vùng dịch tễ. Tin ban đầu cho hay, nguồn nước bị ô nhiễm tại nhà hàng Tâm Châu (Lộc An - Bảo Lâm) khiến cho hàng trăm khách du lịch dừng chân ăn uống tại đây mắc bệnh liên quan đến thực phẩm khi đến Đà Lạt phải nhập viện. |
Trong số các nhà hàng, cơ sở ăn uống được khoanh vùng điều tra, nghi vấn tập trung vào nhà hàng Tâm Châu - xã Lộc An, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) bởi có nhiều đoàn khách đã nghỉ ngơi, ăn uống tại đây, sau đó lên Đà Lạt thì bị các triệu chứng ngộ độc thực phẩm. Có hai đoàn khách ở Vĩnh Long và Tây Ninh đến Đà Lạt tham quan 4 ngày không sao, nhưng khi về có ghé nhà hàng Tâm Châu (Lộc An - Bảo Lâm) ăn uống, về đến nhà nhiều người cũng phải nhập viện.
Theo Chánh thanh tra Sở Y tế Lâm Đồng - BS Võ Đông Phương, qua kiểm tra nhà hàng Tâm Châu, đoàn kiểm tra đã lấy hơn 30 mẫu thực phẩm tại đây để đưa đi xét nghiệm và hiện đang nuôi cấy. Qua sơ bộ cho thấy các mẫu nước đá, nước sinh hoạt, thực phẩm đều bị nhiễm bẩn do vi khuẩn.
Một nguồn tin cho biết, nhà hàng Tâm Châu đi vào hoạt động khoảng một năm nay, chủ yếu sử dụng nguồn nước từ giếng khoan để chế biến thức ăn và chưa gửi mẫu đi kiểm tra chất lượng nguồn nước. Hàng ngày có khoảng 2.000 lượt khách vào đây ăn uống.
Sở Y tế đã yêu cầu nhà hàng Tâm Châu chính thức ngưng hoạt động kể từ ngày 10/6 để tổng vệ sinh và khắc phục các nguyên nhân để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bác sĩ Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng cho biết, các chuyên gia của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế và Viện Pasteur Tp.HCM đã có mặt tại Đà Lạt sáng ngày 10/6 để tham gia hỗ trợ điều tra. Trước đó vào ngày 8/6, các chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cũng đã đến Lâm Đồng phối hợp truy tìm nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm.
Theo nhận định ban đầu, đây có thể do bệnh truyền qua thực phẩm từ nguồn nước bị ô nhiễm gây ra chứ không phải ngộ độc thực phẩm thông thường. Dự kiến Sở Y tế sẽ có kết luận sớm nhất để công bố rộng rãi đến người dân nhằm giải toả mối lo lắng, đó cũng là cách cứu du lịch Đà Lạt đang vào mùa du lịch cao điểm.