Báo động gia tăng rối loạn lipid máu ở cán bộ, viên chức

03:07, 28/07/2011

Đề tài nghiên cứu của nhóm bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đưa ra báo động về tỉ lệ rối loạn lipid máu trong cán bộ, viên chức của địa phương. Nghiên cứu nhận định đối với cán bộ, viên chức ở tuổi nghỉ hưu ít rối loạn lipid máu hơn so với nhóm người ở độ tuổi còn đang công tác.

Rối loạn lipid máu là một trong những yếu tố gây ra bệnh lý tim mạch đe dọa đến sức khỏe mọi người. Ở Việt Nam, vấn đề này ít được quan tâm nghiên cứu trong cộng đồng. Đề tài nghiên cứu của nhóm bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đưa ra báo động về tỉ lệ rối loạn lipid máu trong cán bộ, viên chức của địa phương. Nghiên cứu nhận định đối với cán bộ, viên chức ở tuổi nghỉ hưu ít rối loạn lipid máu hơn so với nhóm người ở độ tuổi còn đang công tác.

Lipid đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể là chất dự trữ năng lượng và tham gia cấu tạo nên màng tế bào, các nội tiết tố sinh dục, tạo ra axít mật, muối mật giúp cho quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, khi lipid dự trữ vượt quá 30% trọng lượng cơ thể hoặc trong quá trình chuyển hóa, vận chuyển bị rối loạn làm cho nồng độ các thành phần lipid máu tăng lên đó chính là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh lý tim mạch, tiểu đường, xương khớp.

Rối loạn lipid máu dễ để lại thương tổn trên thành mạch máu.
Rối loạn lipid máu dễ để lại thương tổn trên thành mạch máu. Ảnh từ internet

Rối loạn chuyển hóa lipid đến nay đã được nhiều nghiên cứu trong các bệnh lý liên quan như: bệnh mạch vành, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, suy thận mạn…Nhưng ít có nghiên cứu về rối loạn chuyển hóa lipid trong cộng đồng, chưa có nghiên cứu một cách có hệ thống và đưa ra khuyến cáo mang tính tổng thể để phòng chống căn bệnh này. Đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả Trương Ngọc Sang, Nguyễn Văn Luyện và cộng sự ở Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng nghiên cứu rối loạn lipid máu ở cán bộ, viên chức đến khám sức khỏe tại bệnh viện nhằm xác định tỉ lệ rối loạn lipid máu và một số yếu tố liên quan đến rối loạn lipid máu ở nhóm đối tượng này. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ rối loạn lipid máu ở đối tượng cán bộ, viên chức Lâm Đồng thật đáng báo động.

Nghiên cứu 585 trường hợp ở độ tuổi 24 -77 tuổi là cán bộ thuộc Ban bảo vệ sức khỏe của tỉnh quản lý và cán bộ viên chức của các cơ quan trên địa bàn tỉnh đến khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Các trường hợp trong mẫu nghiên cứu đều có đầy đủ các chỉ số: huyết áp, chiều cao, cân nặng và 4 chỉ số xét nghiệm về lipid máu gồm: cholesterol, triglycerid, HDL-cholesterol, LDL-cholesterol. Trong số đối tượng nghiên cứu có 105 nữ, 480 nam thì 242 người (41,4%) có nguy cơ béo phì hoặc bị béo phì độ 1. Kết quả nghiên cứu có đến 384 người bị rối loạn lipid máu chiếm tỉ lệ 65,64%. Trong đó, tỉ lệ rối loạn các thành phần lipid máu như sau: rối loạn chuyển hóa về triglyceride chiếm tỉ lệ cao nhất (44,79%), thấp nhất là rối loạn chuyển hóa về LDL-cholesterol (28,21%), tăng cholesterol 31,45% và giảm HDL-cholesterol 41,88%.

Nghiên cứu viện dẫn các kết quả nghiên cứu có thành tựu trong lĩnh vực này trên thế giới chỉ ra rằng: khi triglyceride tăng thêm 1mmol trên 1 lít máu thì nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng lên 32% đối với nam và 76% đối với nữ. Đồng thời, chỉ số HDL-cholesterol giảm cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành. HDL-cholesterol là nhóm nhiều phân tử lipoprotein có tác dụng chống xơ vữa động mạch ở các mức độ và cơ chế khác nhau. Cơ chế quan trọng nhất là chúng có khả năng vận chuyển ngược cholesterol từ các mô về gan để chuyển thành muối mật và thải ra ngoài. Nếu HDL-cholesterol tăng thêm 0,02 mmol trên 1 lít máu thì nguy cơ mắc bệnh mạch vành giảm 2% ở nam và 3% ở nữ. Riêng chỉ số LDL-cholesterol, mức giảm của chỉ số này tỉ lệ thuận với mức giảm tần suất các bệnh mạch vành nặng, khi LDL-cholesterol giảm 1% thì nguy cơ bệnh mạch vành nặng giảm 1,7%. Đồng thời, mức cholesterol càng hạ thấp bao nhiêu thì lợi ích lâm sàng càng lớn bấy nhiêu.

Các yếu tố liên quan đến rối loạn chuyển hóa lipid máu của mẫu nghiên cứu được xác định là: giới, tuổi và trọng lượng cơ thể. Nồng độ LDL-cholesterol của nữ cao hơn nam, tỉ lệ rối loạn lipid máu của nữ là 64,76%, của nam là 54,02%. Nồng độ cholesterol, triglycerid ở nhóm thể trọng béo cao hơn nhóm thể trọng bình thường và nồng độ HDL-cholesterol giảm dần khi thể trọng tăng lên. Như vậy, tăng thể trọng có liên quan đến rối loạn lipid máu. Nồng độ cholesterol, triglycerid, HDL-cholesterol tăng dần theo độ tuổi từ 39 đến 59 và giảm xuống ở độ tuổi 60 trở lên. Riêng nồng độ HDL-cholesterol ở độ tuổi 60 trở lên tăng cao hơn so với các nhóm tuổi dưới 60. Tỉ lệ rối loạn các thành phần lipid máu cao nhất ở độ tuổi 40 -59 tuổi (chiếm khoảng 76%), thấp nhất ở độ tuổi 60 trở lên (khoảng 55%). Nghiên cứu nhận định đối với cán bộ, viên chức ở tuổi nghỉ hưu ít rối loạn lipid máu hơn so với nhóm người ở độ tuổi còn đang công tác. Lý giải về điều này, nhóm nghiên cứu đặt giả thuyết: Phải chăng khi nghỉ hưu người ta  có điều kiện chăm lo đến sức khỏe tốt hơn cả về chế độ ăn uống cũng như tập luyện thể lực?  Bởi vì môi trường sống, trong đó có chế độ ăn uống và hoạt động thể lực ảnh hưởng rất lớn đến lượng lipid trong máu và bệnh lý tim mạch.

 

Diệu Hiền