Hè là dịp để các em học sinh thư giãn, vui chơi sau một năm học tập. Và, để làm được điều này đòi hỏi phải có nhiều “sân chơi”. Thế nhưng trên thực tế, thiếu nhi tại thành phố Bảo Lộc dường như chưa được đáp ứng nhu cầu này, vì sân chơi còn quá ít.
Thả diều là thú vui phổ biến của trẻ ở nông thôn. Ảnh: Xuân Long |
Theo thông lệ, cứ mỗi dịp hè về, học sinh các trường lại được bàn giao về sinh hoạt tại Nhà Thiếu nhi thành phố và các địa phương. Vì thế, không khí hoạt động hè tại Nhà Thiếu nhi trở nên sôi nổi ngay từ những ngày đầu hè.
Cũng như hè mọi năm, các em đến sinh hoạt tại Nhà Thiếu nhi năm nay vào khoảng trên dưới 1000 lượt. Tuy nhiên, với diện tích và quy mô khá khiêm tốn, cơ sở vật chất chưa được đầu tư đúng mức, nên hầu như thiếu nhi sinh hoạt hè tại đây cũng chỉ được tham gia học các môn năng khiếu. Còn khu vực vui chơi, do kinh phí hạn hẹp, nên nhiều năm nay, Nhà Thiếu nhi ký hợp đồng với một đơn vị tư nhân mua sắm các phương tiện phục vụ việc vui chơi của trẻ. Tuy nhiên, do diện tích quá nhỏ, thêm vào đó là giá vé chưa hợp lý, nên khu vực này cũng chỉ mới phục vụ được một số ít đối tượng thiếu nhi là con em các gia đình có điều kiện và ở khu vực trung tâm. Còn thiếu nhi nghèo, thiếu nhi vùng nông thôn, thì dường như vẫn quanh quẩn ở nhà là chủ yếu.
Khó khăn trong việc tổ chức các sân chơi cho thiếu nhi trong dịp hè tại Nhà Thiếu nhi thành phố Bảo Lộc cũng là nỗi trăn trở chung của mọi người. Theo ghi nhận của chúng tôi, hoạt động hè tại các cơ sở Đoàn, Đội ở 11 đơn vị phường, xã khá vắng vẻ. Mặc dù ngay từ đầu tháng 6/ 2011, Ban chỉ đạo hè, Hội đồng Đội thành phố đã triển khai kế hoạch hoạt động hè cho thanh thiếu nhi, nhưng rất ít cơ sở Đoàn thực hiện được. Những hội thi, như vẽ tranh, kể chuyện, trại hè thiếu nhi, tuy được tổ chức, nhưng số lượng tham gia không đáng kể và chưa thực sự trở thành hoạt động bề “nổi” để thu hút đông đảo thiếu nhi. Một trong số các hoạt động đơn giản nhất là đọc sách, truyện tại Thư viện trung tâm dường như cũng không được chú trọng và chưa thực sự thu hút thiếu nhi, cho dù Thư viện luôn có cán bộ trực và được mở cửa cả ngày. “Ngoài điều kiện khó khăn về kinh phí, cũng phải nói đến sự hạn chế về kỹ năng tập hợp và tổ chức sinh hoạt tập thể của cán bộ và anh chị phụ trách Đoàn, Đội ở các xã, phường. Đây cũng là 1 trong những nguyên nhân làm cho việc tổ chức các sân chơi chưa đạt được như mong muốn!” - Bà Nguyễn Thị Huyền Phương – Giám đốc Nhà Thiếu nhi thành phố Bảo Lộc, nói.
Do thiếu đi những “sân chơi”, nên sân chơi tự phát, như: sân thả diều; đá banh tại hồ Hà Giang, Quảng trường 28/3 hay tô tượng tại công viên (phía trước cổng UBND thành phố) xuất hiện là một tất yếu. Cứ khoảng từ 3 - 5 giờ chiều, tại các khu vực này, rất đông thiếu nhi và cả phụ huynh đưa con em đến vui chơi. Con số có thể lên đến hàng trăm, thậm chí nhiều hơn thế nữa. Thực tế cho thấy, những sân chơi này đã và đang phần nào đáp ứng nhu cầu vui chơi lành mạnh của đông đảo thiếu nhi mỗi dịp hè về. Thế nhưng, do không có sự tổ chức, quản lý nên luôn tiềm ẩn những mối nguy về tai nạn giao thông hoặc gây thương tích khi vui chơi.
Sân chơi bổ ích mỗi dịp hè về không đủ đáp ứng nhu cầu của trẻ, cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng thiếu nhi sa đà vào những trò game online bạo lực và cả những chuyến dã ngoại, lội suối, ngắm thác… tự phát. Và, song hành theo đó, luôn là những vụ tai nạn khó lường. Đã có nhiều học sinh bị tai nạn giao thông hoặc chết đuối trong lúc vui chơi. Điều này, hẳn sẽ là những nỗi đau, những vết thương khó lành trong lòng các phụ huynh, thầy cô và xã hội. Nên chăng, đã đến lúc gia đình và toàn xã hội cần quan tâm thiết thực đến những “sân chơi” của trẻ, để trẻ thực sự được vui chơi bổ ích, được sinh hoạt và vui chơi trong một môi trường thân thiện, an toàn và lành mạnh.