Do tính chất quan trọng và mức độ nguy hiểm cao, những năm qua, cán bộ công nhân viên Truyền tải điện Cao Nguyên luôn chú trọng đến công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, hạn chế đến mức tối đa các “sự cố” có thể xảy ra.
TTĐCN kiểm tra đường dây và hành lang an toàn lưới điện |
Ngoài việc thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, khai quang, chặt tỉa cây cao vi phạm khoảng cách an toàn đường dây, Truyền tải điện Cao Nguyên còn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, lực lượng công an và chính quyền địa phương (nơi có đường dây cao áp đi qua) tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động bảo vệ lưới điện cao áp. Tuy nhiên, bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, việc đảm bảo hành lang an toàn lưới điện vẫn còn gặp nhiều khó khăn trở ngại. Chính vì thế mà mất an toàn lưới điện hàng năm vẫn xảy ra. Theo ông Võ Hiếu - Đội trưởng Đội Truyền tải điện Bảo Lộc, cho biết: Hầu như năm nào đơn vị cũng phát hiện có hàng chục trường hợp dây diều dính vào dây điện cao áp cần phải xử lý. Việc thả diều xảy ra nhiều nhất tại các trụ 309, 310 đường dây 220 kV (Bảo Lộc – Long Bình) thuộc khu vực giáp ranh giữa thôn Ánh Mai 2 và Ánh Mai 3 (xã Lộc Châu và xã Đại Lào). Việc xử lý cũng không đơn giản, bởi muốn tháo gỡ dây diều, đơn vị buộc phải cắt điện toàn hệ thống. Không chỉ dây diều, việc các hộ dân sinh sống hoặc chăn thả gia súc, giăng lều bạt hoặc trồng cây trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện cũng là một vấn đề nan giải.
Theo số liệu thống kê của Truyền tải điện Cao Nguyên cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2011, toàn hệ thống đã xảy ra 3 vụ vi phạm, do các hộ dân tự ý xây nhà, san lấp mặt bằng trong hành lang an toàn lưới điện. Các vụ vi phạm này đã gây sự cố chập điện. Chi phí khắc phục sự cố lên đến hàng chục triệu đồng. Đó là chưa kể đến tổn thất điện năng do sự cố gây ra và cắt điện xử lý tổn thương dây dẫn.
Thiệt hại về tài sản có thể đo đếm được. Tuy nhiên, thiệt hại về con người thì khó có thể lường. Tại địa bàn Bảo Lộc, trong tháng 6 vừa qua, Bệnh viện II Lâm Đồng đã tiếp nhận và điều trị 1 bệnh nhân là em Tống Thị Kim Phượng (sinh năm 1995, học sinh lớp 11, Trường THPT Bảo Lộc) bị bỏng cấp độ 3 do bị phóng điện. Trước đó, cũng đã có nhiều người bị điện giật dẫn đến bị thương tích, thậm chí tử vong, do không tuân thủ đúng nguyên tắc đảm bảo an toàn hành lang lưới điện. Chẳng hạn như 1 vụ xảy ra tại phường II năm 2008 và mới đây nhất là vào ngày 3/5 vừa qua, con trâu của gia đình ông Mai Duy Hùng (ở thôn 12, xã Đamb'ri) bị điện giật chết.
Tác hại là thế, hậu quả không lường là thế. Nhưng trên thực tế vẫn còn không ít bà con do chưa thông hiểu, nên chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngành điện công tác bảo vệ tính mạng và tài sản của chính bản thân và gia đình mình. Các hộ dân sinh sống trong khu vực khoảng trụ 73 - 74 (đường dây 220 kV Hàm Thuận – Bảo Lộc) là 1 ví dụ. Tại khu vực này (thuộc địa bàn phường Lộc Sơn) có 5 hộ dân sinh sống. Ngoài cà phê, các hộ còn trồng thêm sầu riêng. Các loại cây này nằm ngay dưới lưới điện cao áp. Để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn và bảo vệ tính mạng người dân trong khu vực này, Truyền tải điện đã phối hợp với phường Lộc Sơn vận động các hộ gia đình cho chặt tỉa đọt cây vi phạm hành lang lưới điện cao áp. Đơn vị cũng thực hiện đền bù 1 lần (theo điều 9, Nghị định 81 năm 2009 của Chính phủ). Qua vận động, 3 gia đình đồng ý nhận tiền bồi thường và cho chặt tỉa hàng năm. Còn 2 gia đình khác, là bà Bùi Thị Học và ông Lê Hồng Thủy vẫn chưa hợp tác với đơn vị chuyên trách, vì cho rằng số tiền đền bù chưa thỏa đáng!