Cảnh giác hơn với dịch bệnh hại lúa

03:07, 17/07/2011

Việc phòng trừ sâu bệnh hại lúa lâu nay vẫn đang được chính quyền các cấp của tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng với nông dân triển khai quyết liệt, đồng bộ và Nhà nước hàng năm cũng đã phải chi một lượng ngân sách không nhỏ cho công việc này, song diện tích lúa bị sâu bệnh và tỷ lệ hại do sâu bệnh hàng năm vẫn đang có chiều hướng gia tăng tại hầu hết các địa bàn.

Đối với Lâm Đồng, cây lúa có vị thế đứng sau so với cà phê, chè, rau, hoa nhưng lại liên quan tới thu nhập và đời sống của hàng chục nghìn hộ nông dân- nhất là nông dân vùng trọng điểm sản xuất lương thực như Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đức Trọng… Việc phòng trừ sâu bệnh hại lúa lâu nay vẫn đang được chính quyền các cấp của tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp cùng với nông dân triển khai quyết liệt, đồng bộ và Nhà nước hàng năm cũng đã phải chi một lượng ngân sách không nhỏ cho công việc này, song diện tích lúa bị sâu bệnh và tỷ lệ hại do sâu bệnh hàng năm vẫn đang có chiều hướng gia tăng tại hầu hết các địa bàn.
    

Phun thuốc diệt rầy nâu ở cánh đồng Tân Văn – Lâm Hà.
Phun thuốc diệt rầy nâu ở cánh đồng Tân Văn – Lâm Hà.

Số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, năm 2010, dịch hại chủ yếu trên cây lúa tại địa bàn là rầy nâu, vàng lùn- lùn xoắn lá, ốc bươu vàng, đạo ôn và khô vằn; Diện tích lúa bị nhiễm bệnh phải hủy bỏ hoặc giảm năng suất gồm 26.067 ha bị rầy nâu (tăng 6.160 ha so với năm 2009), 597 ha bị bệnh vàng lùn- lùn xoắn lá phải tiêu hủy (tăng 509 ha), 3.822 ha bị ốc bươu vàng tàn phá. Sáu tháng đầu năm 2011 này, cũng đã có 6.257 ha lúa bị nhiễm rầy nâu (357 ha nhiễm nặng), 895 ha bị bệnh đạo ôn nặng (tăng 15%)và 351 ha bị ốc bươu vàng; cũng như các năm trước, dịch rầy nâu bùng phát chủ yếu và gây hại nặng cả về diện tích nhiễm lẫn mật độ rầy thời gian qua tập trung tại Cát Tiên (1.378 ha), Đạ Tẻh (1.103 ha), Đơn Dương (370 ha), Đức Trọng (270 ha); bệnh đạo ôn cũng đang phát sinh mạnh và gây nhiều lo lắng cho nhà nông các địa phương này.
      
Ở thời điểm hiện nay (trung tuần tháng 7/2011), Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) đã thống kê cho thấy toàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong lúa đông xuân, vụ hè thu đã có 6.115 ha lúa được xuống giống, diện tích lúa vụ mùa đã xuống giống là 4.736 ha. Trên diện tích 10.851 ha lúa hè thu và mùa mới xuống giống và đang trong kỳ chăm sóc này đã có 4.007 ha tại Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Đức Trọng nhiễm rầy nâu(trong đó có tới 438 ha nhiễm nặng với mật độ rầy 750-1.200 con/ m2), đặc biệt, tại Đạ Huoai và Đức Trọng trên1.783 ha bị  ốc bươu vàng (tăng 728 ha so với trung tuần tháng 6), 238 ha lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh bị bệnh đạo ôn.
     
Cùng với việc cấp kinh phí mua các loại thuốc (hóa chất) đặc trị với từng loại sâu bệnh cung cấp cho nông dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập các ban chỉ đạo chống dịch- nhất là dịch rầy nâu- từ tỉnh tới tận cơ sở để huy động nhân lực, phương tiện cho phòng chống dịch. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2011 này, ngân sách tỉnh đã cấp cho các huyện có lúa nhiễm rầy nâu trên 12.198 lít thuốc Azora, 19.655 kg thuốc Appelaur, và hiện đang cung cấp 2 loại thuốc này cho xã Hương Lâm (Đạ Tẻh) để cứu 46 ha bị nhiễm rầy nặng.
  
Các chuyên gia về bảo vệ thực vật đều có chung nhận định là dịch hại hại lúa đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng khó phòng chống. Nguyên nhân được đưa ra là do việc sản xuất lúa theo nguyên tắc đồng trà- đồng vụ , việc sử dụng thuốc BVTV và thực hiện quy trình kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại lúa đúng  chưa được nông dân tuân thủ triệt để đúng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn; nhiều giống lúa đã nhiễm bệnh và tính kháng sâu bệnh kém vẫn được canh tác với diện tích lớn ở các địa bàn… Do vậy, ngoài các loại dịch hại “ truyền thống” đã xuất hiện các loại dịch hại hại lúa mới rất khó phòng trừ như ốc bươu vàng, vàng lùn- lùn xoắn lá (bệnh do vi rút) … và nhiều diện tích lúa đồng thời bị nhiễm nhiều loại sâu bệnh làm giảm năng suất trầm trọng…

Đức Hưng