Các tuyến đi ngang đều gặp khó khăn (bài 2)

03:07, 19/07/2011

Các tuyến QL 27, QL 28 và ĐT 723… tương tự như QL 27 hiện cũng đang rơi vào tình cảnh xuống cấp, chưa được đầu tư hoàn thiện gây khó khăn đi lại, giao thương hàng hóa.

[links()] Nếu như quốc lộ (QL) 20 là  trục xương sống nối Đà Lạt – Lâm Đồng với vùng kinh tế phía Nam thì các tuyến QL 27, QL 28 và ĐT 723… được  xem là các tuyến chính yếu nối Lâm Đồng với các vùng kinh tế ven biển Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận. Những cung đường này, tương tự như QL 27 hiện cũng đang rơi vào tình cảnh xuống cấp, chưa được đầu tư hoàn thiện gây khó khăn đi lại, giao thương hàng hóa.
 
Đường ĐT 723 đoạn phường 11 Đà Lạt thi công dở dang
Đường ĐT 723 đoạn phường 11 Đà Lạt thi công dở dang

“Điệp khúc” thiếu vốn

Tuyến ĐT 723 nối thành phố du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng với thành phố du lịch biển Nha Trang – Khánh Hòa, đoạn qua địa phận Lâm Đồng dài 54 km mặc dù đã được thông xe từ hai năm nay nhưng vẫn chưa hoàn thành toàn bộ dự án. Dọc tuyến vẫn còn nhiều điểm rất dễ gây sạt lở, nhất là vào mùa mưa lũ dẫn đến không ít lần gây ách tắc giao thông. Qua khảo sát, ngay đoạn từ xã Đạ Chais (huyện Lạc Dương) đến huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) dài 31 km đưa vào sử dụng năm 2009 nhưng đến nay ít nhất có 3 vị trí đã bị sạt lở nghiêm trọng, nếu không sửa chữa kịp thời sẽ có nguy cơ tắc đường trong mùa mưa lũ. Cán bộ Trung tâm Tư vấn quản lý dự án và kiểm định giao thông vận tải, Sở GTVT Lâm Đồng cho hay, dự kiến sửa chữa những vị trí sạt lở này mất khoảng 52 tỉ đồng, nhưng hiện đang gặp khó khăn về nguồn vốn... Còn đoạn đi qua Thái Phiên (phường 11, Đà Lạt) thì đang bị “đóng băng” do khó khăn trong việc giải tỏa mặt bằng bố trí tái định cư và cũng rơi vào “điệp khúc” thiếu vốn. Chính những nguy cơ sạt lở, ách tắc giao thông, cung đường ĐT 723 hiện  chưa phát huy hết hiệu quả đặt ra là rút ngắn quãng đường giữa hai trung tâm du lịch Nha Trang và Đà Lạt, một trong những điều kiện nối tour lên rừng xuống biển thuận lợi.

Tuyến đường Đại Ninh - Lương Sơn (nối Bình Thuận - Lâm Đồng) là đường chuyên dùng được xây dựng để phục vụ khai thác thủy điện Đại Ninh có lưu lượng người và xe cộ qua lại không nhiều nhưng hiện cũng đang xuống cấp. Đoạn qua địa phận Lâm Đồng dài hơn 16 km bị nứt, lún và sạt lở nghiêm trọng, xuất hiện nhiều hố như trâu đầm từ ngã ba Tà In đi vào hết địa phận xã Ninh Loan. Theo Sở GTVT Lâm Đồng, để sửa chữa đoạn này phải mất hơn 10 tỉ đồng, và mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cam kết cấp vốn nhưng đến nay vẫn chưa bố trí. Ngoài các tuyến đường trên, duy nhất có QL 55 còn tương đối tốt, song cũng không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, nhất là phục vụ khai thác bô xít tại mỏ Tân Rai, Bảo Lâm thời gian tới.

Lộ ngập nên phải đi vòng

Tương tự, QL 28 được đầu tư xong từ dăm năm nay là trục ngang quan trọng kết nối thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) qua Lâm Đồng đến thị xã Gia Nghĩa (Đắc Nông) có chiều dài 179 km. Tuy nhiên QL 28 mới chỉ dừng lại ở quy mô mặt đường rộng 3,5m trên nền đường rộng 6,5 m nên rất chật hẹp, khó khăn trong giao lưu hàng hóa. Vì vậy, cuối năm 2010 Chủ tịch UBND ba tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng và Đắc Nông đã nhất trí cùng ký vào văn bản liên tịch gửi lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị ưu tiên bố trí vốn đầu tư nâng cấp QL 28. Công văn này nêu rõ: “Qui mô QL 28 hiện tại là đường cấp 4 và cấp 5 miền núi, không đồng nhất và có nhiều đoạn, nền, mặt đường rất hẹp, nhiều đoạn đèo dốc quanh co dễ xảy ra tai nạn giao thông… trong khi nhu cầu lưu thông trên tuyến đang tăng đột biến, dẫn đến xuống cấp nhanh chóng và nghiêm trọng”. Đồng thời nhận định rằng: “…trong thời gian qua tuyến đường này đã phát huy tác dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của ba tỉnh”. Và “trong tương lai QL 28 là tuyến đường có vị thế hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực Tây Nguyên cũng như các tỉnh duyên hải Miền Trung. Ngoài ra sẽ là một trong những tuyến đường phục vụ khai thác vận chuyển bô xít từ nhà máy Nhân Cơ (Đắc Nông) và nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) xuống cảng Kê Gà (Bình Thuận)”.

Việc sớm đầu tư xây dựng nâng cấp QL 28 hết sức cần thiết và búc xúc, do đó cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ưu tiên bố trí vốn xây dựng trong giai đoạn 2011 – 2015. Không dừng lại ở cấp đường, mặt đường hiện tại chật hẹp so với nhu cầu giao thông, QL 28 còn gặp phải trở ngại thông thương khi Thủy điện Đồng Nai 3 và 4 ngăn dòng tích nước phục vụ phát điện dẫn đến một đoạn dài bị ngập chìm dười lòng nước mà lẽ ra nhà đầu tư phải bỏ vốn làm đường tránh trước khi tích nước. “Trách nhiệm chính thuộc về nhà đầu tư thủy điện, trước khi tích nước phát điện đã cam kết thi công đường tránh ngập lòng hồ thủy điện dài 15 km qua địa phận Lâm Đồng với số vốn đầu tư hơn 170 tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân 40 tỷ, chủ yếu chi trả bồi thường cho dân. Chủ đầu tư tích nước phát điện thu tiền còn việc thiệt hại như thế nào thì tỉnh phải chịu” – Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng Trương Hữu Hiệp cho hay.

Đã vậy, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ cắt giảm chi tiêu công, Bộ GTVT đưa đoạn tránh này vào danh sách hạng mục công trình cắt vốn. Phải đến khi lãnh đạo bộ đi thị sát, kiểm tra hiện trường “mắt thấy, tai nghe” mới đưa lại vào danh mục công trình búc xúc cần gấp rút triển khai. Việc do chưa thi công đường tránh hồ Thủy điện Đông Nai 3, các phương tiện giao thông từ Lâm Đồng qua Đắc Nông và ngược lại phải chạy vòng qua tỉnh lộ ĐT 725 mượn đường công trình thủy điện Đồng Nai 4 để qua Gia Nghĩa với lộ trình dài hơn 30 km khiến chi phí tăng cao. Đồng thời phát sinh một số người dân sử dụng xuồng, ghe làm phương tiện vận chuyển qua lòng hồ thủy điện đã từng xảy ra chết người và hiện là mối nguy rình rập tai nạn vào mùa mưa lũ.

HỒ XUÂN TRUNG