Lâm Đồng là tỉnh miền núi giáp ranh với 7 tỉnh, có diện tích tự nhiên lớn, địa bàn dân cư thưa thớt nên nhu cầu đầu tư giao thông đường bộ rất lớn. Nhìn tổng thể hiện trạng giao thông trên địa bàn Lâm Đồng hiện nay, nhất là giao thông đối ngoại có các tuyến bao gồm: QL 20, QL 27, QL 28, QL 55 và ĐT 723... kết nối với các tỉnh lân cận với tổng chiều dài đi qua địa phận tỉnh hơn 430 km; thế nhưng hiện trạng trên các tuyến đường trục chính này đang bị hư hỏng, xuống cấp, đồng thời phải đối mặt với sự quá tải do phương tiện tham gia giao thông vận chuyển hàng hóa ngày một tăng.
Đi thực tế trên tuyến QL 27 nối Ninh Thuận – Lâm Đồng với “ thủ phủ” cà phê Đắc Lắc mới thấy hết mức độ xuống cấp hiện nay của con lộ này.
Tỉnh lộ xuống cấp theo quốc lộ
Đoạn trước UBND xã Lạc Xuân luôn ách tắc. |
Dự án cải tạo, nâng cấp QL 27 được khởi công vào tháng 2 năm 2009 với thời gian thi công 23 tháng, trong đó có các gói thầu thi công xây dựng đoạn qua địa bàn 3 xã Lạc Xuân, Lạc Lâm, Đạ Ròn và hai thị trấn D’Ran, Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương) đến ngã ba Fi Nôm (Đức Trọng). Theo hợp đồng thi công thì đến nay đoạn đường này đã phải hoàn thiện để đưa vào sử dụng nhưng từ điểm giáp ranh tỉnh Ninh Thuận qua thị trấn D’Ran đến Fi Nôm nhiều nơi vẫn ngổn ngang, thậm chí có gói thầu chưa được triển khai thi công. Thi công dở dang, bê trễ tiến độ các gói thầu như “tiếp tay” khiến cho mặt đường QL 27 bị băm nát, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi, mương nước nằm chơ vơ ngổn ngang ống cống. Một cán bộ Phòng Công thương huyện Đơn Dương cho hay: Nhiều đoạn hiện giờ như công trường giữa lộ, vào giờ cao điểm gây ùn tắc xe cả tiếng. Cầu cống chưa xây, đổ đá tràn mặt đường khiến xe bị lật. Những hộ dân buôn bán hai bên đường ở các trung tâm xã, thị trấn thì chịu cảnh nắng bụi mưa lầy khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Cũng cần phải nói thêm, các xã Lạc Xuân, Lạc Lâm và thị trấn D’Ran thuộc vùng chuyên canh rau, mỗi ngày có cả hàng trăm xe tải vào bốc hàng nên không những làm ách tắc giao thông mà còn góp phần khiến cho mặt đường - tại những đoạn chưa thi công xong xuống cấp nhanh hơn. Đáng nói hơn, do sự chậm trễ thi công gây khó khăn đi lại nên các tài xế xe tải chở nông sản đã lựa chọn “giải pháp” đi vòng qua tuyến đường huyện lộ ĐT 472 – từ D’Ran chạy đến cầu Quảng Lập, Thạnh Mỹ - khiến cho mặt đường, cầu cống của tuyến này cũng xuống cấp theo vì quá sức chịu tải.
Đình hoãn đến bao giờ
Sự kéo dài tiến độ thi công nâng cấp QL 27 đã được lãnh đạo huyện, tỉnh có công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét giải quyết nhiều lần, song những đề đạt đó đến nay vẫn chưa được giải quyết. Và mới đây, một lần nữa UBND huyện Đơn Dương đã có văn bản kiến nghị lên các cơ quan chức năng về thực trạng các gói thầu xây lắp QL 27, qua đó Sở Giao thông vận tải đã có công văn do Phó Giám đốc Sở Lê Chinh ký gửi Tổng Cục đường bộ Việt Nam chủ đầu tư dự án với nội dung: “Sau khi kiểm tra hiện trường, nhiều đoạn đường bị sình lầy, trơn trượt, có nhiều hố lớn làm cho tình hình đi lại khó khăn, dễ xảy ra tai nạn, gây bức xúc trong dân”. Đồng thời kiến nghị Tổng Cục đường bộ Việt Nam “chỉ đạo các đơn vị liên quan, có biện pháp kịp thời đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ”.
Trước thực trạng đường sá và sự “đóng băng” các giói thầu nêu trên, theo ông Lâm Văn Hoàng - Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 2 - đại diện chủ đầu tư - cho hay: “Do khó khăn về nguồn vốn nên công tác giải ngân khối lượng xây lắp đã hoàn thành cho các nhà thầu bị đình hoãn, hiện còn nợ các nhà thầu hơn 100 tỉ đồng. Các gói thầu đã phải ngừng thi công từ nhiều tháng qua và chưa biết đến khi nào mới thi công trở lại. Trước mắt đề nghị Bộ Giao thông bố trí đủ vốn để trả nợ các nhà thầu để các nhà thầu thi công dứt điểm, hoàn thành các hạng mục tại các vị trí xung yếu, nền đường thi công dở dang… trước mùa mưa lũ”.
Nguy cơ tai nạn giao thông
Không chỉ đoạn D’ran - Fi Nôm dài 30km nằm trong Dự án nâng cấp QL 27 đang được nâng cấp nhưng đang xuống cấp vì thi công bị đình hoãn mà nhiều đoạn từ ngã ba Liên Khương vào đến cầu Krông Nô trên tuyến QL27 nối Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk (trong đó, đoạn qua Lâm Đồng dài 123,5 km) cũng đang lâm vào tình cảnh mặt đường rạn nứt, bong tróc, xuất hiện nhiều ổ voi… Cụ thể cả 10 km đèo Chuối hầu hết mặt đường bị xuống cấp, bong tróc không thể nói là đảm bảo giao thông êm thuận. Các ta luy dương, ta luy âm đều có nguy cơ sạt lở liên tục. Chưa hết, đoạn từ ngã thị trấn Bằng Lăng vào đến cầu Krông Nô giáp ranh với tỉnh Đắc Lắc dài gần 8 km cũng rạn nứt, sụt lún mặt, xuất hiện nhiều hố trên mặt đường nên rất trở ngại lưu thông. Đoạn đèo Chuối Sở đã lập dự án đầu tư 10 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục ổ voi, ổ gà, vá dặm những nơi bong tróc. Còn các đoạn khác chỉ vá dặm qua loa vì chưa được đầu tư nâng cấp.
Ngay như Dự án cầu vượt đường cao tốc Liên Khương – Đà Lạt và 6 km đường tránh QL 27 với tổng vốn đầu tư 130 tỷ đồng nhiều năm nay vẫn không khởi công được. Cứ bố trí vốn lại rút và mới đây mới động thổ khởi công phần cầu nhưng lại bị ngưng trệ do thiếu vốn” – Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trương Hữu Hiệp cho hay. Một cán bộ huyện Đam Rông thừa nhận, các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn huyện tăng cao từ đầu năm đến nay chủ yếu xảy ra ở truyến QL 27.
Còn Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Đơn Dương Nguyễn Ánh cho biết thêm: Năm nay tình hình tại nạn giao thông trên địa bàn Đơn Dương tăng cả về số vụ và số người chết. Số trường hợp tử vong do tai nạn từ đầu năm đến nay trên 10 người, tăng gấp đôi so với cùng kỳ một phần do đường xá quá xấu.