Khốn khổ vì bãi rác đã quá… “tải”!

02:07, 24/07/2011

Bãi rác Bảo Lộc (thôn 10, xã Đam Bri) hiện đang đứng trước nguy cơ quá… “tải”! Mùi hôi, khói bụi (bốc lên từ lò đốt rác thải y tế tại bãi rác) và ô nhiễm nguồn nước đang đe doạ từng ngày đến cuộc sống của người dân.

Đã gần 10 năm đưa vào sử dụng, bãi rác Bảo Lộc (thôn 10, xã Đam Bri) hiện đang đứng trước nguy cơ quá… “tải”! Mùi hôi, khói bụi (bốc lên từ lò đốt rác thải y tế tại bãi rác) và ô nhiễm nguồn nước đang đe doạ từng ngày đến cuộc sống của người dân nơi đây. Trong khi đó, dự án xây dựng bãi rác của thành phố Bảo Lộc bây giờ mới bắt đầu triển khai.

Giếng nước gia đình bà Huỳnh Thị Đậm không thể sử dụng do bị ô nhiễm.
Giếng nước gia đình bà Huỳnh Thị Đậm không thể sử dụng do bị ô nhiễm.
Bãi rác tại xã Đam Bri (Bảo Lộc) được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt từ tháng 9/2002 với quy mô 7,5 ha. Đây chỉ là bãi xử lý rác tạm thời trong thời gian từ 5 đến 10 năm. Như vậy, nếu căn cứ theo quyết định đã phê duyệt thì thời hạn hoạt động của bãi rác chỉ đến tháng 9/2012. Tuy nhiên, lâu nay người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị phải “đóng cửa” bãi rác, vì mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng lan rộng. Bà Vũ Thị Lới (thôn 14, xã Đam Bri) phản ánh: “Hàng ngày, người dân nơi đây phải chịu đựng mùi hôi và ruồi nhặng. Mong muốn của người dân là sớm di dời bãi rác đi nơi khác hoặc có giải pháp xử lý ô nhiễm để đảm bảo vệ sinh môi trường!”. Hiện tại, thôn 14 có khoảng 200 hộ dân với gần 650 nhân khẩu; trong đó, có hơn 10 hộ dân sống gần bãi rác. Đây là những hộ hàng ngày phải hứng chịu mùi hôi và sử dụng nguồn nước giếng không đảm bảo vệ sinh. Bà Huỳnh Thị Đậm - một trong những hộ dân sống gần bãi rác, cho biết: “Từ năm 2005, nước giếng của gia đình bị đóng váng và có mùi hôi không thể sử dụng được nữa. Không những thế, mỗi ngày khi lò đốt rác thải y tế hoạt động thì khói và mùi hôi lan cả vùng!”.

Mức độ ô nhiễm nguồn nước, không khí chủ yếu được người dân đánh giá bằng cảm quan. Trong khi đó, theo hợp đồng cam kết trách nhiệm giữa Công ty Công trình Đô thị Bảo Lộc (nay là Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Bảo Lộc) với UBND xã Đam Bri và thôn 14 thì “Định kỳ 6 tháng/lần, Công ty sẽ mời Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Y tế kiểm tra nguồn nước, kiểm tra về mùi và vệ sinh bãi rác. Các kỳ kiểm tra phải có sự tham gia của đại diện UBND xã, thôn 14 và lập báo cáo, thông báo rộng rãi cho nhân dân”. Tuy nhiên, ông Dao Văn Bình - Trưởng thôn 14, xã Đam Bri, lại khẳng định: “Tôi đã làm trưởng thôn 5 năm nay rồi nhưng chưa thấy có đoàn nào đến kiểm tra, thẩm định gì cả!”. Điều này cũng được bà Bùi Thị Thuỷ - Phó Chủ tịch UBND xã Đam Bri, xác nhận: “Từ trước đến nay, UBND xã chưa một lần tham dự bất cứ một cuộc kiểm tra nào liên quan đến bãi rác!”.

Không phải đến bây giờ người dân mới phản ánh và kiến nghị phải ngưng hoạt động bãi rác. Trước đó, nhiều lần người dân đã có tìm cách ngăn chặn đổ rác tại đây, nhất là thời điểm đầu năm 2004, khi Công ty Công trình Đô thị đem gà bị dịch cúm vào bãi rác chôn lấp không đúng quy trình. Ông Lê Kiên Hiền - Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ Môi trường (Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Bảo Lộc), cho biết: “Hiện tại, bãi rác đã sử dụng hết 95% diện tích. Mỗi ngày bãi rác tiếp tục tiếp nhận khoảng 50 tấn rác sinh hoạt và 100 kg rác thải y tế. Rác sinh hoạt được xử lý bằng chôn lấp. Rác y tế được đốt bằng buồng đốt diezen. Trong thời gian qua, Xí nghiệp chưa nhận được bất cứ đơn thư phản ánh nào của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác!”. Tuy nhiên, ông Hiền cũng thừa nhận, khi xử lý rác y tế thì có khói và mùi hôi. Việc kiểm tra định kỳ tại bãi rác chủ yếu được “kiểm tra nội bộ” (?!).

Còn hơn 1 năm nữa, bãi rác thôn 14, xã Đam Bri phải chính thức đóng cửa. Hiện nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng bãi rác thải thành phố Bảo Lộc tại xã Lộc Châu. Có thể nói, đây là công việc khá cấp bách. UBND thành phố Bảo Lộc đã giao cho Công ty Cổ phần Công trình Đô thị lập dự án xây dựng đường giao thông vào bãi rác Lộc Châu. Đồng thời, thành phố cùng với Sở Kế hoạch Đầu tư đang tính toán, xác định quy mô, nguồn vốn, tiến độ đầu tư và công nghệ xử lý phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

HỮU SANG