“Mua” an tâm, “bán” y đức

03:07, 12/07/2011

Người nhà các sản phụ sẵn sàng chi tiền để “mua” sự an tâm; còn những hộ lý, bác sĩ cũng sẵn sàng nhận tiền để “bán” đi y đức của mình.

Người nhà các sản phụ sẵn sàng chi tiền để “mua” sự an tâm; còn những hộ lý, bác sĩ cũng sẵn sàng nhận tiền để “bán” đi y đức của mình. Thực tế này diễn ra khá phổ biến tại Khoa Sản - Bệnh viện II Lâm Đồng. Và, nó hiện đang tồn tại như một… “căn bệnh nan y”!

ĐỒNG TIỀN ĐI TRƯỚC LÀ ĐỒNG TIỀN KHÔN?

Giữa tháng 4/2011, chúng tôi nhận được thư phản ánh của anh P.T.T (phường II, thành phố Bảo Lộc) bất bình về việc chuyện phải chi tiền “lót tay” tại Khoa Sản - Bệnh viện II Lâm Đồng. Anh bức xúc: “Vợ tôi vào phòng sinh, bà bác sĩ ra nói với ba, má vợ tôi là ca này sinh khó! Hiểu ý, má tôi đưa 300 ngàn đồng. Sau đó, vì quá lo lắng, má tôi chạy vào thì bị đuổi ra. Má tôi đưa tiếp 200 ngàn đồng thì được vào phòng sinh. Sau hơn 1 giờ đồng hồ, vợ tôi sinh xong nhưng vẫn chưa được đưa ra. Hỏi thì được biết vết rạch quá dài không may lại được. Bố vợ tôi vào gặp ông bác sĩ (trưởng ca trực đêm đó) để nhờ can thiệp và “dúi” thêm 500 ngàn đồng nữa. Vợ tôi là N.T.C.L sinh bé trai tại Khoa Sản - Bệnh viện II Lâm Đồng lúc 23 giờ 10 phút ngày 30/1/2011”.
 
Rất nhiều bảng “cấm nhận phong bì” được dán tại Khoa Sản - Bệnh viện II Lâm Đồng
Rất nhiều bảng “cấm nhận phong bì” được dán tại Khoa Sản - Bệnh viện II Lâm Đồng

Sau nhiều lần đến Khoa Sản quan sát, chúng tôi đã mắt thấy, tai nghe những hiện tượng tương tự như anh T. phản ánh là thực tế đã xảy ra. Việc đưa và nhận “phong bì” tại Khoa Sản đã nghiễm nhiên trở thành “chuyện thường ngày”. Ai đưa tiền thì được ưu ái trong suốt quá trình “vượt cạn”. Ai không thì sẽ bị hạch hoẹ, gây khó dễ.

Một ngày cuối tháng 4/2011, đưa người nhà đi sinh tại Khoa Sản, tại bãi giữ xe, chúng tôi đã bắt gặp người nhà của một sản phụ khác chuẩn bị sẵn 1 phong bì trước khi vào Khoa Sản. Khi chúng tôi tò mò, bà V.T.M - mẹ chồng của sản phụ này (ở phường I, Bảo Lộc), cho biết “kinh nghiệm”: “Tôi đưa mấy đứa con dâu đi sinh ở đây nhiều lần rồi, phải chuẩn bị tiền trước để đưa cho các hộ lý thì người ta mới quan tâm đến con mình (!?)”.

Lúc 2 giờ chiều ngày 18/5/2011, Khoa Sản đóng cửa như thường lệ để “làm thuốc”. Tất cả thân nhân đều phải ra ngoài. Lúc này, một sản phụ và mẹ đến bấm chuông, hộ lý ra mở cửa và cho một mình sản phụ vào, người mẹ ở ngoài. Khi mẹ của sản phụ này lo lắng thì được một người bày cách: “Đưa cho cô ấy ít tiền là vào được ngay!”. Và, thực tế đã đúng như thế… Một tình huống khác, chị V.T.H (Đạ Tẻh) đưa em gái đi sinh tại Khoa Sản, kể: “Do sinh khó nên em tôi được chuyển lên đây. Tôi lo lắng không biết làm sao. Khi được mấy chị cùng phòng chờ sinh bảo rằng, muốn cho “chắc” phải đưa tiền cho hộ lý, thì tôi đã đưa 200 ngàn đồng!”.

Anh N.M.C (phường II, Bảo Lộc) đưa vợ đi sinh vào đầu tháng 5, cho biết: “Vợ tôi vào phòng chờ sinh đã được mẹ vợ “gởi gắm” cho hộ lý. Vì vậy, các chị rất nhiệt tình với vợ mình. Nhiều người có lẽ không hiểu “luật” nên các chị hộ lý ít quan tâm và nhiều khi còn bị nạt nộ!”. Một sản phụ sinh non (đang nằm tại Khoa Nhi sơ sinh) kể: “Vì tôi sinh non nên cả gia đình không chuẩn bị được gì. Một chị khi khám cho tôi xong, nói rằng: Chưa thấy ai như gia đình cô này, sinh nở khó mà chẳng thấy “thưa gởi” ai!”. Chị N.L.D (Lộc Sơn, Bảo Lộc) nói: “Vì sinh mổ, vết thương quá đau, tôi nói với chị điều dưỡng xin bác sĩ đến khám và cho thêm thuốc giảm đau. Chị ấy bảo: Khoa Sản làm gì có thuốc giảm đau, muốn thì phải qua phòng mổ mới có! Hiểu ý, chồng tôi nhét vào túi chị ấy 50 ngàn đồng, chỉ vài phút sau là có thuốc giảm đau ngay”…

MỘT “CĂN BỆNH NAN Y”!

Trao đổi với chúng tôi về hiện tượng đưa - nhận phong bì tại Khoa Sản, bác sĩ Phạm Ngọc Thi - Phó Giám đốc Bệnh viện II Lâm Đồng, thừa nhận: “Mặc dù Đảng uỷ và Ban Giám đốc Bệnh viện II đã kiên quyết và nhiều lần nhắc nhở việc cấm nhận phong bì, nhưng từng lúc, từng nơi không thể quán xuyến hết được, nên vẫn xảy ra và chưa xử lý triệt để!”. Cũng theo BS Thi, trong thời gian vừa qua, Bệnh viện II đã xử lý kỷ luật và chuyển công tác một số bác sĩ, hộ lý vì có biểu hiện nhận phong bì tại Khoa Sản. Cụ thể là 1 bác sĩ đã bị Hội đồng kỷ luật xử lý cảnh cáo và thông báo kỷ luật trong toàn Bệnh viện; 2 hộ lý buộc phải chuyển sang làm hành chính.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tiêu cực nói trên là sự nhập nhằng giữa “sinh dịch vụ” và “sinh không dịch vụ” tại Bệnh viện II. Chính vì lẽ đó, sản phụ và người nhà đã phải bỏ tiền ra “mua” dịch vụ. Điều này đã tạo thành “phản xạ có điều kiện” cho các nhân viên y tế trong môi trường sản khoa. Từ đó đã tạo thành một… “căn bệnh nan y”. Trong khi đó, các biện pháp xử lý của Bệnh viện II lại tỏ ra quá “nhẹ tay” đối với các trường hợp vi phạm. Cho dù hàng tuần, Bệnh viện II Lâm Đồng tổ chức gặp gỡ người nhà bệnh nhân để trao đổi, ghi nhận ý kiến phản ánh; đồng thời, lập đường dây nóng để bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có thể phản ánh trực tiếp những nhũng nhiễu của nhân viên y tế (nếu có). Thế nhưng, thực tế bà con không có ý kiến và nếu có thì cũng rất ít, do đó Bệnh viện II không có cơ sở để kịp thời xử lý tiêu cực.

Nâng cao y đức để “lương y như từ mẫu” chắc chắn là điều mà bất cứ bệnh viện nào cũng đều quan tâm. Chúng tôi thiết nghĩ, “căn bệnh nan y” ở Bệnh viện II Lâm Đồng cũng không khó “điều trị” cho lắm, giá như Đảng uỷ và Ban Giám đốc Bệnh viện thực sự “vào cuộc”. Bởi lẽ, nhận phong bì ở Khoa Sản chỉ là biểu hiện tiêu cực của một số cá nhân.

HỮU SANG