Rừng bị phá, vì không có sự gắn bó

03:07, 19/07/2011

Bài học rừng bị phá ở xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) là một ví dụ (dù đã xảy ra và đã được xử lý). Nguyên nhân dẫn đến sự việc này chỉ giản đơn từ việc người đầu tư (hay còn là chủ rừng) không có sự gắn bó và liên kết với chính quyền địa phương.

Rừng dọc tuyến giao thông mới ĐT 725 Bảo Lâm - Đạ Tẻh bị tàn phá. Ảnh KD
Rừng dọc tuyến giao thông mới ĐT 725 Bảo Lâm - Đạ Tẻh bị tàn phá. Ảnh KD
Bài học rừng bị phá ở xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) là một ví dụ (dù đã xảy ra và đã được xử lý). Nguyên nhân dẫn đến sự việc này chỉ giản đơn từ việc người đầu tư (hay còn là chủ rừng) không có sự gắn bó và liên kết với chính quyền địa phương. Bài học này vẫn còn vẹn nguyên giá trị đối với các doanh nghiệp khi đặt chân đến đầu tư trên những vùng đất (còn nhiều luật tục) như ở Nam Tây Nguyên.

Tính từ năm 2009 đến hết năm 2010, xã Lộc Tân đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện bắt và xử lý hơn 20 vụ khai thác, vận chuyển  lâm sản trái phép (hều hết các vụ này đều do hạt Kiểm Lâm huyện xử lý). Nổi cộm là ở khu vực lòng hồ thủy điện Đạm Bri và thôn 6 của xã Đạ Tồn. Vào tháng 2 năm 2009 đến tháng 7 năm 2010, tập thể nhân dân thôn 6 xã Đạ Tồn đã phát hiện hàng chục, có thời điểm lên đến hàng trăm người ngang nhiên công khai phát rừng tại tiểu khu 456 khoảng 20 ha. Tháng 11/2010 khoảng vài chục người ở thôn 6 đã ngang nhiên vào rừng phát, tranh giành đất tại điểm khu 454 với Công ty TNHH Tiên Phong. Tất cả vụ việc trên, cấp ủy và chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng của huyện “cố gắng” tuyên truyền vận động nhân dân, mà chưa hề có biện pháp xử lý theo đúng luật pháp.
 
Tại xã Lộc Tân, UBND tỉnh đã quyết định cho 10 doanh nghiệp được đầu tư trồng rừng trên địa bàn xã với diện tích trên 2.400 ha. Tính đến hết năm 2010, thì chỉ có 3/10 doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký tại UBND xã theo quy định của pháp luật và có mối quan hệ với địa phương để triển khai dự án. Số còn lại, thì không hề “đả động” đến chuyện đăng ký, thậm chí các doanh nghiệp này, xã chỉ biết được tên tuổi thông qua các cơ quan chức năng của huyện (quen ai, địa chỉ, trụ sở của họ ở đâu - báo cáo của xã cho biết). Và, thậm chí các doanh nghiệp này thực hiện dự án như thế nào theo quyết định nào của tỉnh xét duyệt, xã cũng không hề biết?! Điều này cho thấy công tác quản lý, giám sát của chính quyền và lãnh đạo cấp cơ sở gặp rất nhiều khó khăn, đây hoàn toàn là một thực tế.
   
Thực tế cũng đã cho thấy, 3/10 doanh nghiệp có đăng ký và quan hệ với cấp ủy và chính quyền địa phương nơi đặt chân đầu tư, thì tình hình triển khai đều thuận lợi và có hiệu quả. Gần như, không hề có mâu thuẫn, tranh chấp trong quần chúng nhân dân và việc triển khai trồng rừng đều đạt được kết quả như, Công ty TNHH Tân Liên Thành trồng 443/460 ha; công ty Hùng Lộc 70/100 ha; công ty cổ phần Thủy điện Miền nam thực hiện giải tỏa hàng trăm ha nhưng chưa hề xảy ra chuyện tranh chấp hoặc khiếu kiện từ phía người dân.
   
Cũng phải nhắc tới 7/10 doanh nghiệp không đăng ký tại địa phương, thì 2 doanh nghiệp có mối quan hệ với cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc thực hiện triển khai dự án đó là, Công ty cổ phần Trường Lộc, Công ty TNHH Tâm Châu, khi triển khai dự án trong nhiều năm qua cũng không hề xảy ra hiện tượng bị tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân.
   
Trong 5/10 doanh nghiệp không đăng ký quản lý tại xã và cũng không hề có mối liên hệ với chính quyền sở tại nơi đóng chân thì doanh nghiệp Nam Việt được “đặc biệt’ chú ý vì đã gây xáo trộn tình hình an ninh trật tự trong nhân dân. Xã Lộc Tân gần như đã bất lực trong công tác quản lý, chỉ đạo và giám sát, thậm chí doanh nghiệp này còn trở thành điểm nóng của nhiều xung đột và mâu thuẫn  trong nhân dân, dù chính quyền địa phương đã tập trung giải quyết nhưng gần như không có hiệu quả cũng như không tìm ra được giải pháp xử lý.
   
Có thể thấy rõ, việc các công ty không có mối liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương đã gây ra những hệ quả nghiêm trọng, không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc phá rừng. “Làn sóng” ngang nhiên phá rừng ở một số bộ phận người dân cũng như lén lút phát cây để lấn chiếm đất rừng vì mâu thuẫn với doanh nghiệp là một minh chứng rõ nét. Giải thích cho nguyên nhân này, chỉ duy nhất được trả lời bằng câu hỏi, các doanh nghiệp đã không chấp hành tốt việc đăng ký, không quan hệ với địa phương để phối kết hợp làm tốt công tác dân vận.

BOX: Tình trạng tự động phá rừng của người dân ở thôn 6 Đạ Tồn-huyện Bảo Lâm không phải vì thiếu đất sản xuất, nghèo đói … mà chủ yếu vì bức xúc với công ty Nam Việt. Trong quá trình triển khai dự án, công ty này đã ủi đường vướng vào đất hoa màu của người dân, dù đã hứa bồi thường nhưng nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết. Bên cạnh đó, công ty này còn chặt phá, san ủi các cụm “rừng Giàng”, đất thiêng của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa nhưng lại không hề làm công tác vận động, không tuân thủ luật tục của người dân nơi đây.

TUẤN LINH