Bản kháng nghị và căn nhà cấp sai chủ quyền

02:08, 09/08/2011

Sổ chủ quyền được cấp trái pháp luật đã dẫn đến hệ quả pháp lý kéo dài việc đòi nhà qua hơn 18 năm vẫn chưa có kết quả.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã ra Quyết định kháng nghị hủy bản án dân sự phúc thẩm ngày 17/3/2008 của tòa tỉnh Lâm Đồng và bản án dân sự sơ thẩm ngày 30/8/2006 của tòa huyện Di Linh xét xử vụ “đòi lại nhà đất” số 493, đường Hùng Vương, thị trấn Di Linh. Ngôi nhà này có nguồn gốc của liệt sĩ chống Pháp đã bị xét cấp sai chủ quyền cho người khác.

Hồ sơ vụ án thể hiện: Nguyên đơn bà Phan Thị Tuyết (sinh năm 1935) là con gái duy nhất của liệt sĩ Phan Hiền Lương (hy sinh năm 1946) và vợ là Nguyễn Thị Ký (chết năm 1947), được thừa kế căn nhà và đất rộng khoảng 200 mét vuông, tọa lạc tại 133, đường Thống Nhất, thị trấn Di Linh (nay là 493, Hùng Vương, thị trấn Di Linh). Từ đó căn nhà này đã bị ông Phan Văn Hoàng (cảnh sát chế độ Pháp thuộc) chiếm giữ. Đến năm 1998, ông Hoàng chết có thể hiện trên tờ di chúc để lại căn nhà cho người cháu tên là Phan Định được sử dụng. Ngày 30/12/2005, UBND huyện Di Linh đã cấp sổ chủ quyền sử dụng căn nhà và diện tích đất này cho ông Phan Định.

Ngày 10/3/1993, nguyên đơn Phan Thị Tuyết khởi kiện ra tòa huyện Di Linh đòi lại căn nhà và đất nói trên. Đơn chuyển đi chuyển lại qua nhiều cơ quan trong tỉnh Lâm Đồng, đến ngày 10/7/2003 mới chính thức được tòa huyện Di Linh thụ lý. Ngày 30/8/2006, phiên tòa sơ thẩm của tòa huyện Di Linh mới được mở, công nhận căn nhà và đất thuộc quyền sở hữu và sử dụng của ông Phan Định; buộc ông Phan Định thanh toán lại cho bà Tuyết giá trị 2/3 căn nhà và đất với số tiền 645 triệu đồng. Phán quyết này, tòa sơ thẩm huyện Di Linh dựa vào các bút lục số 176, 178 (ngày 12/02/1954); số 179, 180 (ngày 16/02/1954) của Ty Cảnh sát đặc biệt Đà Lạt ghi rằng bà Tuyết đã bán căn nhà cho ông Hoàng với giá 6.000 đồng; ông Hoàng đưa trước cho bà Tuyết 2.000 đồng (1/3 căn nhà); còn nợ lại 4.000 đồng (2/3 căn nhà) (?!) Đến ngày 17/3/2008, tòa tỉnh Lâm Đồng mở phiên xử phúc thẩm, buộc ông Phan Định trả lại toàn bộ căn nhà và đất cho bà Phan Thị Tuyết. Bà Tuyết phải thanh toán cho ông Định hơn 322 triệu đồng (tương đương 1/3 giá trị nhà và đất hiện thời). Phán quyết này, tòa phúc thẩm tỉnh Lâm Đồng lại trích thêm văn bản số 280, ngày 13/02/1954 của Ty Cảnh sát đặc biệt Đà Lạt ( thời Pháp thuộc) ghi: “ …Do muốn chiếm đoạt luôn căn nhà, nên ông Hoàng dựng chuyện báo cảnh sát bắt bà Tuyết nhằm không phải thanh toán số tiền còn thiếu…”

Không như bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã viện dẫn, bản kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng ông Phan Văn Hoàng đã sử dụng căn nhà và đất trước khi hai bên có giao dịch mua bán. Với bút lục tại Ty Cảnh sát đặc biệt Đà Lạt của chế độ cũ, giá mua bán nhà đất 6.000 đồng. Năm 1954, ông Hoàng đã trả cho bà Tuyết 2.000 đồng; số tiền còn lại, ông Hoàng có trả đủ tiền cho bà Tuyết để mua nhà hay chưa vẫn chưa được làm rõ. Đồng thời bản kháng nghị cũng nhận xét “… tòa sơ thẩm và phúc thẩm không áp dụng Nghị quyết số 58, ngày 24/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự nhà ở để giải quyết vụ án là thiếu sót.”.

Quyết định cuối cùng của bản kháng nghị là đề nghị Tòa dân sự Tòa án nhân dân Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nói trên, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án huyện Di Linh xét xử lại thủ tục sơ thẩm. Như vậy việc khởi kiện đòi lại nhà của nguyên đơn Phan Thị Tuyết qua hơn 18  năm lại phải thụ lý từ đầu. Đáng nói là, vụ án sẽ kết thúc sớm nếu như 2 cấp xét xử ở Lâm Đồng áp dụng Nghị quyết số 58, ngày 24/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự nhà ở xác lập trước ngày 01/7/1991 để làm căn cứ.

Theo Nghị quyết 58 quy định tại Điều 5, Khoản b “… Nếu hình thức của hợp đồng không phù hợp với quy định của pháp luật; các bên chưa thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng thì hợp đồng bị hủy bỏ”. Và quy định tại Điều 10, Khoản 4 “… Trong trường hợp nhà vắng chủ vì chủ sở hữu đi hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến, thì nhà ở đó được trả lại cho chủ sở hữu…”.

Ở đây hình thức hợp đồng mua bán nhà đã không phù hợp pháp luật hiện hành, vì chỉ thể hiện ở bản cung của Ty Cảnh sát đặc biệt chế độ cũ. Tiếp theo với chủ sở hữu căn nhà là liệt sĩ Phan Hiền Lương thì phải trả lại cho người thừa kế duy nhất là bà Phan Thị Tuyết là đúng pháp luật.

Tiếc thay, trong khi bà Phan Thị Tuyết đang khiếu nại, thì ngày 30/12/2005, UBND huyện Di Linh lại ra quyết định cấp sổ chủ quyền nhà và đất cho ông Phan Định. Đây là sổ chủ quyền được cấp trái pháp luật đã dẫn đến hệ quả pháp lý kéo dài việc đòi nhà của bà Phan Thị Tuyết qua hơn 18 năm vẫn chưa có kết quả.
VŨ VĂN