Bệnh tay chân miệng có nguy cơ bùng phát tại Bảo Lộc

02:08, 28/08/2011

Trong thời gian tới, dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát. Trung tâm Y tế Bảo Lộc đã triển khai nhiều biện pháp để phòng chống dịch.

Từ 5 ca xuất hiện trong tháng 5, đến nay, toàn thành phố Bảo Lộc đã có 46 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM); trong đó, có 1 ca đã tử vong tại thành phố Hồ Chí Minh. Dự đoán, trong thời gian tới, dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát. Trung tâm Y tế Bảo Lộc đã triển khai nhiều biện pháp để phòng chống dịch.
 
Rửa tay sạch bằng xà bông
Rửa tay sạch bằng xà bông

Theo Trung tâm Y tế Bảo Lộc, 5 ca mắc bệnh đầu tiên trên địa bàn được phát hiện đều được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh). Sau đó, trong tháng 6 và tháng 7 chỉ phát sinh thêm 10 ca. Riêng từ đầu tháng 8 đến nay đã có thêm 30 ca; trong đó, có 1 ca tử vong, là bệnh nhi ở thôn Ánh Mai 1 (xã Lộc Châu). Theo thống kê, các ca mắc bệnh TCM chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi (chỉ có 1 ca trên 5 tuổi) và tập trung ở phường II, xã Lộc Châu và xã Đam Bri. Hiện tại, 2 đơn vị chưa xảy ra bệnh TCM là xã Lộc Nga và phường Lộc Tiến.
Hiện nay, vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh TCM. Tuy nhiên, biện pháp có thể phòng được bệnh hiệu quả là bằng cách phải rửa tay sạch sẽ bằng xà bông: Rửa tay cho trẻ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Người lớn phải rửa tay sau khi thay tã lót, thu dọn phân, nước tiểu của trẻ và trước khi chăm sóc trẻ. Đồ chơi, chén, muỗng, ly uống nước của trẻ… phải được rửa sạch. Sàn nhà, nhà vệ sinh khi dính phân, nước tiểu của trẻ phải lau chùi, khử trùng bằng xà bông hoặc Chloramin B. Khi trẻ bị bệnh TCM cần cho nghỉ học và cách ly ở nhà.
Trước tình hình số ca mắc bệnh ngày càng tăng, Trung tâm Y tế Bảo Lộc đã tăng cường công tác giám sát, xử lý dịch. Đội Y tế dự phòng đã phối hợp với các trạm y tế giám sát tại các trường mầm non, nhà trẻ về việc khử trùng bằng Chloramin B. Ngoài ra, Đội cũng tiến hành giám sát bệnh, cấp phát Chloramin B tới từng gia đình có bệnh nhân và các gia đình xung quanh. Đến nay, Trung tâm Y tế đã cấp phát Chloramin B và tiếp tục giám sát 65 gia đình. Theo ông Phan Sỹ Long - Giám đốc Trung tâm Y tế Bảo Lộc, hiện tại Trung tâm đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phòng chống dịch TCM. Trung tâm đã tập huấn lại cho 12 trưởng trạm y tế, 75 cộng tác viên và 320 giáo viên khối mầm non về phòng, chống bệnh TCM, cách xử lý khử khuẩn bằng Chloramin B; cấp phát và hướng dẫn trực tiếp cách sử dụng Chloramin B cho các trường học. Đến nay, Trung tâm đã cấp phát 35 kg hóa chất, 12 ngàn tờ rơi truyền thông về bệnh TCM và hướng dẫn sử dụng Chloramin B.

Con số thống kê của Trung tâm Y tế Bảo Lộc chưa phản ánh hết tình hình dịch bệnh TCM trên địa bàn thành phố. Bởi lẽ, theo tìm hiểu tại các cơ sở khám bệnh tư nhân, được biết mỗi ngày đều có những ca mắc bệnh TCM đến khám và điều trị. Ông Phan Sỹ Long khẳng định: Nếu ngành y tế làm tốt công tác kiểm tra, giám sát cùng với sự hợp tác tốt của người dân thì có thể kiểm soát được bệnh TCM trên địa bàn.

BCĐ phòng chống dịch của thành phố Bảo Lộc đang tiếp tục chỉ đạo các xã, phường, các ban ngành đoàn thể chủ động phối hợp với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh TCM. Đội Y tế dự phòng tiếp tục giám sát các ca bệnh, hạn chế số người mắc và tử vong do bệnh TCM. Đặc biệt, công tác khám và điều trị cho bệnh nhân TCM phải thực hiện đúng phác đồ theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại từng trạm y tế, từng phòng khám đa khoa khu vực. Để thực hiện hiệu quả các biện pháp này, Trung tâm Y tế Bảo Lộc cần có sự hỗ trợ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lâm Đồng để phòng, chống và khống chế bệnh TCM.
 
UBND tỉnh chỉ đạo phòng chống bệnh tay chân miệng

Ngày 26/8, ông Trương Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp phòng chống bệnh tay chân miệng với sự tham dự của các ngành Y tế, Giáo dục, Thông tin truyền thông, Tài chính… Ngành Y tế nhận định tình hình bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Hiện tại số ca bệnh tay chân miệng tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước, với 464 ca mắc tính từ đầu năm nay đến ngày 23/8 tập trung ở các địa phương: Đà Lạt, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Bảo Lộc, Đam Rông. Theo thống kê, 86% số ca mắc bệnh tay chân miệng tập trung ở trẻ em dưới 3 tuổi, đã có 1 trường hợp trẻ em16 tháng tuổi ở Bảo Lộc nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM tử vong được xác định do bệnh tay chân miệng.

Để tích cực phòng chống dịch bệnh này, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh như: vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. In nhiều tờ rơi cấp cho các trường, nhất là bậc học mầm non. Sở Y tế giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình bệnh tay chân miệng. Chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện chuẩn bị thuốc men, phương tiện cần thiết tập trung điều trị bệnh nhân không để xảy ra tử vong. Trung tâm Y tế dự phòng chuẩn bị đầy đủ hóa chất, tập huấn chuyên môn, chủ động giám sát ca bệnh và điều tra xử lý ổ dịch. Tăng cường phối hợp hiệu quả 2 ngành Y tế và Giáo dục, tập trung quan tâm đặc biệt đến hệ mầm non với 159 trường, 54.000 cháu và 1.447 giáo viên mầm non cần tập huấn phòng bệnh tay chân miệng. Các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống dịch tay chân miệng, củng cố các Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân, chỉ đạo các xã có trách nhiệm vận động nhân dân chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng.

AN NHIÊN
HỮU SANG