Khu biệt thự mang tên Trần Lệ Xuân ở Đà Lạt được mua lại của ông Trần Bá Đáng tại lô đất số 55 vào ngày 22/12/1958. Sau đó Trần Lệ Xuân đã cho xây dựng trên khu đất này 3 ngôi biệt thự được đặt tên rất hoa mỹ và kiêu kì bậc nhất một thời.
Một lần tình cờ tôi đi thăm nhà sưu tầm đồ cổ tại số nhà 86 Hoàng Diệu, phường 5, TP Đà Lạt, ông Trần Đăng Thanh, người đã gắn bó trọn đời với việc sưu tầm đồ cổ và các hiện vật dân tộc học ở Nam Tây Nguyên. Ông Thanh cho biết, còn giữ được một chiếc bình gốm của Nhật Bản sưu tầm được tại biệt thự của Trần Lệ Xuân. Đây là chiếc bình gốm quý trong bộ sưu tập đồ gốm của ông mà ông phải vất vả lắm mới có được. Tuy nhiên, ông Thanh cũng sẽ sẵn sàng nhượng lại nếu Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV có ý định sưu tầm. Cũng theo ông Thanh khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, khu biệt thự này bị dân vào lấy đi rất nhiều đồ đạc quý.
Khu hầm trú ẩn trong biệt điện. Nguồn Internet |
Biệt diện Trần Lệ Xuân lúc mới xây dựng. Ảnh Tư liệu. Nguồn Internet |
1. Từ căn hầm trú ẩn, thoát hiểm kỳ lạ
Tại khu biệt điện Hồng Ngọc, Trần Lệ Xuân đã cho xây dựng một căn hầm trú ẩn sâu khoảng hơn 2m, rộng 2m, dài 3m, nắp hầm được làm bằng loại sắt dày có thể chống được đạn. Có lẽ do lo sợ sẽ có một vụ đảo chính hay ám sát trong nội bộ mà khi xây dựng biệt thự này, Trần Lệ Xuân đã cẩn thận cho xây dựng căn hầm để đề phòng bất trắc. Bên trong hầm trú ẩn hiện còn một chiếc tủ sắt và một cánh cửa của két sắt có khóa mã cùng một đống cửa sắt các loại vứt ngổn ngang. Ngoài hầm trú ẩn, tại biệt thự này còn có hầm thoát hiểm. Theo nhiều người dân sống ở khu vực này cho biết, bà Nhu đã cho xây dựng căn hầm thoát hiểm thông ra tận sân bay quân sự Cam Ly, cách biệt thự này khoảng 2km. Căn hầm được xây kiên cố, cũng có nắp hầm chống đạn và có cửa thoát hiểm, nhưng khi chúng tôi xuống tham quan thì chỉ đi được một đoạn khoảng hơn 10m, không thể tìm được lối đi nữa. Theo nhiều người cho biết, có lẽ căn hầm có mật thất nên không thể đi tiếp được, mà chỉ có chủ nhân của nó mới biết cửa thông ra ở khu vực nào?
2. Đến hệ thống lò sưởi độc đáo
Có lẽ do tiết trời Đà Lạt lạnh lắm nên tại khu biệt thự này, bất cứ căn phòng nào Trần Lệ Xuân cũng cho xây dựng hệ thống lò sưởi hiện đại mang dáng dấp của kiến trúc Pháp. Với hơn 10 chiếc lò sưởi khác nhau không trùng lắp, lại được bố trí khéo léo từng phòng, thật sự đã tạo nên một vẻ đẹp hài hòa trong kiến trúc của ngôi biệt thự. Đặc biệt trong hệ thống lò sưởi này, có một chiếc rất độc đáo, được làm bằng đồng đỏ từ chân lò sưởi lên đến đỉnh lò sưởi, đặt tại phòng khiêu vũ của biệt thự. Nhiều du khách đến đây tham quan đã không khỏi trầm trồ thán phục về tính hài hòa trong việc bố trí không gian trong từng căn phòng, mà đặc biệt là hệ thống làm ấm căn phòng. Nó không tạo ra cảm giác bị vướng víu, cũng như là mất cân đối giữa lò sưởi và căn phòng. Từ đó tạo nên một không gian thoáng đãng mà ấm áp.
3. Cùng những vật dụng đắt tiền nhập khẩu từ nước ngoài
Cũng tại biệt thự này, còn lưu giữ được một số những hiện vật đắt tiền như hệ thống labo, bồn tắm, tủ lạnh được nhập khẩu từ các nước Mỹ, Ý… Đặc biệt chiếc tủ lạnh hiện đang được trưng bày tại đây là một vật chứng đáng giá còn lại. Tủ lạnh cao khoảng 2m, rộng gần 1m, tình trạng vẫn nguyên vẹn, được đặt bên cạnh chiếc hầm trú ẩn.
Ngày nay, khu biệt thự này đã được đưa vào danh mục những điểm tham quan du lịch tại Đà Lạt, vì vậy có rất nhiều du khách muốn biết thời bấy giờ Trần Lệ Xuân đã sử dụng những vật dụng gì mà khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ đã có rất nhiều người hiếu kỳ đổ xô đến Đà Lạt để xem.
Trong khu biệt thự này, Trần Lệ Xuân đã sử dụng biệt thự Lam Ngọc làm biệt thự chính. Nơi đây có phòng khách, phòng ngủ, phòng đọc sách và phòng nhảy.
Theo ý kiến của nhiều khách du lịch đến thăm quan tại khu du lịch, Trung tâm Lưu trữ nên nghiên cứu, để có chính sách sưu tầm những hiện vật liên quan đến gia đình Ngô Đình Nhu - Trần Lệ Xuân, để tạo nên một khu tham quan di tích lịch sử văn hóa thêm phần phong phú và ý nghĩa hơn khi mà chủ nhân cũ của khu biệt thự này đã qua đời.
Theo ông Lê Khắc Niên nguyên là chuyên viên lưu trữ từng làm việc ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV từ năm 2006 - 2009, cho biết, hiện nay trong khu biệt thự của Trần Lệ Xuân chỉ còn một vài hiện vật không đáng kể, còn hầu như toàn bộ những vật dụng được sử dụng tại ngôi biệt thự xa hoa này đã thất lạc cả. Hiện nay tại biệt thự này ngoài chiếc tủ lạnh của Mỹ, labo phòng tắm, bồn tắm thì không còn đồ gì cả. Cũng theo ông Niên cho biết có rất nhiều du khách muốn đi đường thoát hiểm ra sân bay, song hiện vẫn chưa tìm được đường ra nên chưa phục vụ khai thác.