Bài phỏng vấn của PV Báo Lâm Đồng với bàChoi Young-Sook - chuyên gia về giáo dục trẻ khuyết tật tại Đại học Inje – Hàn Quốc, hiện đang sống và làm việc tại Đà Lạt.
Bà có thể giới thiệu đôi nét về mình?
Là một chuyên gia về giáo dục trẻ khuyết tật, bà có thể cho biết cảm nhận của bà về công tác này tại Việt Nam hiện nay ?
Bà Choi Young-Sook: Tôi qua Việt Nam lần đầu năm 2008 với tư cách là khách mời, lúc đó là đi thăm Trường Khiếm thính Lâm Đồng, sau đó có thăm nhiều trường khiếm thính khác ở TP HCM, Vũng Tàu, tham dự các cuộc hội thảo về trẻ khuyết tật. Có thể nhận thấy giáo dục trẻ khuyết tật tại Việt Nam thời gian qua đã có những bước phát triển nhất định, thành lập thêm nhiều trường mới dành cho trẻ khuyết tật giống như Hàn Quốc đã làm cách đây khoảng 10 năm. Tuy nhiên, có thể thấy có không ít giáo viên trực tiếp dạy cho trẻ khiếm thính, cho trẻ khuyết tật nói chung nhưng vẫn chưa trang bị được nhiều kiến thức và chuyên môn về giáo dục trẻ khuyết tật. Cùng đó là việc trợ cấp cho trẻ khuyết tật vẫn còn rất ít ỏi, các trường khiếm thính, khiếm thị, trường giáo dục trẻ thiểu năng vẫn hoạt động rất chật vật vì thiếu kinh phí.
Để tăng cường chuyên môn cho đội ngũ giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các trường trẻ khuyết tật, trong năm 2009 chúng tôi đã phối hợp với Lâm Đồng tổ chức hội thảo giáo dục trẻ khiếm thính tại tỉnh, mời gần 130 đại biểu của các cơ sở, các trường có giáo dục trẻ khuyết tật trong cả nước tham dự. Mục tiêu của hội thảo là đưa các chuyên gia, các giáo sư tình nguyện trong lĩnh vực giáo dục trẻ khuyết tật Hàn Quốc sang trao đổi, truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm với các bạn Việt Nam. Năm 2010 do thủ tục chậm không tổ chức được. Năm nay chúng tôi đã tiếp tục tổ chức một hội thảo tương tự trong tháng 7 tại Đà Lạt.
Bên cạnh việc tổ chức hội thảo, chúng tôi còn có kế hoạch hằng năm đưa giáo viên tình nguyện Hàn Quốc sang dạy tại các trường khuyết tật ở Việt Nam. Chúng tôi có kế hoạch hợp tác với tỉnh Lâm Đồng trong vòng 10 năm, mỗi năm đều tổ chức hội thảo như vậy trong tháng 7 hằng năm.
Theo bà việc tái hòa nhập cộng đồng của trẻ khuyết tật tại Việt Nam hiện nay ra sao?
Bà Choi Young-Sook: Vẫn còn rất nhiều hạn chế. Chẳng hạn, tại Lâm Đồng hiện nay có 2 trường dành cho trẻ khuyết tật là Trường Khiếm thính và Trường Hoa Phong Lan, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có không ít trẻ khiếm thị. Có nên mở một trường riêng cho trẻ khiếm thị? Trước mắt là được, nhưng theo tôi về lâu dài là không nên. Có thể tiếp cận bằng cách tạo điều kiện cho các em khiếm thị có thể học tập tại các trường học bình thường, các em sẽ có cơ hội học tập như một trẻ bình thường, hòa nhập với các bạn đồng tuổi trong xã hội. Tại Hàn Quốc hiện chỉ có 30% trẻ khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật về vận động…) vào các trường riêng biệt, còn 70% học ở các trường bình thường để các em có thể hòa nhập cùng xã hội. Vấn đề là các trường bình thường có chuẩn bị cho việc nhận những học sinh như thế vào lớp hay không. Cũng có trường hợp trường bình thường từ chối nhận các học sinh khuyết tật, nhưng Hàn Quốc có luật qui định, nên nhà trường buộc phải tiếp nhận. Về phía giáo viên đứng lớp, họ cũng phải có sự chuẩn bị để dạy cho các em học sinh như thế. Ngay trong trường sư phạm, giáo viên phải trang bị những khóa huấn luyện cho trẻ khuyết tật trước khi ra trường. Tôi nghĩ, Việt Nam cũng sẽ phải đi theo con đường này, qui định bằng luật và từng bước cụ thể hóa trong thực tiễn để tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật hòa nhập cùng cộng đồng.
Bà đánh giá thế nào về công tác giáo dục trẻ khuyết tật hiện nay tại Lâm Đồng?
Bà Choi Young-Sook: Lâm Đồng có 2 trường rất tốt là Trường Khiếm thính và Trường Hoa Phong Lan. Chúng tôi đang có sự hợp tác rất tốt với trường Khiếm thính. Các cấp chính quyền cũng tạo điều kiện giúp đỡ chúng tôi hoạt động, ngành Giáo dục tỉnh cũng rất quan tâm. Tôi hiện đang làm việc cùng giáo viên trường Khiếm thính Lâm Đồng. Cái khó là bất đồng ngôn ngữ, nên tôi đang học tiếng Việt để có thể giao tiếp tốt hơn với các thầy cô giáo Việt trong thời gian đến.
Xin cảm ơn bà!