Cảnh báo về bạo lực gia đình: Chồng đánh vợ phải đi cấp cứu

02:08, 25/08/2011

20h10 phút ngày 18/8/2011, nhận được nguồn tin qua đường dây nóng của bà con nhân dân hẻm 280 Phan Đình Phùng - Đà Lạt phản ánh về việc chị Phạm Thị Thanh Minh bị chồng đánh phải đưa đi bệnh viện cấp cứu, chúng tôi đã có mặt và tìm hiểu sự việc.

20h10 phút ngày 18/8/2011, nhận được nguồn tin qua đường dây nóng của bà con nhân dân hẻm 280 Phan Đình Phùng - Đà Lạt phản ánh về việc chị Phạm Thị Thanh Minh bị chồng đánh phải đưa đi bệnh viện cấp cứu, chúng tôi đã có mặt và tìm hiểu sự việc.

Chị Phạm Thị Thanh Minh (SN 1975) kết hôn cùng anh Nguyễn Xuân Hùng (SN 1976) đã được 10 năm. Anh Hùng làm nghề phụ hồ, chị Minh buôn bán nhỏ tại Đà Lạt. Hai anh chị cùng quê Nam Định vào Lâm Đồng lập nghiệp. Đến nay, hai anh chị đã có một cháu gái xinh xắn 5 tuổi đang học mầm non. Số tiền làm lụng hàng ngày, chị Minh đã gom cóp, dành dụm nuôi con khôn lớn và cách đây 6 tháng cũng đã mua được một căn nhà rộng hơn 30m2 ở 280/3 Phan Đình Phùng, thành phố Đà Lạt. Ấy thế nhưng, nghịch cảnh trong gia đình chị đã xảy ra rất nhiều lần. Chị thường xuyên bị chồng đánh đập, chửi bới, xúc phạm và cho đến lần gần đây nhất là vào ngày 18/8/2011, chị đã bị chồng đánh trọng thương và lực lượng công an phường, tổ dân phố, bà con lối xóm phải đưa chị Minh đi cấp cứu. Tại phòng cấp cứu, bác sỹ chẩn đoán chị Minh bị gãy xương sườn, chưa kể mình mẩy, chân tay bị tím bầm nhiều vết.
 
 Chị Minh đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng
Chị Minh đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng

Chúng tôi đã tìm gặp chị Minh tại Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và cảm nhận được tinh thần của chị vẫn còn rất lo sợ, hoang mang và vẫn sợ bị chồng trả thù?!. Chị cho biết: Chỉ vì chưa đủ tiền đưa cho cháu của chồng mượn và vì chị không đồng ý cho con gái về Bắc ở với nội theo yêu cầu của chồng nên chị đã bị anh Hùng chửi bới, đánh đập. “Hiện bác sỹ nói em phải nằm ở đây ít nhất 2 tháng mới điều trị khỏi được” - chị Minh nói.

Được biết, tình trạng này của gia đình chị Minh đã diễn ra rất nhiều lần. Tổ dân phố, công an đã xuống can thiệp nhưng đều bị anh Hùng chửi bới, đuổi ra khỏi nhà. Mỗi lần đánh vợ, anh Hùng đều khóa trái cửa lại, mở nhạc rất lớn. Lần mới đây nhất cũng vậy. Nhiều người trong lối xóm cho biết, chị Minh bị đánh từ lúc 13 giờ chiều đến 17h25’ cùng ngày. Khi công an, tổ dân phố, bà con lối xóm tới để đưa chị Minh đi cấp cứu, anh Hùng cũng không cho và có lời lẽ xúc phạm. Mọi người bỏ ra về thì mới nhận được điện thoại của chị Minh kêu cứu: “… Các anh cứu tôi với, không tôi chết mất…!”. Khi đó, cả đoàn mới quay lại và khi áp tải được anh Hùng mở khóa cửa, lực lượng công an cho 2 người phụ nữ lên dìu chị Minh đi cấp cứu.

Luật Phòng chống Bạo lực gia đình của Nhà nước đã quy định rất rõ: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Các hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc cố ý xâm hại đến sức khỏe, tính mạng người khác đều vi phạm pháp luật và bị xử lý vi phạm hành chính, kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy việc chị Minh đã nhiều lần bị đánh đập, hành hạ cần phải được pháp luật can thiệp và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật. Chính quyền địa phương, công an khu vực, đoàn thể phụ nữ, tổ dân phố cần có biện pháp can thiệp kịp thời để bảo vệ nạn nhân và ngăn ngừa hành vi bạo lực gia đình. Cần có phương pháp tuyên truyền, vận động, hòa giải giữa hai bên để ngăn chặn tình trạng này có thể tiếp diễn, gây tổn hại đến sức khỏe, tinh thần của người phụ nữ. Tuy nhiên, điều khuyến cáo dành cho chính những người bị hại, nạn nhân của bạo lực gia đình đó là không được che giấu, cần phải lên tiếng mạnh mẽ để pháp luật, đoàn thể xã hội can thiệp, có trách nhiệm bảo vệ nạn nhân.

PV Bạn đọc