Những tấm bằng cử nhân từ gánh hàng rong

02:08, 21/08/2011

Căn nhà nhỏ nép bên một khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Đà Lạt với người mẹ lặn lội với gánh hàng rong từ nhiều năm nay, từ đó, 5 người con đã bước chân vào những cánh cửa đại học danh giá…

Căn nhà nhỏ nép bên một khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Đà Lạt với người mẹ lặn lội với gánh hàng rong từ nhiều năm nay, từ đó, 5 người con đã bước chân vào những cánh cửa đại học danh giá…
               
Người mẹ ấy luôn canh cánh bên mình hai nỗi lo: nuôi con đi học và trả nợ những món tiền đã vay để tiếp tục được vay mà nuôi con đi học. Từ rất nhiều năm nay, khi các con bước vào tuổi ăn tuổi lớn, nhịp sống của bà Nguyễn Thị Tâm Xuân (số 50B Hàn Thuyên, phường 5, Đà Lạt) là những công việc không ngừng tiếp nối để kiếm kế sinh nhai. Gánh hàng rong của bà quay từ mớ cá mua được ở hồ Tuyền Lâm đi bán dạo rồi đến gánh trái cây, gánh rau xập xệ ở cầu thang chợ. Mặt hàng trái cây không giữ được lâu, không ít lần, bà đã nán ngồi bán từ 6 giờ sáng hôm nay đến hai giờ sáng hôm sau, đợi vơi hàng mới an lòng quảy gánh về nhà với chồng con. Giờ đây, vẫn sáng gánh hàng đi bán đến tối mới về, gia tài lớn nhất mà bà có là 2 người con đầu đã trở thành bác sĩ, con trai thứ 3 đã là kỹ sư công nghệ thông tin, con gái đang là sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM và người con út mới đậu Đại học Ngân hàng.
 
Gia đình bà Tâm Xuân trong ngày bác sĩ Bích Trâm tốt nghiệp (bà  Xuân thứ 4 từ phải sang).
Gia đình bà Tâm Xuân trong ngày bác sĩ Bích Trâm tốt nghiệp (bà Xuân thứ 4 từ phải sang).

   
Trong hành trình gian khổ nuôi con, hầu như tất cả mọi công việc nhà đều một mình bà Xuân chạy vạy, sống ở thành phố nhưng đời bà cho đến giờ này vẫn chưa được tận hưởng một phút thảnh thơi.  Hai vợ chồng từ Bình Định vào Lâm Đồng sinh sống từ năm 1985, chồng bà thường xuyên đau yếu, nhà có 6 người con. Con lớn sau khi tốt nghiệp phổ thông đã đi làm nghề để đỡ gánh nặng cho cha mẹ. Năm người con sau, bà quyết nuôi con ăn học nên người, mà đã học thì theo lời bà là phải quyết học “Đại học hệ chính quy”. Trong điều kiện nhà bà, mọi người xung quanh ví bà như người  “hái sao trên trời” nhưng sự thông tuệ của các con và sự cố gắng đến kiệt sức của người mẹ đã làm cho mọi thứ đều có thể trở thành hiện thực. Con trai Lê Đức Tín dù không có thời gian đi học thêm, lại phụ giúp mẹ đi thả bò và trong khi lao động vẫn không rời quyển sách, đã đậu vào Đại học Y Dược TPHCM vào năm 2000, là niềm khích lệ đầu tiên đối với hy vọng của bà. Thời gian học tập kéo dài cộng với chi phí học tập khá đắt đỏ khi Tín theo học nhưng hễ lúc nào con cần kinh phí, bà lại xoay đủ hướng, vay qua đắp lại để có tiền gửi cho con. Đến khi con thứ hai Lê Thị Bích Trâm đậu tiếp vào trường này khi Tín vẫn còn theo học thì bà thú thực là trong suy nghĩ của bà chỉ đau đáu với các hướng sinh nhai để kiếm đủ tiền cho con, kể cả vay nóng bà cũng vay. Cảnh gia đình bà bị chủ nợ đến đòi tiền gốc, tiền lãi đã trở thành thường tình. Kế tiếp, con trai Lê Đức Tính đậu Đại học Công nghệ thông tin, con gái Lê Thị Bích Thoa đậu vào Đại học Y Dược cùng 2 anh chị lớn. Các con thi đậu chỉ cách nhau vài năm, khi những mắt xích học tập trong gia đình càng kết nối, càng thành công thì sức ép về chi phí như bùng nổ. Thế nhưng, chưa bao giờ trong suy nghĩ của bà là sẽ đầu hàng, người phụ nữ ấy gầy gò, khô quắt theo những nỗi lo, lăn lóc cùng gánh hàng.
   
Thời gian trôi, đến nay, Lê Đức Tín đã là bác sĩ tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, Lê Thị Bích Trâm công tác ở Bệnh viện An Sinh, Lê Đức Tính đang công tác tại một công ty về công nghệ thông tin. Giờ cả nhà cùng dồn sức lo cho 2 con út đang theo học và cùng nhau trả nợ. Đi đến đoạn đường này, giấc mơ của bà như đã hoàn thành hơn một nửa. Bà nhẩm tính hiện gia đình còn nợ khoảng 100 triệu đồng. Ngoài một số khoản vay nóng, kể từ năm 2007, gia đình được vay vốn dành cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội, đã hỗ trợ một phần chi phí học tập cho các con. Nỗi lo lớn nhất của người mẹ quá đa truân này là chỉ lo mình bị ốm, bà còn phải gánh vác như một trụ cột trong gia đình khi chồng bà là ông Lê Văn Mưa vừa mới phát hiện bị bệnh phổi. Nếu so với khi xưa, cái thời mà bà nuôi con bằng cà rốt luộc và phở vụn xào lên thì cuộc sống bây giờ đã đỡ khổ sau cả một chặng đường quá dài “ thân cò lặn lội”. Nhìn bà, ý chí và nghị lực của một người phụ nữ là trụ cột của một gia đình hiếu học vẫn không thể đo hết cảm xúc khâm phục, người mẹ này đã là sức mạnh  cho các con có được những tấm bằng cử nhân  và ý chí sống để bước vào đời…

Hải Yến