Nỗi bất hạnh cần được cưu mang

02:08, 07/08/2011

Vợ chồng anh Trần Văn Chung và chị Trần Thị Oanh (cùng sinh năm 1968) từ vùng quê nghèo Lý Nhân - Hà Nam vào mảnh đất Lâm Đồng lập nghiệp năm 1992. Lúc này, hai con của anh chị còn rất nhỏ, cháu lớn 20 tháng, cháu thứ hai vừa tròn 3 tháng tuổi.

Chị Trần Thị Oanh
Chị Trần Thị Oanh
Vợ chồng anh Trần Văn Chung và chị Trần Thị Oanh (cùng sinh năm 1968) từ vùng quê nghèo Lý Nhân - Hà Nam vào mảnh đất Lâm Đồng lập nghiệp năm 1992. Lúc này, hai con của anh chị còn rất nhỏ, cháu lớn 20 tháng, cháu thứ hai vừa tròn 3 tháng tuổi.

Vốn liếng nhỏ nhoi gom góp từ Bắc vào, chỉ đủ mua được mảnh vườn 3 sào, anh chị dựng lên đó một túp lều để có thể tạm thời “an cư”, rồi bằng sức lao động của mình bươn chải hàng ngày kiếm sống, cần mẫn xây dựng hạnh phúc gia đình, ấp ủ niềm tin vào ngày mai. Tưởng như đã an bài cho gia đình nghèo được trọn hưởng một niềm hạnh phúc, nào ngờ, số phận nghiệt ngã bỗng dưng ập đến. Năm 1994, anh Chung đột ngột qua đời trong vụ tai nạn quá đỗi thương tâm. Anh vĩnh viễn ra đi không một lời trăng trối. Ba mẹ con chị sống bơ vơ giữa đất khách quê người với vết thương xé nát cõi lòng.

Bằng tất cả ý chí và nghị lực, chị vươn lên sống và làm việc để nuôi dạy các con khôn lớn. Chị làm nhiều việc để có tiền nuôi con, từ việc gặt lúa, hái điều, trông con mướn đến việc đội đất, đội cát thuê. Đáp lại công ơn của mẹ, 2 con của chị đã nỗ lực học tập trở thành con ngoan, trò giỏi. Niềm vui bắt đầu hé nở trong gia đình chị.
 
Nhưng, tháng 3/2008, tai vạ khác lại kéo đến, chồng chất nỗi khổ hạnh lên cuộc đời của 3 mẹ con chị: Căn bệnh “tâm thần phân liệt” (kết luận của Bệnh viện Tâm thần TW2) hành hạ chị, dồn nén gia đình chị vào tận đường cùng của cuộc sống. Vì không làm chủ được bản thân, chị đập phá đồ đạc, xua đuổi các con một cách vô thức. Lúc này, 2 con của chị đều chưa đến tuổi trưởng thành. Song ý chí, nghị lực, tình thương và niềm tin đã vượt tầm chúng bạn cùng trang lứa, hàng ngày, một buổi 2 em đến trường, một buổi phải đi làm thuê kiếm tiền ăn học và chữa bệnh cho mẹ.
Năm 2009, con gái lớn của chị là Trần Thị Yến thi đậu vào Khoa Lịch sử Trường Đại học Đà Lạt. Năm 2010, con trai Trần Văn Dũng tốt nghiệp cấp III, nhưng em đành “gác” giấc mơ vào giảng đường đại học để đi làm thuê kiếm tiền lo cuộc sống gia đình. Tuy vậy, em vẫn nuôi hy vọng sẽ có ngày được trở lại trường thực hiện ước mơ cháy bỏng của mình là mong muốn trở thành kỹ sư cơ khí.

Hiện nay, chị Oanh đang được Trạm Y tế thị trấn Mađaguôi quản lý và điều trị miễn phí, nhưng không có thuốc đặc trị. Do đó, chi phí tiền thuốc hàng tháng lên đến 7 - 8 trăm ngàn đồng. Không còn cách nào khác, muốn tiếp thêm sức cho các con, hàng ngày chị Oanh vẫn chịu đựng, cần mẫn làm thuê để có thêm đồng tiền, hạt gạo. Tuy ngày được, ngày không, chị cũng góp thêm được phần nào cho các con đỡ buồn, đỡ khổ.

Một bài viết nhỏ không thể kể hết cả một quãng đời đầy “sóng gió” của gia đình bất hạnh. Nếu không có sự cưu mang của xã hội, nguy cơ tái phát căn bệnh hiểm nghèo của chị, nguy cơ bỏ học của con gái khó bề tránh khỏi và ước mơ được trở lại trường của con trai cũng không thể đạt được. Rất mong các tổ chức chính trị - xã hội, bạn đọc gần xa, các hội từ thiện, nhà hảo tâm hãy vì tình thương, tình “đồng bào” chung tay ủng hộ, tạo điều kiện cho 3 mẹ con chị Oanh vượt qua nỗi bất hạnh này.

Quý vị quan tâm chia sẻ, xin vui lòng liên hệ: chị Trần Thị Oanh, số nhà 57, tổ 17, khu phố 8, thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.

HUỲNH THỊ CHÂU