Cách phòng chống bệnh tay chân miệng

03:09, 15/09/2011

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch. Bệnh do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh khởi phát với các biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, nôn, có thể tiêu chảy vài lần trong ngày.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch. Bệnh do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh khởi phát với các biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, nôn, có thể tiêu chảy vài lần trong ngày. Sau đó chỉ một vài ngày sẽ xuất hiện các tổn thương ở miệng và ở da. Ở miệng: Là các vết loét đỏ, hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, ở lợi, ở lưỡi, gây đau miệng, trẻ quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú. Ở da: Các tổn thương thường thấy là phát ban dưới dạng phỏng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông.

Bệnh tay chân miệng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp. Nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, dịch tiết, phỏng nước và phân của người bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ, đi học, đi chơi ở những nơi đông người là yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh.

Bệnh lây truyền từ người sang người bằng đường phân qua tay đến miệng và đường các dịch tiết từ mũi họng, nước bọt, phỏng nước cũng qua tay, đến miệng. Ngoài ra, bệnh còn lây qua tiếp xúc với các dụng cụ sinh hoạt, các đồ chơi của trẻ em, bàn ghế, nền nhà hoặc khi bệnh nhân hắt hơi, ho, nói chuyện cũng sẽ tạo điều kiện cho vi rút lây lan trực tiếp từ người bệnh sang người lành. Để phòng bệnh tay chân miệng cần:

- Vệ sinh cá nhân: Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, trước khi nấu ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với các dụng cụ sinh hoạt, lao động. Chú ý rửa tay cho trẻ với khẩu hiệu “Sạch tay mẹ, sạch tay con”. Ăn chín uống sôi. Che miệng mũi khi ho, hắt hơi, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách vừa phải khi nói chuyện hạn chế vi rút lây lan.

- Vệ sinh môi trường: Lau sạch bề mặt sàn nhà, khử trùng các dụng cụ nhiễm bẩn, nhiễm phân, chất tiết bằng dung dịch Chloramin B 2% hoặc các dung dịch sát khuẩn khác, xử lý phân đúng cách. Lau rửa nhà cầu hàng ngày bằng các dung dịch tẩy rửa. Thường xuyên thông gió nhà cửa.

- Khống chế nguồn lây bệnh: Phát hiện sớm bệnh tay chân miệng. Khi có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước ở da cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Cách ly bệnh nhân. Đối với các nhà trẻ, mẫu giáo, trường học: Nếu trẻ mắc bệnh tay chân miệng thì không đến lớp ít nhất là 10 ngày. Khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp học bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày, thì cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền của bệnh. Thường xuyên thông gió lớp học.

Với bệnh tay chân miệng, chúng ta chủ động phòng bệnh bằng vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, cách ly bệnh nhân để cắt đứt nguồn lây, đường lây là hết sức quan trọng trong khi chúng ta chưa có vacxin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị.
 
NGUYỄN TẤT ỨNG