Chuyện tranh chấp một con đường làng!

04:09, 25/09/2011

Chuyện tranh chấp con đường làng ở xóm 10 (thôn 9, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm).

Cách đây hơn 1 tháng, ngay sau khi nhận được thông tin từ điện thoại qua đường dây nóng của một số người dân ở xóm 10 (thôn 9, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm), BBT Báo Lâm Đồng đã kịp thời phân công phóng viên về Lộc Nam. Khi phóng xe máy gần đến nơi, phóng viên báo nghe tiếp một cuộc điện thoại: “Nhà báo thông cảm nhé! UBND xã Lộc Nam hẹn chiều nay sẽ giải quyết vụ việc. Nếu không xong, thì chúng tôi sẽ báo lại các anh sau!...”. Sự việc tưởng chừng như đã êm xuôi, hơn 1 tháng sau, bà con lại bức xúc gọi điện thoại qua đường dây nóng!
 
Con đường đã bị đào bới để ngăn cản đi lại
Con đường đã bị đào bới để ngăn cản đi lại

Ngày 20/9/2011, nhóm phóng viên chúng tôi tiếp tục có mặt tại xã Lộc Nam. Qua xác minh, tìm hiểu thực tế vụ việc tranh chấp con đường đi tại thửa đất 180, tờ bản đồ số 20 (thôn 9, xã Lộc Nam) hiện nay thuộc quyền sử dụng (QSD) của vợ chồng ông bà Hoàng Văn Long và Nguyễn Thị Lan, chúng tôi ghi nhận: Nguồn gốc thửa đất 180 được UBND huyện Bảo Lâm cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Lê Mạnh Chiến (theo GCN QSDĐ số AG 384452 ngày 31/10/2006). Ngày 24/12/2006, ông Lê Mạnh Chiến chuyển nhượng QSDĐ thửa 180 cho bà Nguyễn Thị Thả. Đến ngày 14/1/2011, bà Nguyễn Thị Thả lại chuyển nhượng toàn bộ diện tích thửa đất này cho vợ chồng ông bà Hoàng Văn Long và Nguyễn Thị Lan.

Nội dung GCN QSDĐ ghi rõ mục đích sử dụng thửa 180 là “Đất trồng cây lâu năm”, nhưng trong sơ đồ thửa đất lại không thể hiện con đường đi. Trong khi đó, vào ngày 25/3/2005 (trước khi ông được cấp GCN QSDĐ), vợ chồng ông Lê Mạnh Chiến đã thỏa thuận chuyển nhượng (bán) con đường đi rộng 2 m và suốt cả chiều dài phần đất thửa 180 cho 3 hộ có vườn cà phê và nhà ở phía bên trong thửa 180, là ông Ngô Văn Xin, ông Vòng Sính Lồng và bà Nguyễn Thị Lý, với giá thỏa thuận là 7.500.000 đồng. Trong đó, giá đất là 7.000.000 đồng và giá bồi thường cà phê (phải chặt bỏ) là 500.000 đồng. Việc chuyển nhượng con đường đi này có biên bản, do cán bộ Tư pháp xã Lộc Nam lập và có chữ ký xác nhận của cán bộ Địa chính, Chủ tịch UBND xã Lộc Nam. Trong thời gian trước và sau khi chuyển nhượng con đường này, việc đi lại của những hộ phía bên trong và mọi người diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, sau khi ông bà Hoàng Văn Long và Nguyễn Thị Lan chuyển nhượng QSDĐ thửa đất nói trên, do trong GCN không thể hiện có con đường đi, nên ông bà Long - Lan không cho các hộ ở phía bên trong đi lại và đã đào hố ngăn cản để “phong tỏa” con đường này. Từ đó, mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh và ngày càng gay gắt, có những lúc đã xung đột lẫn nhau và phát sinh đơn thư khiếu nại. Xuất phát từ tình hình này, ngày 16/8 và 15/9/2011, UBND xã Lộc Nam đã 2 lần mời các gia đình liên quan để hòa giải, nhưng vẫn không thành. Vợ chồng ông bà Long - Lan một mực từ chối, ngăn cản con đường không cho bất kỳ ai đi lại. Ông Nguyễn Văn Hoàn - Chủ tịch UBND xã Lộc Nam, cho chúng tôi biết: “Con đường mòn này đã có từ lâu. Những hộ dân làm ăn, sinh sống phía bên trong đã thỏa thuận mua bán đường đi, đền bù cây trồng với chủ sử dụng đất trước, thì để cho họ đi. Nếu GCN QSDĐ không thể hiện con đường, thì xã sẽ đề nghị điều chỉnh lại. Trong trường hợp xã hòa giải thêm lần nữa mà không thành, thì xã sẽ chuyển hồ sơ để Tòa án huyện giải quyết”.

Chúng tôi cũng đã tìm hiểu một số bà con ở xóm 10 (thôn 9), thì ai cũng cho rằng, con đường này đã có từ lâu, thì để cho mọi người cùng đi, hà cớ chi phải ngăn cản. Bà Trần Thị Sợi (nhà ở cạnh con đường này) cho biết: “Tôi về đây ở từ năm 1991 thì đã thấy có con đường này rồi. Trong xóm có mấy gia đình làm ăn sinh sống thì để cho họ đi, không thể rào cản được”. Ông K’ hem - là người dân sinh sống ở đây từ lâu và hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Nam, cho biết: “Ở vùng này có nhiều con đường dân sinh tương tự như thế và đã hình thành từ lâu, chưa có ai lại rào cản như thế được!”.

Qua sự việc tranh chấp nói trên, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn không phải do ông bà Long - Lan, cũng không phải do bà con ở xóm phía bên trong, mà chính là do việc đăng ký, kê khai, đo đạc, cấp GCN QSDĐ và trong quá trình chuyển nhượng thửa đất cho nhau, đều không nói rõ phần đất đã chuyển nhượng để làm đường đi. Nhưng dẫu sao, “sai đâu, sửa đó”, chúng tôi thiết nghĩ, GCN QSDĐ AG 384452 cần được điều chỉnh lại. Còn con đường làng nói trên phải được tồn tại để cho người dân đi lại làm ăn, sinh sống.

NHÓM PV XL