Để “Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo” phát huy hiệu quả

02:09, 08/09/2011

“Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động (CNLĐ) nghèo” của LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng được thành lập trên cơ sở sát nhập “Quỹ CNLĐ nghèo” và Quỹ trợ vốn cho nữ CNLĐ nghèo” của LĐLĐ tỉnh.

“Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động (CNLĐ) nghèo” của LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng được thành lập trên cơ sở sát nhập “Quỹ CNLĐ nghèo” và Quỹ trợ vốn cho nữ CNLĐ nghèo” của LĐLĐ tỉnh. Quỹ được hình thành từ năm 1993 khi LĐLĐ tỉnh triển khai thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh và thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tăng cường các hoạt động xã hội của tổ chức Công đoàn.
 
 Những CNLĐ thời vụ rất khó để tiếp cận vốn vay hỗ trợ
Những công nhân lao động thời vụ rất khó để tiếp cận vốn vay hỗ trợ

“Quỹ trợ vốn cho CNLĐ nghèo” hoạt động với mục đích giúp đỡ, hỗ trợ CNVC-LĐ nghèo, khó khăn giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi trong gia đình nhằm tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Qua 18 năm hình thành và phát triển, “Quỹ trợ vốn cho CNLĐ nghèo” của LĐLĐ tỉnh ban đầu với số vốn 58,64 triệu đồng (năm 1993), đến nay đã tăng lên trên 5,5 tỷ đồng. Sự lớn mạnh của Quỹ nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ, Ban điều hành Quỹ của LĐLĐ tỉnh và sự chung tay góp sức của cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ trong toàn tỉnh. Việc huy động phát triển cũng như quản lý, sử dụng Quỹ luôn được đổi mới để phù hợp với tình hình thực tiễn của phong trào CNVC-LĐ và hoạt động công đoàn như: phát hành vé số (năm 2001), vận động sự tiết kiệm đóng góp hàng tháng 1.000 đồng/đoàn viên… Và đến năm 2011, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh đã quyết nghị sẽ hoàn thành và kết thúc cuộc vận động đóng góp xây dựng “Quỹ trợ vốn cho CNLĐ nghèo” từ mức 12.000 đồng/người/năm lên mức 40.000 đồng/người/năm. Theo đó, chỉ tính riêng năm 2011, toàn tỉnh đã vận động được trên 1,6 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch. Theo số liệu tổng hợp đến đầu tháng 7/2011, toàn tỉnh đã có 1.066/1.406 Công đoàn cơ sở và có 41.513 đoàn viên trong tổng số 56.948 đoàn viên trong toàn tỉnh tham gia đóng góp.

Hàng năm, “Quỹ trợ vốn cho CNLĐ nghèo” đã giải quyết cho hàng ngàn lượt CNVC-LĐ nghèo vay vốn để tự tạo thêm thu nhập cho gia đình. Số người được hỗ trợ vốn vay tỷ lệ thuận với số tiền huy động được tăng lên theo từng năm. Theo số liệu báo cáo của LĐLĐ tỉnh, năm 2007, số tiền vận động thu từ các đơn vị là 309,78 triệu đồng, số CNVC-LĐ được hỗ trợ vốn là 324 lượt người; năm 2008 mức vận động thu đạt 366,06 triệu đồng, số CNVC-LĐ được hỗ trợ vốn là 393 lượt người; đến năm 2009 thu được 476,91 triệu đồng, số CNVC-LĐ được hỗ trợ vay là 496 lượt người; và năm 2010, số tiền huy động được 543,2 triệu đồng, số CNVC-LĐ được hỗ trợ vay vốn là 609 lượt người. Tổng số vốn huy động được năm 2010 tăng 175,35% so với năm 2007 và số CNVC-LĐ được hỗ trợ vốn vay tăng 187,96% so với năm 2007.

Kết quả hoạt động của “Quỹ trợ vốn cho CNLĐ nghèo” của LĐLĐ tỉnh trong thời gian qua đã khẳng định được những ưu điểm nhất định, đã hỗ trợ vốn cho CNVC-LĐ góp phần giải quyết những khó khăn trong cuộc sống… Tuy nhiên, với định suất cho vay từ 4 - 5 triệu đồng/suất và thời hạn cho vay chỉ kéo dài 1 năm thì tôn chỉ, mục đích tốt đẹp của Quỹ nhằm “giúp đỡ, hỗ trợ CNVC-LĐ nghèo giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi trong gia đình, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống…” thật khó được đảm bảo.

Ông Lục Văn Tâm - Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may cho rằng: Với định suất cho vay từ 4 - 5 triệu đồng/suất và thời hạn cho vay 1 năm thì thật khó để CNLĐ nghèo có thể đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi trong gia đình, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Có chăng chỉ có ý nghĩa hỗ trợ giải quyết những khó khăn trước mắt… Theo ông Tâm, với cách quản lý Quỹ như hiện nay, hiện tượng vốn không đến được với CNLĐ nghèo là một thực tế đang tồn tại ở cơ sở. “Để bảo toàn vốn cho vay, rất nhiều công nhân nghèo không đủ điều kiện để được vay vốn hỗ trợ (thiếu sự ràng buộc với doanh nghiệp, nay làm, mai nghỉ…). Vì vậy, ở một số đơn vị, số CNLĐ được hỗ trợ vốn vay thường tập trung vào bộ phận văn phòng - là những người có sự ràng buộc về trách nhiệm, quyền lợi chặt chẽ hơn, cho đối tượng này vay bảo đảm thu hồi vốn tốt hơn…” - ông Tâm giải thích.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Tình – Chủ tịch LĐLĐ huyện Lâm Hà kiến nghị: Nên nâng định suất cho vay lên từ 10 - 20 triệu đồng/suất và thời hạn cho vay giãn ra từ 2 - 3 năm. Với tình hình thực tế hiện nay, để CNLĐ nghèo có thể đầu tư phát triển sản xuất, nhằm giải quyết lao động nhàn rỗi trong gia đình thì nguồn vốn được hỗ trợ 4 - 5 triệu là quá ít, dẫn đến hiệu quả sử dụng không cao. Tuy nhiên, để nâng định suất cho vay thì phải giải quyết tốt “bài toán”… thu hồi vốn. Trước hết, muốn được hỗ trợ vốn vay, CNLĐ nghèo phải xây dựng được dự án khả thi và trên cơ sở đó Ban quản lý Quỹ xem xét cho vay.

Con số hơn 5,5 tỷ đồng không phải là nhỏ. Nếu chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ giải quyết khó khăn trước mắt, thì thật là đáng tiếc. Để “Quỹ hỗ trợ cho CNLĐ nghèo” phát huy hiệu quả với tôn chỉ, mục đích giúp đỡ, hỗ trợ CNLĐ nghèo giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi trong gia đình, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, đã đến lúc cần có sự đổi mới hoạt động của tổ chức công đoàn, trong đó cần thiết phải có đội ngũ quản lý chuyên sâu, có nghiệp vụ…

LÊ HỮU TÚC