Ngày 22/9/2011, Báo Lâm Đồng nhận được “Đơn kêu cứu” của ông Nguyễn Hải - đại diện phụ huynh khối THCS của Trường THCS và THPT Phan Bội Châu (Di Linh).
“Đơn kêu cứu” của ông Nguyễn Hải phản ánh: “Việc học tập của các cháu khối THCS bị bỏ bê, thầy và trò khối THCS không được sự quan tâm của Ban giám hiệu. Cho đến hiện nay, học sinh học các môn sinh, hóa… được nhà trường phân công cho những thầy cô dạy THPT (những tiết trống) về dạy khối THCS, có nhiều giáo viên dạy “bữa đực, bữa cái”. Học sinh thì bơ vơ, chất lượng học tập của các cháu ngày càng sụt giảm...”.
Thầy và trò khối THCS Trường Phan Bội Châu đang say sưa giảng dạy và học tập |
Chúng tôi đến cơ sở cũ của Trường THCS và THPT Phan Bội Châu (hiện nay giành riêng cho khối THCS) chứng kiến, từ nhân viên bảo vệ đến ban giám hiệu, văn phòng vẫn đang làm việc; thầy và trò vẫn đang say sưa giảng dạy, học tập một cách bình thường. Chúng tôi chưa hình dung ra “không khí hoang vắng, lạnh lẽo” ở ngôi trường cũ. Tất nhiên, số lượng học sinh hiện giờ ít hơn, vì trước đây cả 2 cấp học có tới 1.700 học sinh, nay chỉ còn 400 học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga - Phó Hiệu trưởng, trực tiếp phụ trách khối THCS, rất ngạc nhiên, không hiểu thông tin từ đâu và cách nhìn nhận như thế nào về hiện trạng Trường THCS và THPT Phan Bội Châu mà phụ huynh đã gởi “đơn kêu cứu” đến cơ quan báo chí!
Sau khi tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận: Hiệu trưởng trực tiếp phụ trách khối THPT ở trường mới, thỉnh thoảng đến trường cũ (khối THCS) kiểm tra. Còn Phó hiệu trưởng trực tiếp “bám trụ” điều hành ở đây hàng ngày. Như vậy, không có chuyện “Các cháu khối THCS bị bỏ bê, thầy và trò khối THCS không được sự quan tâm của Ban giám hiệu” và cũng không có chuyện “Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng lại bỏ các cháu bơ vơ”! Về chất lượng học tập, bà Phạm Thị Hồng Hải - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Phan Bội Châu, nay là Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết: “Cho dù trước đây học chung hoặc sau khi tách riêng 2 cơ sở, chất lượng giáo dục của nhà trường vẫn bình thường!”.
Trường THCS và THPT Phan Bội Châu được xây dựng thêm cơ sở trường lớp mới ở vị trí khác và 2 cấp học bắt đầu học riêng từ năm học 2010 - 2011, nhưng Trường vẫn duy trì một Ban giám hiệu như cũ và trực tiếp chịu sự quản lý của Sở Giáo dục - Đào tạo. Tỉnh đã có chủ trương tách làm 2 trường riêng (dự kiến là Trường THPT Phan Bội Châu và Trường THCS Nguyễn Du), nhưng hiện đang trong quá trình làm thủ tục, nên mọi hoạt động của nhà trường vẫn chưa có gì thay đổi. Tuy nhiên, ngày 19/7/2011, Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng đã ra Quyết định bổ nhiệm và điều động ông Đoàn Chí Hòa về làm Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu. Giá như bổ nhiệm làm “Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Phan Bội Châu” (trong khi chưa tách trường) thì việc quản lý, điều hành của Hiệu trưởng được thuận lợi hơn. Với chức danh “Hiệu trường Trường THPT Phan Bội Châu” thì rõ ràng việc điều hành khối THCS ít nhiều cũng gặp hạn chế. Chính vì thế đã tạo nên dư luận cho rằng “Không được sự quan tâm của Ban giám hiệu” và “Sở GD - ĐT lại bỏ các cháu bơ vơ!”.
Còn về cơ sở vật chất, thiết nghĩ phụ huynh cũng không nên băn khoăn, bởi lẽ chúng tôi đã xem các văn bản kiểm kê, bàn giao tài sản, là đã có sự thống nhất của nhà trường và Hội phụ huynh học sinh. Ngoài cơ sở vật chất trường lớp, toàn bộ tài sản cố định, như bàn ghế đều để lại trường cũ; máy móc, thiết bị, thư viện… được phân chia tương đối hợp lý, vì cấp THPT có tới 31 lớp và cấp THCS chỉ có 10 lớp. Chẳng hạn, trong năm học trước, bằng kinh phí của Trường và Hội phụ huynh, nhà trường đã trang bị thiết bị mới 1 phòng nghe nhìn. Phòng này được “ưu tiên” giữ lại trường cũ cho cấp THCS. Trường mới xây dựng còn trống trải, chưa có cây xanh, nhà trường đã linh hoạt và “ưu tiên” chuyển những chậu cây cảnh về cho cấp THPT…
Một trường học giảng dạy tại 2 cơ sở riêng tất yếu gặp khó khăn trong công tác tổ chức, quản lý và điều hành. Hiện nay, khối THCS của trường Phan Bội Châu chưa có giáo viên dạy môn sinh. Nhà trường tuy có điều hành, sắp xếp, nhưng có những lúc 2 giáo viên dạy chung 1 lớp (môn sinh). Do vậy, “UBND huyện Di Linh sẽ cùng với Sở Giáo dục - Đào tạo Lâm Đồng và các ngành liên quan phối hợp xúc tiến nhanh việc tách trường để 2 trường nhanh chóng ổn định về khâu tổ chức và nề nếp giảng dạy, học tập” - bà Phạm Thị Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, trao đổi với chúng tôi.