Hệ lụy do canh tác trên đất rừng

03:09, 25/09/2011

Bài phản ánh về những hệ lụy do canh tác trên đất rừng khi chưa được cấp phép.

Tranh chấp đất rừng giữa người dân Đắc Nông và Công ty Trường Xuân. Ảnh minh họa (Nguồn SGGP)
Tranh chấp đất rừng giữa người dân Đắc Nông và Công ty Trường Xuân. Ảnh minh họa (Nguồn SGGP)
Cứ qua mỗi “đời” cán bộ quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) tại xã Lộc Phú, chị Đỗ Thị Hà (thôn Nao Quang, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm) lại bị “vòi” tiền để được “yên thân” canh tác trên đất rừng mà mình đã mua lại của người khác. Đến khi phần đất này bị giải tỏa cây trồng, những cán bộ vòi vĩnh này phải bấm bụng trả lại số tiền đã… “lỡ” nhận!

Theo chị Hà, từ năm 2004 đến cuối năm 2010, chị đã đưa tiền cho ông Hoàng Văn Cư (nguyên Trưởng tiểu khu 442 - Lộc Phú) và ông Tống Văn Thơm (nguyên Trưởng cụm tiểu khu Lộc Phú 2) 17 lần, với tổng số tiền lên đến 112 triệu 500 ngàn đồng. Trong đó, ông Cư nhận 13 lần, với số tiền 69 triệu 500 ngàn đồng và ông Thơm nhận 4 lần, với số tiền 43 triệu đồng. Đổi lại, chị Hà được “im lặng” canh tác trên phần đất 3,2 ha thuộc khoảnh 9, tiểu khu 442.

Chị phản ánh: “Khi được cán bộ trong cụm quản lý rừng cho phép, tôi trồng cà phê và cây rừng theo hình thức nông - lâm kết hợp, nhưng liên tục bị chặt và đốt. Sau mỗi lần bị chặt và đốt, cán bộ bảo tôi đưa tiền để đến Ban quản lý lo làm giấy tờ và tách thửa đất. Mỗi lần nhận tiền, cán bộ đều “hứa” sẽ đảm bảo không ai phá, đốt hay lấy lại đất. Nhưng, cuối cùng cây trồng bị giải tỏa và đất bị thu hồi”.

Nguồn gốc của lô đất nói trên là chị Hà mua lại của 3 hộ dân khác từ năm 2004. Đến năm 2009, chị mới làm giấy mua bán (chỉ viết tay). Từ khi mua đất đến nay, chị Hà đã trồng 3.200 cây cà phê và 6.000 cây keo lai, muồng. Giữa năm 2006, chị làm đơn xin hợp đồng trồng rừng và được thôn và UBND xã Lộc Phú xác nhận. “Không hiểu vì lý do gì mà đơn xin hợp đồng trồng rừng tôi đã gởi cho ông Nguyễn Thanh Hiều - nguyên Trưởng cụm tiểu khu Lộc Phú, nhưng không được chuyển lên Ban QLR Bảo Lâm (nay là Ban QLR phòng hộ Đam Bri). Đến khi đất bị giải tỏa thì ông Hiều mới trả lại cho tôi giấy xác nhận này!” – chị Hà cho biết thêm.

Bị thu hồi đất, chị Hà đã làm đơn tố cáo gởi đến các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh. Ông Vũ Hồng Hiếu – Trưởng Ban QLR phòng hộ Đam Bri, cho biết: “Đầu năm 2011, Ban nhận được đơn của bà Hà tố cáo ông Cư và ông Thơm nhận tiền để đồng ý cho bà Hà trồng cây tại tiểu khu 442. Ban đã tiến hành đối chất giữa các bên liên quan. Do vụ việc có tính chất phức tạp, Ban đã chuyển hồ sơ cho Công an”.

Được biết, ông Hoàng Văn Cư đã hoàn trả cho chị Hà 89 triệu 500 ngàn đồng (trong đó, có 20 triệu đồng tiền bồi thường công chăm sóc năm đầu) và đề nghị buộc thôi việc. Ông Tống Văn Thơm đã hoàn trả 25 triệu đồng và đã chuyển công tác khác.

Ngày 4/8/2011, toàn bộ phần diện tích chị Hà đã trồng keo, thông, muồng xen lẫn với cà phê đã bị Ban QLR phòng hộ Đam Bri giải tỏa “trắng”. Ông Vũ Hồng Hiếu cho rằng: Các giấy tờ của bà Hà liên quan đến lô đất nói trên đều không hợp lệ. Vì, đây là diện tích đất lâm nghiệp đã được UBND tỉnh quy hoạch, thuộc đối tượng rừng sản xuất do Ban QLR phòng hộ Đam Bri quản lý. Việc bà Hà tự ý trồng cây trên diện tích này là không đúng. Do đó, thực hiện quyết định của UBND huyện Bảo Lâm, Ban đã tiến hành giải tỏa tất cả cây trồng trên những diện tích đất rừng bị lấn chiếm trái phép, trong đó có đất bà Hà.

Do không đồng tình với việc giải tỏa, chị Hà đã đến gặp Ban QLR phòng hộ Đam Bri để kiến nghị. Đồng thời, chị cũng đã trực tiếp ngăn cản, không cho giải tỏa, nhổ bỏ cây trồng.

Theo đơn tố cáo của chị Hà, chị bị cán bộ Ban QLR phòng hộ Đam Bri đánh 2 lần gây thương tích. Chị Hà kể: “Lần đầu vào ngày 4/8/2011, khi tôi đến Ban để kiến nghị thì lãnh đạo Ban đã không tiếp mà đuổi tôi ra khỏi phòng. Lúc ra khỏi phòng thì bị Lê Văn Tú - Phó Ban QLR, đẩy tôi vào vách tường và đấm vào thái dương. Còn ông Hiếu - Trưởng Ban QLR, túm tóc và xô tôi té xuống cầu thang. Sau đó, Công an thị trấn Lộc Thắng đến, mời tôi về trụ sở làm việc. Đến ngày 13/8, tôi tiếp tục bị các ông Độ, Hùng, Thuận, Quang - là cán bộ và nhân viên Trạm QLBVR Lộc Phú 2, đánh khi tôi đang ngăn cản không cho giải tỏa, nhổ bỏ cây trồng!”.

Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Hiếu và ông Lê Văn Tú đều khẳng định là không đánh chị Hà. Ông Hiếu cho biết: “Bà Hà đã nhiều lần đến Ban QLR làm việc với thái độ rất sừng sổ, chửi bới anh em trong Ban và xúc phạm tôi. Vì vậy, tôi đã mời Công an đến can thiệp”. Còn ông Lê Văn Tú cho biết: “Khi chúng tôi giải tỏa đất để trồng thông mới, bà Hà đã nhiều lần nhổ bỏ cây thông mới trồng và dẫm nát nhiều cây thông con tập kết tại đây. Do đó, nhân viên Trạm QLBVR Lộc Phú buộc phải dùng hình thức áp chế bà Hà!”.

Ông Bùi Mạnh Hùng  - Trưởng Công an xã Lộc Phú, cho biết: "Khi nhận được tố cáo của bà Hà về việc bị 5 cán bộ, nhân viên Trạm QLBVR Lộc Phú đánh, chúng tôi đã lập biên bản vụ việc. Ban đầu, chúng tôi xác định bà Hà bị chấn thương ở thái dương và bầm ở tay phải điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm. Hiện, chúng tôi đã chuyển hồ sơ vụ việc lên Công an huyện".

Đó là những “khuất tất” cần được các cấp, ngành có thẩm quyền làm sáng tỏ thêm. Tuy nhiên, đây cũng là bài học phát sinh từ những hệ lụy do canh tác trên đất rừng khi chưa được cấp phép.

ĐÔNG ANH