Khi người nghèo không muốn thoát nghèo

03:09, 15/09/2011

Ở nhiều nơi, đang tồn tại tâm lý không muốn thoát ra khỏi danh sách nghèo vì ỷ lại vào những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Xoá đói giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng và giữa các dân tộc, nhóm dân cư. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thật không dễ bởi nguyên nhân dẫn đến đói nghèo bao gồm nhiều yếu tố, đặc biệt, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công cuộc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo thực sự rất gian nan.

Theo Chỉ thị số 1752/CT-TTg ngày 21/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ, mức chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 được xác định là những hộ có thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống (khu vực nông thôn), đối với khu vực thành thị, hộ nghèo là những hộ có mức thu nhập bình quân 500.000 đồng/người/tháng.
 
Buôn B’lú đã có nhiều đổi thay nhưng tỷ lệ hộ nghèo hiện vẫn còn cao
Buôn B’lú đã có nhiều đổi thay nhưng tỷ lệ hộ nghèo hiện vẫn còn cao

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện chỉ bằng khoảng 1/3 so với mức thu nhập trung bình của cả nước. Ước tính, với chuẩn nghèo mới này, tỷ lệ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên cả nước sẽ tăng lên 60%, thậm chí một số nơi còn lên tới 70 - 75%.

Tuy nhiên, vấn đề của việc giảm nghèo ở những xã, thôn đặc biệt khó khăn mà suốt nhiều năm qua với nhiều chính sách hỗ trợ nhưng vẫn chưa thoát được nghèo không phải nằm ở mức chuẩn được nâng lên hay hạ xuống ấy, mà là làm thế nào để giảm nghèo khi ở nơi ấy, vẫn tồn tại tâm lý của không ít người dân không muốn thoát ra khỏi danh sách nghèo!

Cuối tháng 8, tôi có dịp về công tác tại buôn B’lú (thị trấn Madagui, huyện Đạ Houai), một thôn có 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Sau nhiều năm được sự quan tâm đầu tư mọi mặt của Đảng và Nhà nước, buôn B’lú đã có nhiều thay đổi tích cực. Điện – đường – trường – trạm đều được đầu tư, xây dựng hợp lý, rất thuận lợi cho bà con phát triển cả về kinh tế lẫn văn hoá. Buôn cũng chỉ cách trung tâm huyện là thị trấn Madagui khoảng hơn chục phút xe máy, nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở đây hiện là 21/22 hộ, duy nhất chỉ có gia đình của trưởng buôn là đã thoát nghèo.

Theo báo cáo tại Hội nghị xoá đói giảm nghèo diễn ra vào tháng 8, trong giai đoạn 2006 - 2010, hàng nghìn tỷ đồng từ các chương trình, dự án 135, 134; Chương trình định canh định cư; các dự án khuyến nông, khuyến lâm; chính sách vốn vay ưu đãi với hộ nghèo,  hỗ trợ nhà ở cho người nghèo… đã được đầu tư tại Lâm Đồng. Riêng chương trình xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững (30a) của Chính phủ, trong hai năm 2009 - 2010, tổng nguồn vốn đã đầu tư là 180,7 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Tuấn – Khu phố trưởng Khu phố 4 thị trấn Madagui - khu phố mà buôn B’lú trực thuộc, cho biết: Một số hộ vẫn còn nghèo, nhưng gần đây nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cuộc sống của một số bà con trong buôn cũng đã có nhiều thay đổi, nhiều hộ phát triển kinh tế khá rõ nhờ trồng điều, trồng tràm, đi làm thêm ở các rừng tràm,… nên đời sống được nâng lên, nhà cửa khang trang, có nhà có 2, 3 chiếc xe máy, tivi hiện đại, thu nhập mỗi năm chia bình quân không thuộc diện nghèo nhưng do thu nhập không thường xuyên nên bà con không khai, hoặc khai giảm để lách vì không muốn thoát nghèo. Theo ông Tuấn thì có nhiều nguyên nhân khiến bà con không muốn thoát nghèo, nhưng nguyên nhân chính là do tâm lý lười lao động, không chí thú làm ăn, không chịu làm kinh tế ổn định, ỷ lại vào những chế độ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nên không muốn thoát nghèo để được hưởng trợ cấp.

Cũng theo ông Tuấn thì ngoài những hộ có kinh tế khá hơn, vẫn còn những hộ lười lao động đến mức, thị trấn và khu phố đến nhà vận động bà con cải tạo vườn tược để tăng năng suất cây trồng, bà con vẫn kiên quyết không chịu thay đổi, một phần do không thích thay đổi tập quán canh tác, một phần do lười biếng. Có hộ thì chỉ làm được “dăm bữa nửa tháng” rồi thì đâu lại vào đó, vườn tược trồng không chăm sóc, bón phân mà cứ kệ cho cây cối tự sinh, tự diệt.

Chuyện tương tự cũng xảy ra ở buôn B’kẻ (thị trấn Madagui). Ông Trần Anh Dũng – Chủ tịch thị trấn cho biết: Buôn B’kẻ có 68 hộ, thị trấn cũng tổ chức vận động rất nhiều. Cử cán bộ khuyến nông xuống tận nơi cầm tay chỉ việc để giúp bà con cải thiện kỹ thuật canh tác nhằm phát triển kinh tế nhưng nhiều bà con không quan tâm, họ chỉ thích vào rừng lấy măng bán mà thôi. Có những hộ ở hai buôn này được nhà nước giao đất, giao rừng, hỗ trợ cây giống nhưng họ cũng không nhận; vận động, giải thích mãi đồng ý nhận nhưng rồi lại bỏ đó, có người thì mang đất ra uỷ ban trả lại, có người thậm chí đem bán cho người khác.

Ông Dũng cũng cho biết thêm, buôn B’kẻ hiện nay cũng có nhiều thay đổi, nhiều hộ thu nhập khá nhưng những hộ này cũng không muốn thoát nghèo, mỗi lần đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo bà con lại phản đối, kéo xuống uỷ ban kiện cáo, trình bày với muôn vàn lý do.

Câu chuyện không phải là ngoại lệ với hai buôn trên, mà cũng đang diễn ra ở một số thôn, xã vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo cao. Có lẽ đã đến lúc cần phải đặt vấn đề làm sao để người dân nghèo nhận được sự hỗ trợ, quan tâm của Đảng và Nhà nước thật sự có quyết tâm để thoát nghèo. Song song đó, cũng cần xem lại cách tuyên truyền, vận động để làm sao người dân chiến thắng được tâm lý ỷ lại trong công cuộc xoá đói giảm nghèo.
 
Nguyên Thi