Mức trần lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi sẽ tăng từ 15% lên 20%.
Xe ô tô chở người dưới mười chỗ ngồi sẽ tăng phí từ 15% lên 20%. Ảnh Internet |
Căn cứ các quy định mới này, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Đồng thời, kể từ ngày 01/9/2011 (ngày Nghị định 45/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành), đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi tiếp tục áp dụng mức thu lệ phí trước bạ theo quy định hiện hành cho đến khi HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành mức thu lệ phí trước bạ mới theo phân cấp quản lý hành chính nhà nước.
Từ những căn cứ pháp luật nói trên, cơ quan tham mưu hoạch định chính sách tài chính của Lâm Đồng đã nhanh chóng đệ trình HĐND tỉnh Lâm Đồng kỳ họp thứ 2 ngày 31/8/2011 thông qua Nghị quyết số 21/2011/NQ-HĐND quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tăng từ 10% lên 15% và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày theo thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh, tức có hiệu lực từ ngày 10/9/2011, (sớm hơn hướng dẫn của Bộ Tài chính 35 ngày).
Tuy nhiên, vấn đề không phải nhanh là tốt mà cần cân nhắc là thời cơ ban hành chính sách, sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và mối liên hệ với chính sách trong vùng . Xin phân tích một vài khía cạnh thực tiễn:
1. Về lý thuyết, các nhà hoạch định chính sách tính toán mức lệ phí trước bạ 15% áp dụng từ 10/9/2011 đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tức là sẽ tăng thêm 50% số thu tuyệt đối so với mức cũ, góp phần hạn chế tốc độ tăng số lượng xe ô tô trên địa bàn, điều tiết thu nhập, bổ sung thêm một nguồn thu đáng kể cho ngân sách tỉnh nhà.
2. Tuy nhiên, tôi nghĩ những quyết sách trên đây chỉ mới tính đến các yếu tố bên trong của hoạch định chính sách mà chưa tính đến những mâu thuẫn nẩy sinh, các yếu tố nằm trong mối liên hệ với bên ngoài có chứa đựng vấn đề cần được tập trung giải quyết bằng chính sách. Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... chưa vội quyết định áp mức lệ phí trước bạ mới mà vẫn giữ mức 10% cho đến sau ngày 14/10. Bên cạnh đó, theo nguồn thông tin bên lề từ các địa phương nói trên, mức thu lệ phí mới ở các tỉnh, thành này có thể sẽ được trình HĐND quyết giữ nguyên mức tối thiểu là 10% hoặc nâng lên 12%, 15% hoặc cũng có thể cao hơn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương họ.
3. Lâm Đồng là một tỉnh có đông con, em, người thân trong một gia đình đang định cư, học tập, công tác và có hộ khẩu tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu..., có đáng kể một số dự án xây dựng cơ bản cấp vùng, quốc gia đã và đang triển khai trên địa bàn...Vừa qua, có không ít những đối tượng trên đây đã mua sắm xe ô tô dưới 10 chỗ, lẽ ra đem về tỉnh Lâm Đồng để đóng thuế, đăng ký lưu hành; nhưng họ tính toán và không chấp nhận mức lệ phí trước bạ 15% mà tỉnh nhà áp dụng sớm từ 10/9/2011. Họ quay về TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương ... ở những nơi có người thân họ đang sinh sống mà ở đó còn áp dụng mức lệ phí trước bạ 10% để đóng thuế, đăng ký lưu hành xe, đem về Lâm Đồng sử dụng. Chỉ những người không thể có cách nào khác thì mới đăng ký ở Lâm Đồng. Thực tế này không những làm cho số thu trước bạ ô tô của tỉnh không tăng thêm 50% mà có nguy cơ mất luôn 100% khoản có thể thu; đồng thời, làm cho các doanh nghiệp kinh doanh ô tô ở Lâm Đồng giảm khả năng cạnh tranh so với doanh nghiệp nơi khác tại thời điểm mà lệ phí trước bạ còn chênh lệch.
4. Mục tiêu chung của chính sách tăng mức trần lệ phí trước bạ ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi là từng bước hạn chế sự phát triển quá mạnh của các phương tiện này dẫn tới quá tải cho hạ tầng giao thông, nhất là ở các đô thị lớn, góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, điều tiết thu nhập hợp lý, tăng thu cho ngân sách trong điều kiện cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế. Tuy vậy, ô tô là một phương tiện văn minh, an toàn và đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.
Đối với địa bàn tỉnh ta, các mục tiêu hạn chế trên chắc chắn chưa phải là mục tiêu chủ yếu trong hoạch định chính sách thuế, phí, lệ phí lần này. Vì vậy, thiết nghĩ cần coi trọng thường xuyên tổ chức đánh giá chính sách, đo lường kết quả và hiệu quả của một chính sách trong thực tế sau khi đã đưa chính sách này vào thực thi. Việc đánh giá này trong chu trình hoạch định chính sách sẽ giúp chúng ta rút ra các bài học kinh nghiệm, để cho các lần sau hoạch định tốt hơn.
(Thường trực HĐND TP BẢO LỘC)