Mặc dù đã được cấp phép nhưng việc khai thác và quản lý các DN khai thác khoáng sản ở Bảo Lộc vẫn còn có những bất cập.
Khai thác khoáng sản tại xã Đại Lào |
Khai thác tài nguyên khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền cấp phép cho các DN ở địa bàn thành phố Bảo Lộc chỉ có 5 nhóm khoáng sản: Bauxite (1 DN), cao lanh (7 DN), diatomit (2 DN), đá xây dựng (12 DN) và cát (4 DN). Bên cạnh các DN khai thác, thành phố hiện có 8 DN chế biến khoáng sản và một số DN đã được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản… Ngoài ra, tại các xã, phường còn phát sinh (tự phát) một số cơ sở, cá nhân khai thác cát, đá, cao lanh, sét chỉ với qui mô nhỏ lẻ, làm theo mùa vụ, như tại Lộc Châu (có trên 10 cơ sở), Đại Lào (ít nhất 2 cơ sở), Lộc Thanh (trên 10 cơ sở), Lộc Phát (2 cơ sở).
Trong số các DN đã được cấp phép nói trên, duy nhất chỉ có Công ty TNHH một thành viên Hóa chất cơ bản Miền Nam khai thác bauxite tại Lộc Phát với công suất 561.000m3/năm; 7 DN khai thác cao lanh có tổng công suất khai thác 164.364 m3/năm; 12 DN khai thác đá xây dựng có tổng công suất trên 1,1 triệu m3/năm; 4 DN khai thác cát xây dựng có công suất 72.500 m3/năm.
Sau khi được cấp phép, một số DN đi vào hoạt động và chấp hành tốt các qui định của Nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên, không ít DN chỉ hoạt động cầm chừng, như: Công ty TNHH Phát triển khoáng sản Duy Tân được cấp phép khai thác mỏ cao lanh 1,5 ha tại xã Lộc Châu và nhà máy chế biến tại xã Đại Lào; DNTN Động Lực có mỏ khai thác cao lanh 4 ha tại xã Lộc Châu và nhà máy chế biến tại Khu Công nghiệp Lộc Sơn; Công ty CP Khoáng sản Ngân Long có mỏ khai thác cao lanh tại huyện Bảo Lâm, đã xây dựng nhà máy chế biến tại xã Lộc Châu… Và, cũng không ít DN, như: Công ty TNHH LQ JoTon đã được cấp phép khai thác mỏ cao lanh 60 ha tại xã Lộc Châu, hiện nay chưa xây dựng nhà máy và chưa khai thác. Công ty TNHH Cao Phát có mỏ cao lanh 1,5 ha tại xã Lộc Châu, khai thác trước khi cấp phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính, nay tạm dừng khai thác. Công ty TNHH Lan Chi có mỏ cao lanh 1,8 ha tại xã Lộc Châu, đã bị thu hồi giấy phép, nhưng vẫn hoạt động(!).Công ty CP Tân Anh Tú (tại xã Đại Lào) đã bị thu hồi giấy phép. DNTN Phú Long có giấy phép khai thác đá tại Đam Bri, Công ty TNHH xây dựng công trình Hùng Vương có giấy phép khai thác đá tại xã Đại Lào… hiện nay vẫn chưa đi vào khai thác. Công ty CP Lộc Châu chưa có giấy phép khai thác đất sét để sản xuất gạch xây dựng và chưa lập dự án, cam kết tác động môi trường, nhưng đã xây dựng, đưa nhà máy vào hoạt động sản xuất gạch tại xã Lộc Châu, đã bị xử phạt vi phạm hành chính,v.v… Ngoài ra, những cơ sở khai thác qui mô nhỏ lẻ, tự phát của cá nhân đang hoạt động hầu hết đều không có giấy phép và… “trốn” được khoản thuế Nhà nước.
Xuất phát từ những bất cập nói trên và theo yêu cầu của UBND tỉnh Lâm Đồng theo Công điện số 6954/CĐ – UBND, thành phố Bảo Lộc đã thành lập Tổ công tác để cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Bảo Lộc. Sau gần 2 tháng tiến hành kiểm tra, Tổ công tác đã kiểm tra và lập 21 biên bản kiểm tra tại 21 DN; trong đó, có 12 biên bản vi phạm (các qui định của Nhà nước, khai thác, thu gom khoáng sản không phép, khai thác sai vị trí, tự ý thuê đất để khai thác trái phép…). Thành phố đã ban hành 7 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các DN và cá nhân, thu phạt trên 75 triệu đồng. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bảo Lộc: “Bên cạnh lợi ích khai thác khoáng sản mang lại, chúng ta phải đánh đổi rất nhiều tác hại, nhất là về vấn đề môi trường. Nó làm hủy hoại thảm thực vật, tầng đất canh tác và cảnh quan vốn có; thay đổi dáng đất, xáo trộn địa tầng, dẫn đến nguy cơ sạt lở; xả nước bẩn vào môi trường, sông suối (như Công ty TNHH HTM); gây lãng phí tài nguyên (các DN khai thác cao lanh); việc cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác sẽ khó thực hiện theo yêu cầu như đã cam kết…”.
Với thành phố Bảo Lộc, trữ lượng khoáng sản, như cao lanh, đá, cát… khá lớn, tập trung nhiều nhất ở xã Lộc Châu và xã Đại Lào… Ngoài những tồn tại trong hoạt động khai thác nói trên, một bất cập trong quản lý khoáng sản của thành phố là hiện tượng “xuất thô”. Do vậy, trong một cuộc họp mới đây, đồng chí Lê Hoàng Phụng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc, cho biết: Trong lúc tạm dừng việc cấp phép, thành phố sẽ có giải pháp xử lý, làm thế nào để các DN đã được cấp phép có điều kiện chế biến sâu, không xuất khoáng sản thô khỏi địa phương. Thành phố phải qui hoạch để khai thác, chế biến khoáng sản để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.