Nạn khai thác khoáng sản trái phép tại những “điểm nóng” như vùng 3 xã Đạ Chay, ĐạSa, Đa Nhim (Lạc Dương), Tà Năng, Đà Loan, Tà In (Đức Trọng) và Đạ Tông (Đam Rông) cơ bản đã được xóa bỏ.
Máy múc được đưa vào dùng cho việc đào đãi vàng sa khoáng trái phép |
Tình hình khai thác thiếc trái phép ở Đạ Chay, Đạ Sa, Đa Nhim và khai thác vàng trái phép ở Tà Năng, Tà In, Đà Loan xảy ra từ sau Tết Nguyên đán Tân Mão với quy mô lớn, phức tạp, với nhiều người tham gia.
Thực hiện Công văn 1153 ngày 10/3/2011 và Công văn 777 ngày 16/2/2011 của UBND tỉnh, Sở TN-MT và UBND các huyện Lạc Dương, Đức Trọng cùng với UBND các xã và các ngành liên quan đã liên tục tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giải tỏa hiện trường, điều tra các đầu nậu, chủ máy và người cầm đầu các băng nhóm đang hành nghề trái phép tại hiện trường.
Sau khi tình hình ở các khu vực này “cơ bản đã ổn định” như khẳng định của Sở TN-MT thì khai thác khoáng sản trái phép lại bùng phát tại xã Đạ Tông (Đam Rông) vào các tháng giữa năm. Được sự hỗ trợ của Công an tỉnh, hiện tại UBND huyện Đam Rông đã và đang tiếp tục triển khai công việc xử lý tang vật thu giữ tại hiện trường gồm một số máy xúc, máy đào… và tiếp tục điều tra tìm ra những kẻ đứng đầu để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy, hiện tại các điểm nóng khai thác khoáng sản trái phép này đã hạ nhiệt, song việc khai thác thiếc, vàng và vật liệu xây dựng trái phép vẫn âm thầm diễn ra tại nhiều địa bàn trong tỉnh gây thất thoát tài nguyên, làm ảnh hưởng xấu tới môi trường… gây bức xúc cho dân cư địa phương.
Để xóa bỏ tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và đưa các hoạt động khai thác khoáng sản vào nề nếp theo đúng quy định của Luật Khoáng sản, từ đầu năm 2011 tới nay nhiều hoạt động đã được Sở TN-MT và chính quyền các cấp triển khai có hiệu quả cao như tiến hành rà soát điều chỉnh “Quy hoạch Khoáng sản tỉnh Lâm Đồng tới năm 2020”, rà soát lại toàn bộ các giấy phép hoạt động khoáng sản đã được các cấp có thẩm quyền cấp cho các tổ chức và cá nhân để trình UBND tỉnh thu hồi những giấy phép không còn hội đủ điều kiện tiếp tục hoạt động (Sở TN-MT cho biết tới ngày 16/6/2011 trên địa bàn tỉnh có 83 giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản các loại còn hiệu lực), triển khai từng bước việc tập huấn Luật Khoáng sản cho các doanh nghiệp và các địa phương, cùng với Phân viện Địa chất - Khoáng sản phía Nam đào tạo - bồi dưỡng kiến thức điều hành mỏ và chỉ huy nổ mìn cho các doanh nghiệp đang khai thác khoáng sản.
Thanh tra Sở TN-MT cũng đã phối hợp với các địa phương tiến hành thanh tra hoạt động khoáng sản của Công ty TNHH XDTM Hà Hưng tại huyện Đạ Huoai), Công ty TNHH Triệu Khánh và kiểm tra việc khai thác khoáng sản của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam… Qua đó, đã xử phạt 2 vụ khai thác -vận chuyển quặng thiếc và titan ở huyện Lạc Dương, xử phạt các Công ty Triệu Khánh, Hà Hưng và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam về các lỗi như không thực hiện các nội dung cam kết bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản (Công ty Triệu Khánh), khai thác khi không có thiết kế mỏ (Công ty Hà Hưng), thăm dò khi chưa lập báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam)…
Ngoài nạn khai thác trái phép, thì vấn đề cần tiếp tục được ngành TN-MT và các địa phương quan tâm đặc biệt chính là việc bảo vệ môi trường, phục hồi môi trường và an toàn lao động trong hoạt động khai thác - chế biến khoáng sản - theo Sở TN-MT.