Văn hóa công sở - Còn nhiều điều cần làm

03:09, 04/09/2011

Xung quanh vấn đề văn hóa công sở, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua đã có sự chuyển biến đáng kể trong đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, nhưng vẫn còn đó nhiều việc cần làm…

Nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ CBCC vấn đề cốt lõi trong cải cách hành chính hiện nay
Nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ CBCC vấn đề cốt lõi trong cải cách hành chính hiện nay
Vừa qua, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Lạt đã tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề “CNVC-LĐ thành phố Đà Lạt với văn hóa ứng xử nơi công sở”. Cuộc hội thảo đã thu hút sự quan tâm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể thành phố. Xung quanh vấn đề văn hóa công sở, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua đã có sự chuyển biến đáng kể trong đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, nhưng vẫn còn đó nhiều việc cần làm…

Đánh giá về đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức cơ quan công quyền cả nước nói chung, bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Hiện tại, người dân đến cơ quan công quyền vẫn còn gặp 3 cái khó là cửa khó vào, người khó gặp, mặt khó coi…”. Đối với Lâm Đồng nói chung, thành phố Đà Lạt nói riêng, liệu người dân đã tránh khỏi “3 cái khó”…?

Trong quá trình sản xuất - kinh doanh có phát sinh thu nhập chịu thuế, ông Phan H. ở khu phố Chi Lăng (phường 9, Đà Lạt) đã tìm đến ngành chức năng để kê khai nộp thuế. Với một người dân lần đầu đi làm thủ tục nộp thuế, lẽ ra ông phải nhận được sự hướng dẫn tận tình của cơ quan thuế. Thế nhưng, ông lại được nhận… “Tại sao không viết sát vào, chừa để viết thêm à…”. Nếu nói về tình thì tuổi mình đáng bằng cha, chú nó; còn nói về lý thì cán bộ là “công bộc của dân”… Tại sao lại có thái độ như thế? Nhưng rồi ông tự trấn an: “dĩ hòa vi quý”, đành ngậm bồ hòn làm ngọt cho… được việc mình.

Lại nói về văn hóa ứng xử, bà Huỳnh Thị T. góp vào: “Chắc phải đưa mấy chú ra chợ để học được tính xởi lởi của chị em tiểu thương chúng tôi. Chứ, hôm nọ có việc phải gõ cửa cơ quan công quyền, tôi vào tận nơi, thấy mấy chú thanh niên cứ lui hui dán mắt vào vi tính, mà không thèm đả động gì đến khách…”.

Nói về thực trạng văn hóa công sở, ông Nguyễn Ước - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Lạt cho rằng: Còn nhiều vấn đề chúng ta cần phải làm, cần phải sửa đổi. Chẳng hạn, việc chúng ta quy định người đi mô tô, xe gắn máy qua cổng công sở phải xuống xe dắt bộ, nhưng tại sao người đi ô tô lại chễm chệ đi qua… Riêng về giao tiếp trên điện thoại, với đặc thù công việc, rất nhiều lần tôi phải sử dụng điện thoại để liên hệ công tác. Phải nói rằng, có một số ít đơn vị người nghe điện thoại có xưng danh, cơ quan công tác, còn hầu hết vẫn nói trống không. Ông Trương Xuân Thường - Chủ tịch CĐCS khối Văn phòng HĐND và UBND thành phố Đà Lạt thừa nhận: Với đặc thù của đơn vị thường xuyên tiếp xúc với dân, đôi khi còn thiếu ân cần trong công tác; việc sử dụng điện thoại, tiếp điện thoại có lúc còn thiếu nhã nhặn… Còn bà Mai Lương Anh - Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Lạt thì khẳng định, hiện nay ý thức chấp hành giờ giấc của công chức trong hội họp rất kém. Ngoại trừ một số cơ quan quân đội, các cơ quan khác hiện nay đang tồn tại hiện tượng muốn họp 8 giờ thì phát hành giấy mời 7 giờ…

Ở nước ta, Quy chế Văn hóa công sở do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 2 tháng 8 năm 2007 đã quy định, các nhân viên cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong khi làm việc, tiếp xúc với dân, giao tiếp, ứng xử phải nghiêm túc, lịch sự, tôn trọng, không được nói tục, không được quát nạt, phải ăn nói mạch lạc, rõ ràng… Trang phục quần áo phải lịch sự, gọn gàng… Khi nhân viên Nhà nước nghe điện thoại, phải xưng họ tên, cơ quan công tác và không được ngắt điện thoại đột ngột…

Trong tình hình thiếu ý thức tôn trọng dân đang còn phổ biến trong nhiều cơ quan Nhà nước hiện nay, thì Quy chế Văn hóa công sở của Thủ tướng ban hành năm 2007 cần tiếp tục được quán triệt, thực thi.

LÊ HỮU TÚC