Cỏ dại, rêu tác nhân làm giảm năng suất cây trồng

03:10, 12/10/2011

Cỏ dại, rêu không gây hại trực tiếp cho cây rau, hoa như các loại sâu bệnh, nhưng chúng có khả năng làm giảm năng suất và phẩm chất cây trồng.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Cỏ dại, rêu không gây hại trực tiếp cho cây rau, hoa như các loại sâu bệnh, nhưng chúng có khả năng làm giảm năng suất và phẩm chất cây trồng bằng cách cạnh tranh ánh sáng, dinh dưỡng và nước. Bên cạnh đó còn là môi trường thuận lợi để các loài dịch hại như sên, nhớt cư trú, các loại nấm và nhiều loại dịch hại nguy hiểm khác phát triển. Vừa qua, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức một hội thảo và đưa ra những biện pháp phòng trừ sự gây hại của rêu, cỏ dại đối với cây trồng một cách hữu hiệu nhất cho người làm nông.

Theo điều tra và khảo sát của Chi cục BVTV Lâm Đồng tại 14 vườn trồng trên địa bàn của 4 phường ở Đà Lạt thì cỏ dại phổ biến có 3 loại: Cỏ chỉ, lữ đằng nhỏ và địa tiễn; tại 16 vườn hoa gồm có 3 loại là: cỏ mít, cỏ chỉ và địa tiễn. Qua đó, có thể thấy cỏ dại trên cây hoa, rau ở Đà Lạt đa dạng về thành phần loài, có hình thức sinh sản chủ yếu bằng hạt, lớp cỏ dại ban đầu nếu bị diệt trừ một cách thủ công (hay sơ sài) sẽ thường được “thay thế” bằng một lớp mới lớn lên nhanh từ hạt, rất khó phòng trừ.

Hiện nay, nông dân Đà Lạt chỉ phòng trừ bằng hai cách đó là phương pháp thủ công (nhổ cỏ bằng tay) và sử dụng các loại thuốc hóa học như: Gramoxone 20SL, Duaone 455EC và thuốc Dietnam 360EC… mà chưa quan tâm đến các biện pháp phòng trừ tổng hợp nên tác nhân gây bệnh làm giảm năng suất cây trồng vẫn chưa được diệt trừ một cách triệt để.

Để phòng trừ cỏ dại trên rau, hoa cần áp dụng các biện pháp phòng trừ một cách bài bản và theo quy trình. Phải coi trọng biện pháp quản lý nước, che phủ ruộng, luân canh cây trồng và chú ý thường xuyên nhổ cỏ bằng tay. Bên cạnh đó, khi bón phân đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ với việc làm cỏ, tỉa tán, dọn dẹp vệ sinh. Khi sử dụng hóa chất cũng cần phải sử dụng đúng thuốc, đúng kỹ thuật, đúng liều lượng và thấm ướt đồng đều trên cỏ dại. Không để đọng vũng và không để ngập nước, luân phiên sử dụng các hóa chất trừ cỏ có thành phần hóa học để hạn chế cỏ dại kháng thuốc. Khi sử dụng biện pháp hóa học cũng cần phải tuân theo nguyên tắc “4 đúng” là: Đúng thuốc (phải nhận biết và xác định được loài cỏ dại trên ruộng rau hoa, cần phòng trừ, sử dụng đúng loại thuốc), đúng lúc (áp dụng khi cỏ mới phát sinh hoặc khi cỏ đang tăng trưởng mạnh mới có hiệu quả), đúng liều lượng (sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, lượng nước phù hợp với mật độ cỏ mọc), đúng cách (là phải pha thuốc với nước sạch và phun theo hướng gió) nhằm nâng cao hiệu quả và tránh được tổn thương cho người, cũng như cây trồng.

Riêng đối với rêu. Những năm trước đây, tại các vùng trồng rau, hoa của Đà Lạt, rêu đã xuất hiện rải rác chủ yếu trên các bờ ta luy của các bờ mương, hồ chứa nước hoặc xung quanh các bờ ruộng, tuy nhiên mức độ gây hại thuộc dạng nhẹ. Nhưng từ cuối năm 2010 và đầu 2011 đến nay, tình hình rêu gây hại có xu hướng gia tăng, nhất là các vùng có độ ẩm cao, thoát nước kém. Bên cạnh đó, rêu còn xuất hiện trên bề mặt luống các vườn đang canh tác các loại cây trồng như cát tường, cẩm chướng, pó xôi, cải bắp, sú lơ, xà lách… Nhiều nơi, nếu người trồng không chăm sóc kỹ chúng bám thành từng mảng xung quanh gốc cây khiến cây trồng sinh trưởng yếu và không cho sản lượng cao. Bởi rêu thường mọc ở những nơi có điều kiện thích hợp như độ ẩm của đất, không khí cao và nhiệt độ tương đối thấp.

Cuộc hội thảo quy mô giữa Chi cục BVTV Lâm Đồng và các công ty sản xuất thuốc BVTV cũng đã chỉ rõ: Đối với biện pháp canh tác trên vườn ươm, tuyệt đối không sủ dụng giá thể ươm cây giống có lẫn rêu để sản xuất cũng như phải kiểm tra chất lượng giống trước khi xuất vườn. Trên vườn trồng phải vệ sinh đồng ruộng, đất trồng, xử lý đất trồng… Nếu có điều kiện phải phủ đất bằng màng phủ nilon, ngoài ra có thể sử dụng tro, trấu để rải lên trên bề mặt đất. Nên xử lý đất trồng bằng các loại thuốc như: Gramoxone 20SL ở liều lượng 25ml/1 lít nước và Hai bon-D 480DD 10ml/1 lít nước (lượng nước thuốc 3.000 lít/1.000m2). Ngoài ra, còn có các biện pháp lên luống trồng và phân bón sao cho phù hợp. Riêng với các biện pháp thủ công, cơ giới thì cần phải tiêu hủy rêu, không nên để cạnh nguồn nước và xuống mương, có thể phơi khô và dùng dầu gasoil để đốt. Đối với các biện pháp hóa học thì phải tuân thủ theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp tại địa phương và tuân theo hướng dẫn trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng. Người làm nông cần lưu ý, để phun thuốc hóa học đạt được hiệu quả cao cần phun khi cây đang phát triển mạnh trước khi ra bông

Rêu và cỏ dại là một loại dịch bệnh tiềm tàng, không gây hại trực tiếp theo kiểu “tiêu diệt” tận gốc đến cây trồng. Tuy nhiên, chúng lại là “kẻ thù” giấu mặt làm giảm năng suất cây trồng cũng như sự sinh trưởng của lớp kế cận. Vì vậy, người sản xuất nông nghiệp cần phải có những biện pháp phù hợp, thích ứng nhanh để diệt trừ những tác nhân gây hại này, nhằm tránh cho những mùa vụ không được bội thu.
ĐĂNG LỘ