Kiến thức cơ bản chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em

03:10, 16/10/2011

Chiến lược dự phòng để trẻ không bị suy dinh dưỡng (SDD) đóng vai trò chủ đạo bên cạnh việc điều trị và phục hồi những trẻ đã bị SDD nặng. Vấn đề cơ bản là phải chăm sóc thật tốt bà mẹ có thai về mặt y tế, dinh dưỡng, tâm lý để người mẹ sinh ra đứa trẻ khỏe mạnh.

Chiến lược dự phòng để trẻ không bị suy dinh dưỡng (SDD) đóng vai trò chủ đạo bên cạnh việc điều trị và phục hồi những trẻ đã bị SDD nặng. Vấn đề cơ bản là phải chăm sóc thật tốt bà mẹ có thai về mặt y tế, dinh dưỡng, tâm lý để người mẹ sinh ra đứa trẻ khỏe mạnh. Trẻ em cần được chăm sóc tốt ngay từ lúc lọt lòng để không bị SDD.

SDD trẻ em là một hội chứng thường do thiếu nhiều chất dinh dưỡng chứ không chỉ là thiếu Protein – năng lượng đơn thuần. Vì vậy, phòng chống SDD phải đi liền với việc phòng chống thiếu các vi chất dinh dưỡng. Biểu hiện SDD là sự chậm lớn, chậm tăng trưởng chủ yếu là do yếu tố nuôi dưỡng, bệnh tật hơn là do nguyên nhân di truyền. Thời kỳ trong bào thai cho đến 2 tuổi là thời kỳ nguy cơ cao nhất và quan trọng nhất của SDD, do đó các biện pháp giảm tỉ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân và chăm sóc trong 2 năm đầu tiên có ý nghĩa then chốt.
 
Bữa ăn trưa của học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm Đà Lạt
Bữa ăn trưa của học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm Đà Lạt


Chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho phụ nữ có thai: Cần khám thai đầy đủ, ít nhất 3 lần (3 tháng 1 lần), tiêm phòng đủ 2 mũi uốn ván. Trong thai kỳ bà mẹ tăng khoảng 10-12 kg, bởi vậy cần tăng cường chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi tốt hơn. Bà mẹ nên ăn nhiều hơn bình thường, ưu tiên các thức ăn giàu chất dinh dưỡng, bớt ăn quá mặn, không dùng chất kích thích: rượu, cà phê, các loại gia vị. Uống viên sắt đều đặn, đúng liều. Bà mẹ không tùy tiện sử dụng thuốc, nhất là kháng sinh có thể gây hại cho trẻ, phải theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nuôi con bằng sữa mẹ: Sữa mẹ là thức ăn, nước uống tốt nhất, có đủ chất dinh dưỡng cần thiết giúp trẻ chóng lớn, có các chất kháng khuẩn tăng miễn dịch giúp trẻ ít mắc bệnh. Bà mẹ cho trẻ bú sớm ngay trong vòng 30 phút đầu sau sinh để giúp tiết sữa sớm, sữa non sẽ giúp trẻ phòng bệnh. Cho trẻ bú càng nhiều lần càng tốt, kể cả vào ban đêm, hoàn toàn trong 4 tháng đầu mà không cần phải ăn thêm thức ăn, đồ uống nào khác. Khi trẻ bệnh, đặc biệt khi trẻ bị tiêu chảy vẫn tiếp tục cho trẻ bú và cho bú nhiều lần hơn bình thường. Không cai sữa trẻ trước 12 tháng, nên cho trẻ bú kéo dài đến 18-24 tháng để phòng chống SDD. Để có đủ sữa cho con, người mẹ cần phải ăn nhiều hơn bình thường (ăn cho 2 người). Người mẹ cần uống đủ nước, sau mỗi lần cho trẻ bú người mẹ uống thêm một cốc nước lọc hoặc sữa, nước ép hoa quả. Trong thời gian nuôi con nhỏ, người mẹ cần được ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi, tinh thần thoải mái.

Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý: Nên bắt đầu cho trẻ ăn từ tháng thứ 5, thức ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều. Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi. Mỗi bữa ăn của trẻ đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng  (bột, rau, thịt hoặc cá, dầu ăn hoặc mỡ…) và tiếp tục cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt. Chú ý tăng thêm mỡ hoặc dầu ăn vào bát bột, cháo của trẻ. Một số sai lầm cần tránh khi cho trẻ ăn bổ sung như: Không cho trẻ ăn phần cái thịt, chỉ cho trẻ ăn nước vì sợ trẻ bị hóc, nghẹn; không cho trẻ ăn chất đạm khác ngoài thịt, cá như: ăn trứng sợ trẻ đầy bụng, ăn tôm, cua sợ trẻ tiêu chảy và không cho trẻ ăn các loại đậu đỗ; ít sử dụng dầu mỡ trong bữa ăn của trẻ vì cho rằng dầu mỡ khó tiêu hóa, gây tiêu chảy; không cho trẻ ăn các loại rau xanh mà chỉ dùng nước rau luộc, ngay cả các loại củ  cũng chỉ lấy nước hầm để quấy bột cho trẻ. Sai lầm nữa là cho trẻ ăn cơm quá sớm, ăn chung thức ăn với người lớn.

Chăm sóc và nuôi dưỡng khi trẻ bệnh: Bệnh tiêu chảy thường gặp ở trẻ nhỏ vì vậy bà mẹ cần biết cách chăm sóc. Nguyên tắc chung: cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, oresol, nước cháo, súp, nước gạo rang, nước cơm và nước đun sôi để nguội.  Cho trẻ uống khi nào trẻ muốn và tiếp tục cho trẻ uống đến khi hết tiêu chảy. Đối với trẻ bị tiêu chảy kéo dài cần bổ sung ngay 1 liều vitamin A theo quy định. Nuôi dưỡng khi trẻ bị tiêu chảy rất quan trọng để phòng SDD. Khuyến khích dỗ dành trẻ em, cứ 3-4 giờ cho trẻ ăn một lần (khoảng 6 lần trong ngày). Cho trẻ ăn mỗi bữa ít hơn, mềm, lỏng hơn lúc bình thường nhưng số lần nhiều hơn.

Khi trẻ bị viêm đường hô hấp cấp phải giữ ấm cho trẻ, ấm vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè. Làm sạch và thông mũi cho trẻ bằng khăn sạch. Thường xuyên giữ gìn vệ sinh răng miệng, mắt cho trẻ. Chỉ dùng kháng sinh cho trẻ khi có chỉ định của bác sĩ. Khi trẻ có một trong các dấu hiệu: thở nhanh, thở khó, sốt cao, bú kém, không uống được hoặc trẻ mệt hơn cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế.

Phòng chống bệnh giun sán cho trẻ vì bệnh này gây mất chất dinh dưỡng, mất máu và gây hậu quả xấu cho sức khỏe. Chú ý vệ sinh môi trường, ăn chín, uống sôi và tẩy giun theo định kỳ cho trẻ em.

Phòng chống thiếu vitamin A cho trẻ em và bà mẹ. Đối tượng có nguy cơ thiếu vitamin A là trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ em từ 6 - 36 tháng tuổi và bà mẹ cho con bú. Vitamin A giúp trẻ phát triển, chống bệnh nhiễm trùng, bệnh khô mắt, mù lòa, giảm nguy cơ tử vong. Trong các đợt chiến dịch cần đưa trẻ đến các điểm hoặc trạm y tế uống Vitamin A. Bà mẹ sau khi sinh uống 2 viên (chỉ uống 1 lần trong vòng 1 tháng sau sinh) và cải thiện bữa ăn đảm bảo đầy  đủ dưỡng chất.

DIỆU HIỀN