Giải pháp hướng tới không còn người nhiễm mới HIV

05:11, 10/11/2011

Báo Lâm Đồng phỏng vấn Bs Đỗ Công Kim – Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS xung quanh các hoạt động trong lĩnh vực này.

Báo Lâm Đồng phỏng vấn Bs Đỗ Công Kim – Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS xung quanh các hoạt động trong lĩnh vực này.

* PV: Thưa BS, với chủ đề chiến dịch phòng chống AIDS năm nay: “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” các mục tiêu cụ thể của tầm nhìn này?

BS Đỗ Công Kim - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lâm Đồng
BS Đỗ Công Kim - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Lâm Đồng
* BS Đỗ Công Kim: Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã chính thức chọn chủ đề chung cho các chiến dịch phòng chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015 là “Hướng tới mục tiêu ba không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”.

Từ chủ đề chung, các quốc gia tùy theo tình hình dịch HIV/AIDS và thực tế công tác phòng chống HIV/AIDS có thể lựa chọn các ưu tiên khác nhau để hướng tới mục tiêu “Ba không”. Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã phát động Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS từ ngày 10/11 đến ngày 10/12 năm nay đã chọn chủ đề: “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”.

Tầm nhìn “Ba không” cụ thể đó là: Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV nhằm giảm 50% các ca mới nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn vào năm 2015, đặc biệt là trong nhóm thanh niên, người quan hệ tình dục đồng giới nam, người bán dâm; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015 và giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS; giảm 50% các ca mới nhiễm HIV trong nhóm những người tiêm chích ma túy vào năm 2015, tất cả những người mới nghiện ma túy đều được dự phòng lây nhiễm HIV đúng cách. Hướng tới không còn người tử vong do AIDS: Tất cả người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị đều được tiếp cận thuốc kháng vi rút (ARV); giảm 50% các ca tử vong do lao ở những người nhiễm HIV/AIDS vào năm 2015; những người bị nhiễm HIV và gia đình của họ đều được quan tâm đề cập trong các chiến lược quốc gia về bảo vệ con người và có thể tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ thiết yếu. Hướng tới không còn kỳ thị và phân biệt đối xử: Đến năm 2015 làm giảm 50% số quốc gia có quy định cấm những người nhiễm HIV nhập cảnh và cư trú; không còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành giới liên quan đến HIV/AIDS.

* PV: Thực tế tình hình lây nhiễm HIV/AIDS tại Lâm Đồng và giải pháp để không còn người nhiễm HIV mới?

* BS Đỗ Công Kim: Tại Lâm Đồng, tính đến hết ngày 30/9/2011, toàn tỉnh đã phát hiện 1.779 người nhiễm HIV. Trong đó, có 405 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 261 người tử vong vì AIDS. Số người nhiễm HIV/AIDS xuất hiện tại 12/12 huyện, thành phố trong tỉnh. Trong đó, các địa phương có số người nhiễm cao là: Đà Lạt: 348 trường hợp, Lâm Hà: 259 trường hợp, Đức Trọng: 183 trường hợp, Bảo Lộc: 136 trường hợp… Qua kết quả của giám sát trọng điểm năm 2011 thì số người nhiễm HIV/AIDS vẫn tập trung vào các đối tượng có hành vi nguy cơ cao như: tiêm chích ma túy,  hoạt động mại dâm và đang có xu hướng lan ra cộng đồng.

Để không còn người nhiễm HIV mới trong thời gian tới, chúng ta phải triển khai toàn diện, đồng bộ các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong toàn tỉnh như: Tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi nhằm nâng cao kiến thức của người dân về phòng, chống HIV/AIDS để họ tự biết cách phòng chống lây nhiễm. Triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại đối với các đối tượng có hành vi nguy cơ cao để giảm thiểu sự lây nhiễm ra cộng đồng và huy động mọi người cùng tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó chú trọng các biện pháp chuyên môn như: Cung cấp các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện, chăm sóc và điều trị; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; giám sát phát hiện và giám sát trọng điểm… để các hoạt động ngày càng đạt kết quả cao và bền vững, kiểm soát sự lây nhiễm HIV một cách tốt nhất.

* PV: Được biết, Lâm Đồng đang triển khai Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS, xin BS cho biết các hành động phòng chống thiết thực?

* BS Đỗ Công Kim: Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đã triển khai các hoạt động thiết thực như: Truyền thông phổ biến Luật Phòng chống HIV/AIDS và các văn bản quy phạm pháp luật khác, đặc biệt chú trọng truyền thông về các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV. Truyền thông trực tiếp như nói chuyện sức khỏe với cá nhân, các cuộc thảo luận nhóm, thăm gia đình người nhiễm HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao. Tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và giảm sự kỳ thị đối với HIV/AIDS trong cộng đồng.

Giới thiệu rộng rãi và chi tiết các điểm tiếp cận, điều trị nhiễm trùng cơ hội và thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS để người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận. Mở  các điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV tại 65 xã, phường, thị trấn trọng điểm như: bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho các đối tượng có nhu cầu, trong đó tập trung vào các nhóm có hành vi nguy cơ cao, nhóm người di biến động.

Tổ chức các hoạt động có sự tham gia của người nhiễm HIV/AIDS và gia đình, nhân rộng các mô hình phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả như: CLB phòng chống HIV/AIDS, nhóm giáo dục đồng đẳng tại các địa phương. Thăm hỏi động viên các cơ sở chăm sóc, hỗ trợ và điều trị bệnh nhân AIDS, các CLB phòng chống HIV/AIDS và cá nhân, gia đình bệnh nhân AIDS, giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng. Mở các hội nghị chuyên đề để nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng chống HIV/AIDS theo chức năng, nhiệm vụ đặc thù. Triển khai giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS của các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương, đơn vị.

PV: Cám ơn BS!

DIỆU HIỀN (Thực hiện)