Kiên quyết giải tỏa tận gốc “điểm nóng” phá rừng

04:11, 22/11/2011

Tình hình phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại tiểu khu 543 huyện Đạ Tẻh trở nên phức tạp, UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng công an tỉnh phải “vào cuộc”.

Những ngày gần đây, tình hình phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại tiểu khu 543 xã Quảng Trị và Buôn Tôn KLong, xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh trở nên phức tạp, “nóng bỏng”, khiến UBND tỉnh phải chỉ đạo lực lượng công an tỉnh “vào cuộc”. Nếu tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại đây không được kịp thời giải tỏa, thì không những rừng bị mất trắng, mà tình hình ANCT-TTATX còn trở nên phức tạp, khó kiểm soát.
 
Xe máy vận chuyển lâm sản trái phép bị tịch thu tại Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh
Xe máy vận chuyển lâm sản trái phép bị tịch thu tại Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh

Tiểu khu 543 là vùng giáp ranh giữa Lộc Tân, huyện Bảo Lâm với xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh, lại giáp ranh với Buôn Tôn KLong, xã Đạ Pal là địa bàn sinh sống chủ yếu của bà con dân tộc thiểu số bản địa, có trình độ nhận thức và đời sống còn nhiều hạn chế, khó khăn. Trong lúc đó, rừng ở đây vẫn còn “đông đặc”, đất đai, khí hậu phù hợp với cây công nghiệp, nhất là cây cà phê. Lợi dụng điều đó, một số “đầu nậu” người Kinh xúi giục bà con DTTS bản địa và lôi kéo đồng bào DTTS Tày - Nùng di cư tự do từ xã Lộc Tân sang, vào rừng lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản vừa để lấy đất lập vườn cà phê, vừa để lấy gỗ mang ra ngoài tiêu thụ.

Thủ đoạn của “lâm tặc” là lợi dụng những thời điểm các cơ quan nhà nước nghỉ làm việc, lúc trời mưa, đêm hôm… tập hợp lực lượng vài chục tên “đột nhập” vào sâu giữa những cánh rừng chặt hạ cây nhỏ, cây lớn thì chặt 2/3 gốc, rồi đợi lúc gió to cây tự ngã đổ, dùng cưa máy cắt thành từng khúc gỗ, dùng xe máy quấn xích vận chuyển tập kết ra bìa rừng giấu, đợi “đầu nậu” vào thu mua vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Bằng phương thức khai thác “rỗng ruột” rừng nói trên, lực lượng kiểm lâm rất khó phát hiện; bởi khi đi tuần tra, bên ngoài vẫn thấy rừng, nhưng khi vào bên trong thì rừng đã bị “rỗng ruột”, cây rừng đã bị khai thác hết, thay vào đó là đất vườn đang được dọn đốt để đào hố xuống cà phê.

Điều đáng nói là, khi phát hiện tình hình phá rừng, khai thác rừng nghiêm trọng như đã nói, lực lượng kiểm lâm huyện Đạ Tẻh vào giải tỏa thì gặp vô vàn khó khăn do vị trí nằm quá xa, đường đi trắc trở, vào mùa mưa không thể đi từ trung tâm xã Quảng Trị vào được, mà phải đi ngược lên hướng Đạm Ri-Lộc Tân mới vào được. Nhiều chuyến đi phải mất cả ngày trời, trong lúc các đối tượng phá rừng có sự phân công hẳn hoi, có bộ phận trực tiếp phá rừng, có bộ phận canh chừng và đều sử dụng phương tiện thông tin hiện đại để thông báo cho nhau khi “có động”, thành thử việc giải tỏa, truy bắt đối tượng vô cùng gian nan.

Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin việc phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép xảy ra nghiêm trọng tại tiểu khu 543 xã Quảng Trị và Buôn Tôn KLong, Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Tẻh đã chủ động tổ chức 15 đợt truy quét. Qua truy quét, phát hiện diện tích rừng bị phá lên đến 132 ha, trong đó diện tích rừng bị phát trắng 32 ha, diện tích rừng bị “rỗng ruột” 100 ha, lực lượng kiểm lâm đã tiến hành lập biên bản vi phạm 19 vụ, lập hồ sơ truy tố hình sự 2 vụ, 3 đối tượng, tạm giữ 6 xe ô tô, 22 xe máy, 7 cưa máy và hàng chục dao phát, búa, rìu, phương tiện hành nghề trái phép….

Tuy đã đẩy được các đối tượng “lâm tặc” ra khỏi rừng, nhưng tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép có thể tái diễn bất cứ lúc nào, bởi các “đầu nậu” vẫn còn và giá đất rừng, lâm sản cao đang là “sức hút” mạnh khiến các đối tượng này bất chấp pháp luật vì lợi ích cục bộ trước mắt. Vì vậy, UBND huyện Đạ Tẻh đã thành lập tổ công tác đặc biệt 10 người gồm Hạt Kiểm lâm, Công an, Huyện đội, Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đạ Tẻh “cắm chốt” 24/24 giờ tại tiểu khu 543 xã Quảng Trị, nhằm tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, phát hiện, xử lý tình trạng phá rừng tại tiểu khu 543 xã Quảng Trị và khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại buôn Tôn KLong, xã Đạ Pal.

Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo công an tỉnh “vào cuộc”, điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng xúi giục, kích động phá rừng và các đối tượng trực tiếp tham gia phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại “điểm nóng” tiểu khu 543, xã Quảng Trị, buôn Tôn KLong, xã Đạ Pal.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Làn-Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đạ Tẻh, thì đây chỉ mới là biện pháp xử lý “phần ngọn”, bởi không thể duy trì đội công tác đặc biệt này vĩnh viễn được, nên biện pháp giải quyết tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại tiểu khu 543, xã Quảng Trị và buôn Tôn KLong, xã Đạ Pal “tận gốc” là chính quyền địa phương các xã Quảng Trị, Đạ Pal và ngay cả xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm cần chỉ đạo các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể phối hợp với ngành lâm nghiệp tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS hiểu rõ tác hại của việc phá rừng để không vì hám lợi trước mắt nghe sự xúi giục, lôi kéo của các “đậu nậu” tham gia phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Bảo vệ rừng là chính bảo vệ sự an toàn, phát triển cuộc sống nên là nhiệm vụ chung của cả xã hội, rất cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và mọi người dân. Vì vậy, rất cần có sự kết hợp giữa kiên quyết xử lý vi phạm theo pháp luật với sự tuyên truyền, vận động, thuyết phục của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội.
HOÀNG KIẾN GIANG