Sàng lọc máu để bảo đảm an toàn truyền máu

04:11, 08/11/2011

Công tác an toàn truyền máu đã được xây dựng thành một dự án thành phần độc lập trong Chương trình mục tiêu quốc gia y tế theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011.

Công tác an toàn truyền máu đã được xây dựng thành một dự án thành phần độc lập trong Chương trình mục tiêu quốc gia y tế theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011.
 
Khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa huyện Đam Rông
Khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa huyện Đam Rông

Ở nước ta, việc sàng lọc các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu được bắt đầu thực hiện từ năm 1973 với những kỹ thuật đơn giản. Năm 1993 “Điều lệnh truyền máu” quy định tất cả các đơn vị máu tiếp nhận trên toàn quốc bắt buộc phải sàng lọc 5 loại bệnh: viêm gan B, viêm gan C, nhiễm HIV, giang mai và sốt rét. Với tầm quan trọng và cần thiết của việc sàng lọc máu để loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể gây nên sự lây nhiễm các bệnh nguy hiểm qua đường truyền máu, trong “Quy chế truyền máu” đã được Bộ Y tế ban hành vào năm 2007 quy định các đơn vị máu sử dụng bắt buộc phải thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc tối thiểu 5 loại mầm bệnh là HIV, viêm gan B, viêm gan C, giang mai và sốt rét; đồng thời cũng quy định các yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc.

Hiện nay cả nước có 4 Trung tâm truyền máu lớn ở Huế, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, nhưng nhìn tổng quan ghi nhận hệ thống truyền máu trên toàn quốc còn nhiều phân tán. Nhận thức của cộng đồng về hiến máu tình nguyện tuy đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng máu của người bệnh. Theo thống kê có khoảng 25% nguồn máu vẫn còn tiếp nhận từ những người bán máu chuyên nghiệp. Tình trạng thiếu máu cho việc điều trị vẫn đang còn là vấn đề bức xúc ở các bệnh viện trong toàn quốc.

Hệ thống trang thiết bị phục vụ cho kỹ thuật sàng lọc máu ở các cơ sở y tế không được đồng bộ và hiện đại. Ngoài ra cũng thiếu các hướng dẫn quy định chung cho công tác truyền máu. Kỹ thuật và sinh phẩm sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường máu còn có khoảng cửa sổ kéo dài. Vấn đề an toàn truyền máu còn đang bị đe dọa do tình hình nhiễm HIV ngày càng có xu hướng gia tăng. Việc lây nhiễm HIV, viêm gan C, viêm gan B đã xuất hiện ở một số địa phương do truyền máu, trong đó có cả đối tượng trẻ em. Qua khảo sát thực tế ghi nhận có khoảng 15% các bệnh viện huyện không thực hiện việc sàng lọc nhiễm HIV, viêm gan C, viêm gan B trong thực hành kỹ thuật lấy máu thường quy. Đây là một nguy cơ lớn đang đe dọa sức khỏe của cộng đồng người dân vì tỷ lệ gây bệnh ung thư gan, xơ gan do viêm gan C, viêm gan B ngày càng cao.

Nước ta nằm trong khu vực có bệnh viêm gan B cao nhất thế giới, chiếm tỷ lệ khoảng từ 13% đến 15%; bệnh viêm gan C cũng chiếm tỷ lệ khoảng từ 3% đến 5%; đặc biệt tình hình nhiễm HIV ngày càng gia tăng và có mặt hầu hết ở tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; tình hình bệnh sốt rét cũng đang có xu hướng và nguy cơ quay trở lại... Thực trạng hiện nay tại một số tỉnh không nằm trong vùng bao phủ hoạt động của các trung tâm truyền máu nhưng do có nhu cầu sử dụng máu đã tiến hành lấy máu của người nhà, hoặc của người bán máu và chỉ sàng lọc túi máu bằng các test nhanh, thậm chí có cơ sở chỉ làm xét nghiệm HbsAg, anti-HIV; không làm anti-HCV, giang mai...

Về sinh phẩm xét nghiệm chẩn đoán, trước đây các ngân hàng máu và những phòng xét nghiệm chỉ sử dụng sinh phẩm phát hiện kháng thể nên bị giai đoạn cửa sổ kéo dài. Ngày nay với sự phát triển của khoa học và công nghệ sinh phẩm, những sinh phẩm phát hiện cả kháng nguyên và kháng thể ra đời nên đã giúp giai đoạn cửa sổ được rút ngắn. Vì vậy việc lựa chọn sinh phẩm cũng là một vấn đề quan trọng trong việc sàng lọc các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu.
AN NHIÊN