Thay đổi cơ cấu việc làm cho lao động nữ

03:11, 03/11/2011

Sở Lao động - Thương binh & Xã hội chuẩn bị tiến hành khảo sát, lập danh mục các nghề cần đào tạo cho lao động nữ phù hợp với thị trường lao động để triển khai trong những năm tới.

Sở Lao động - Thương binh & Xã hội chuẩn bị tiến hành khảo sát, lập danh mục các nghề cần đào tạo cho lao động nữ phù hợp với thị trường lao động để triển khai trong những năm tới.
 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Phụ nữ chiếm 47,5% lực lượng lao động của Lâm Đồng và tham gia vào tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp. Các số liệu từ kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 cho thấy: Lao động nữ có ưu thế rõ rệt trong nhiều nghề như giáo dục - đào tạo (chiếm 73,7% ), y tế (chiếm 64,1%) và đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khi làm việc nhiều hơn so với nam giới trong các ngành phi nông nghiệp. Đặc biệt, trong các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 69,4%), công nghiệp chế biến (55,9%), tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (53,9%)... Lao động nữ cũng chiếm tỉ lệ cao hơn nam giới trong khu vực nhà nước (50,9%), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (67,8%). Chị em chiếm giữ nhiều vị trí nghề nghiệp có thu nhập cao như: chuyên môn kỹ thuật bậc cao (chiếm 53,8% lao động làm việc), bậc trung (59,1%). Gần 1/4 các nhà lãnh đạo trong các cơ quan, doanh nghiệp ở tỉnh là nữ. Lĩnh vực nông nghiệp có 66,6% lao động nữ, thấp hơn so với nam giới 68,4%.    

Tuy nhiên, cũng còn đến 42,2% lao động nữ làm các công việc giản đơn, thu nhập thấp (cao hơn nam giới 38,1% ). Tỉ lệ lao động nữ có bằng cấp từ sơ cấp đến cao đẳng, đại học mới chiếm 10,7%, thấp hơn so với nam giới 12,5%, Chỉ có 20% lao động nữ ở thành thị có bằng cấp, còn ở nông thôn số lao động nữ có bằng cấp là 5,5%. Số lao động nữ thất nghiệp cũng luôn cao hơn nam giới, đặc biệt ở nhóm tuổi dưới 40. Trong năm 2010, tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các lớp dạy nghề ở tỉnh có gần 75.000 sinh viên, học viên, trong đó nữ chiếm 68,6% , riêng hệ dạy nghề có đến 81,2% sinh viên, học viên là nữ. Vấn đề đào tạo nghề gắn việc làm phù hợp ngay tại địa phương có tác động nâng vị thế phụ nữ trên thị trường lao động, thúc đẩy bình đẳng giới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt, nhằm giảm nghèo bền vững ở các vùng nông thôn, vùng đồng dân tộc, hỗ trợ nâng thu nhập, hòa nhập xã hội cho chị em phụ nữ nghèo, khuyết tật, trình độ văn hóa thấp.

Nhiều năm qua, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Lâm Đồng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai nhiều chính sách nhằm tăng cơ hội việc làm cho người lao động của tỉnh, trong đó có chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 và 2011 - 2015 về dạy nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ. Các hoạt động trọng tâm là tuyên truyền giới thiệu chính sách, lấy địa bàn cấp huyện để phối hợp triển khai các lớp dạy nghề, ưu tiên các nguồn vốn vay ưu đãi… phù hợp với chủ trương của tỉnh về phân cấp ngân sách các chương trình mục tiêu cho cấp huyện. Sở LĐ-TB&XH giao nhiệm vụ cho các đơn vị dạy nghề tổ chức các lớp dạy nghề lưu động tại các xã, vận động các doanh nghiệp tham gia các Phiên giao dịch việc làm tổ chức định kỳ tại các huyện, triển khai tư vấn xuất khẩu lao động ngay tại các xã, thôn khi có yêu cầu của địa phương nhằm mở rộng cơ hội học nghề, tiếp cận các nguồn việc làm mới cho chị em phụ nữ nông thôn, dân tộc.

Đến nay, các cấp hội Phụ nữ được Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh ủy thác cho vay 43,8% nguồn vốn của mình, giúp cho gần 44.000 gia đình hội viên có vốn làm ăn hoặc cho con đi học, cải tạo giếng nước, nhà vệ sinh, làm nhà ở. Giai đoạn năm 2006 - 2010, có 65.600 phụ nữ học nghề tại các xã, các doanh nghiệp, tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề, các trung tâm, cơ sở dạy nghề của tỉnh, chiếm 71,2% số người đi học nghề. Trong đó, phần lớn học viên được hỗ trợ học phí, một số được hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học nghề theo các chính sách của trung ương, của tỉnh và của doanh nghiệp. Chị em học nghề nông nghiệp đều áp dụng được kiến thức, kỹ năng vào sản xuất, góp phần nâng chất lượng nông sản, tiết kiệm chi phí sản xuất. Hơn 75% chị em học nghề tiểu thủ công nghiệp có thu nhập tăng thêm. Nhiều mô hình dạy nghề có hiệu quả như dạy nghề trồng và chăm sóc cây mác mác; trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cà phê ở huyện Lâm Hà đã góp phần nâng chất lượng cây trồng, phòng chống dịch bệnh, giúp cải tạo vườn cây, tiết kiệm chi phí sản xuất. Cơ sở tranh thêu Hải Yến (Bảo Lộc), Hợp tác xã Hữu Hòa (Đà Lạt) dạy nghề thêu tay, dệt len đã góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho trên 300 lao động nữ chưa tốt nghiệp trung học cơ sở có việc làm và thu nhập ổn định. Hàng ngàn chị em phụ nữ, người tàn tật ở địa phương sau khi học nghề đan mây tre, thêu, móc áo len, mũ len,… đã nhận hàng gia công cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có thu nhập mỗi ngày từ 30.000 - 80.000 đồng. Trong xuất khẩu lao động, các thị trường lao động ngoài nước có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga đã tuyển ngày càng nhiều hơn nữ thanh niên của tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm 2011 đã có 100 lao động nữ sang làm việc ở bốn nước này.

Theo Sở LĐ-TBXH để tăng cơ hội cho phụ nữ trong tiếp cận thị trường lao động, góp phần tăng thu nhập, bảo đảm việc làm bền vững, trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với Hội Phụ nữ đẩy mạnh thực hiện chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ. Hướng đến mục tiêu: Đảm bảo tăng thu nhập cho chị em sau học nghề, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động trong lao động nữ; giảm dần lao động giản đơn, đặc biệt trong lao động làm nông nghiệp. Trước mắt, Sở Lao động TB&XH sẽ phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh đánh giá kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn trong 2 năm gần đây, trong đó có lao động nữ đã theo học tại các lớp dạy nghề tổ chức tại các xã. Tiến hành khảo sát, lập danh mục các nghề cần đào tạo cho lao động nữ phù hợp với thị trường lao động để triển khai trong những năm tới.
 
DIỆU HIỀN