Vì sao dân chưa chịu vào chợ?

03:11, 01/11/2011

Chợ thị trấn Lạc Dương đã chính thức đi vào hoạt động được gần 3 tháng nhưng đến nay nhiều hộ kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản… vẫn chưa chịu vào chợ buôn bán. Nguyên nhân vì đâu?

Chợ thị trấn Lạc Dương đã chính thức đi vào hoạt động được gần 3 tháng nhưng đến nay nhiều hộ kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản… vẫn chưa chịu vào chợ buôn bán. Nguyên nhân vì đâu?

Ngày 17/7/2011, chợ thị trấn Lạc Dương chính thức đi vào hoạt động, đây được coi là một sự kiện quan trọng của huyện, bởi lẽ nó chính là chợ đầu tiên của Lạc Dương sau 32 năm thành lập huyện. Chợ được xây dựng khang trang trên tổng diện tích rộng 1ha gần với trung tâm hành chính huyện Lạc Dương, có quy mô 80 quầy và 5 kiốt. Ngay khi đưa vào sử dụng số quầy và kiốt ở chợ đã được người dân địa phương đăng ký thuê để bán hàng với giá mỗi tháng là 300.000đ (chưa kể tiền điện, nước). Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 8 quầy đã được thuê nhưng không có người đến buôn bán.
 
Chợ Lạc Dương được xây dững khang trang nhưng không có người buôn bán.
Chợ Lạc Dương được xây dựng khang trang.

Theo phản ánh của nhiều tiểu thương đang buôn bán tại chợ thị trấn Lạc Dương, lượng người tới chợ mua bán hằng ngày chỉ “lai rai”. Nguyên nhân là do người dân sống chung quanh khu vực chợ như thị trấn Lạc Dương, xã Lát chủ yếu là hoạt động nông nghiệp, đi làm cả ngày chỉ chiều tối mới trở về nhà nên thời gian đi chợ của họ cũng chỉ trong “chớp nhoáng”. Bên cạnh đó, trên đường đi làm về nhà họ thường ghé qua những hàng quán người quen hai bên đường LangBiang để mua cho thuận tiện chứ ít khi vào chợ. Do đó, từ khi khai trương chợ thị trấn Lạc Dương đến nay khung cảnh mua bán tại chợ vẫn rất đìu hiu chứ không nhộn nhịp như trước đó người ta vẫn tưởng.

Ngày 13/9/2011, UBND huyện Lạc Dương đã phải ra quyết định số 1351/QĐ-UBND về việc quy định quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh, buôn bán trên địa bàn thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương. Theo đó, đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đăng ký kinh doanh, buôn bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm, các sản phẩm hải sản tươi sống… bắt buộc phải đăng ký kinh doanh tại chợ thị trấn Lạc Dương. Nghiêm cấm việc kinh doanh, buôn bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống, những mặt hàng có chất thải rắn, lỏng khí gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng tới sức khỏe con người tại tất cả các tuyến đường trên địa bàn thị trấn Lạc Dương, đặc biệt là đường LangBiang.

Tuy nhiên, sau khi quyết định trên của UBND huyện Lạc Dương được thực thi liền bị những người buôn bán thịt và các loại hải sản tươi sống tại thị trấn Lạc Dương phản ứng quyết liệt bằng cách kiên quyết không chịu vào chợ. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, một người bán thịt heo tại nhà cho hay gia đình bà bán thịt heo đã chục năm nay, chỗ bán thỏa mái, rộng rãi, đảm bảo vệ sinh lại có chỗ cho xe đậu nên gia đình bà không muốn vào chợ. Hộ bà Phạm Thị Liên cho biết: “Các con đều còn nhỏ tất cả lại đi học trên Đà Lạt nên bán hàng ở nhà tôi còn xoay xở nấu cơm canh đem lên Đà Lạt cho con ăn chứ vào chợ thì ai lo cơm nước cho chúng nó, ai đưa cơm lên Đà Lạt cho nó ăn?. Tôi cũng đã đem thịt vào trong chợ bán nhưng không thể bán được vì chợ rất ít người”. Gia đình ông Lê Viết Hào cũng không chịu vào chợ vì ông cho rằng: “Mặt bằng gia đình tôi rất tốt, rộng rãi, sạch sẽ, bây giờ vào chợ buôn bán thì mặt bằng của gia đình chẳng lẽ lại để không, như vậy thì hoang phí. Để suất của tôi trong chợ cho những người khác không có mặt bằng để kinh doanh như vậy sẽ tạo được công ăn việc làm thêm cho người dân”.

Thiết nghĩ, những điểm buôn bán các loại thực phẩm (nói chung), đặc biệt là thực phẩm tươi sống tại nhà các gia đình hai bên đường LangBiang nếu gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm lòng, lề đường, gây cản trở giao thông thì nhất quyết phải di dời đến chợ thị trấn Lạc Dương như Quyết định số 1351 của UBND huyện Lạc Dương đã ban hành là thấu tình, đạt lý. Tuy nhiên, những gia đình có mặt bằng thoáng mát, rộng rãi, không lấn chiếm lòng lề đường, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh, buôn bán thì các cơ quan chức năng địa phương cũng cần xem xét, đưa ra hình thức giải quyết hợp lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.

NGÔ KHẮC LỊCH