Vì sao mất rừng?

03:11, 27/11/2011

Số liệu tổng hợp của Sở NN-PTNT thì từ năm 2008 tới tháng 6/2011, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2.502 vụ phá rừng trái phép với diện tích rừng bị xâm hại 1.193,4 ha.

Số liệu tổng hợp của Sở NN-PTNT thì từ năm 2008 tới tháng 6/2011, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2.502 vụ phá rừng trái phép với diện tích rừng bị xâm hại 1.193,4 ha. Cũng trong thời gian này, có 295,2 ha rừng được chuyển đổi mục đích sử dụng, chủ yếu là để khai hoang cấp cho các hộ dân tộc thiểu số (DTTS) đang thiếu đất canh tác và để phục vụ thi công các công trình xây dựng cơ bản, trong đó có thủy điện nhỏ.
 
Ảnh minh họa. Ảnh Thanh Toàn
Ảnh minh họa. Ảnh Thanh Toàn

Theo Sở NN-PTNT thì nguyên nhân để mất rừng và xâm hại tài nguyên rừng bao gồm: Nhu cầu sử dụng đất để ở và sản xuất nông nghiệp gia tăng do tăng dân số (trong đó có tình trạng dân di cư tự do), giá trị nhiều loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, chè, điều tăng nhanh và tương đối ổn định cũng tác động lớn tới việc nhân dân phá rừng lấy đất canh tác; một số chủ dự án được chấp thuận đầu tư trên rừng và đất rừng chậm triển khai và không làm tốt công tác bảo vệ rừng… để rừng bị lấn chiếm và khai thác lâm sản trái phép rất nghiêm trọng, xử lý các vi phạm về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng thiếu cương quyết và chưa dứt điểm dẫn tới việc một bôï phận dân cư có ý thức coi thường kỷ cương phép nước.

Minh chứng cho những kết luận này là: Tính tới ngày 30/5/2011 đã có 493 dự án giao và cho thuê đất lâm nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư trên diện tích 91.771 ha đất rừng và rừng nghèo kiệt, nhưng chỉ mới có 279 dự án - 44.975 ha được triển khai trồng rừng và trồng cao su hoặc sản xuất nông - lâm kết hợp, 147 dự án - 27.246 ha chưa triển khai. Trong 205 dự án trình hồ sơ xin thuê rừng để sản xuất - kinh doanh trên diện tích 17.640 ha rừng cũng chỉ mới có 156 dự án nộp tiền thuê rừng, 91 dự án không phải lập thủ tục thuê rừng và 122 dự án chưa lập hồ sơ trình UBND tỉnh. Tình trạng này đã đưa tới việc trên diện tích rừng các dự án được giao và thuê đã có 342 ha bị phá và lấn chiếm trái phép, trong đó có những vụ điển hình như tại Công ty Cao su Bảo Lâm 189 ha, Công ty TNHH Lâm Thành 18 ha (dự án này đã bị UBND tỉnh chỉ đạo thu hồi) Công ty cổ phần Hà Phong - Bảo Lâm 7,6 ha… Và tới nay, UBND tỉnh đã phải thu hồi 47 dự án với diện tích 5.605 ha do “Không thực hiện dự án theo đúng thời gian quy định, do sang nhượng trái phép và vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng và quản lý sử dụng đất…”. Như vậy, 342/1.193, 4 ha rừng bị mất trong thời gian từ năm 2008 tới nay là rừng đã giao cho các doanh nghiệp triển khai dự án và thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ.

Chậm trồng lại rừng sau khi khai thác tận thu lâm sản cũng là nguyên nhân dẫn tới mất rừng. Qua thống kê của Sở NN-PTNT, trong 493 dự án đầu tư liên quan tới rừng, có 23.900 ha được các doanh nghiệp (dự án) đăng ký trồng lại rừng sau tận thu lâm sản (trong đó trồng trên diện tích đất trống và cải tạo rừng nghèo kiệt 15.173 ha, trồng cao su trên diện tích tận dụng lâm sản để khai hoang giải phóng mặt bằng 8.728 ha). Tuy nhiên, tới nay, chỉ mới có 8.773,2 ha rừng được trồng lại, trong đó có 3.499 ha được trồng cao su; 28 doanh nghiệp chưa thực hiện trồng rừng kinh tế theo phương án cải tạo rừng nghèo kiệt, và 19 doanh nghiệp cũng chưa triển khai trồng cao su theo hồ sơ dự án đầu tư.

Điều đáng nói là ngoài việc chậm trồng lại rừng sau khi tận thu lâm sản, nhiều doanh nghiệp còn có biểu hiện vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và nghiệm thu lâm sản trên diện tích rừng được giao và cho thuê để triển khai dự án, mà tiêu biểu là các doanh nghiệp như Công ty TNHH Dương Hiếu đã khai thác vận chuyển và tập trung gỗ ngoài khu khai thác, Công ty TNHH Đình Thuận, Công ty TNHH Toàn Xá, Công ty cổ phần Cao su Đạ Tẻh… khai thác vượt khối lượng gỗ cho phép… cũng đang làm mất rừng và tài nguyên rừng.

Thực tế cho thấy, cùng với việc người dân phá rừng trái phép để lấy đất sản xuất nông nghiệp, thì việc các doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê hoặc giao đất rừng nghèo kiệt và đất rừng không làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và có hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đang là nguyên nhân chính dẫn tới mất rừng.
 
ĐỨC HƯNG