Cần giải quyết thấu tình đạt lý

03:11, 24/11/2011

Nhà số 20 trước đây là 1/25 căn nhà phố nằm trên đường Tăng Bạt Hổ, Trương Công Định thuộc tài sản của vợ chồng ông bà Bùi Duy Chước - Nguyễn Thị Tư tạo lập vào những năm đầu của thập niên 30 thế kỷ trước.

Bà Hồ Thị Thanh Thủy (chủ nhà số 20 Trương Công Định, P1, TP Đà Lạt), cho biết trong suốt gần 10 năm qua, gia đình bà liên tục có đơn gửi UBND TP Đà Lạt và các cơ quan hữu quan khiếu nại về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất (GCNQSHNĐ) chưa đúng với hiện trạng, nhưng gia đình vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Đồng thời, bà cũng có đơn tố cáo gia đình ông Nguyễn Quang Toản, khi xây nhà đã trổ cửa trái phép chiếm dụng lối đi, gây phiền nhiễu cho gia đình, nhưng chính quyền phường 1 và UBND TP Đà Lạt vẫn không giải quyết dứt điểm. Đã vậy, rất khó chấp nhận khi các cơ quan chức năng của thành phố còn trả lời quanh co, và cho rằng nguồn gốc đất nhà số 20 là không rõ ràng, còn việc ông Toản chưa bít cửa thông với con hẻm là do nhà ông thiếu tiền (?!).
 
Hiện trường gia đình ông Toản tháo dỡ nhà cũ đã tự ý phá luôn cửa sắt nhà số 20
Hiện trường gia đình ông Toản tháo dỡ nhà cũ đã tự ý phá luôn cửa sắt nhà số 20

Theo hồ sơ nhà đất, nhà số 20 trước đây là 1/25 căn nhà phố nằm trên đường Tăng Bạt Hổ, Trương Công Định thuộc tài sản của vợ chồng ông bà Bùi Duy Chước - Nguyễn Thị Tư tạo lập vào những năm đầu của thập niên 30 thế kỷ trước. Sau khi ông Chước qua đời, bà Hoàng Thị Tư cùng với người cháu ruột tên là Hồ Tá Ngưu tiếp tục quản lý toàn bộ khối tài sản này cho đến sau ngày đất nước thống nhất. Ngày 27/6/1978, UBND tỉnh có quyết định quản lý 25 căn phố của họ tộc Bùi Duy Chước - Hồ Tá Ngưu do bà Hoàng Thị Tư đồng ý hiến tặng, với tổng diện tích nhà 2.893m2, nhưng vẫn để lại căn gác nhà số 20 cho gia đình ông Hồ Tá Ngưu cư ngụ. Vì mặt tiền của ngôi nhà được Nhà nước quản lý khai thác kinh doanh, gia đình phải “đi nhờ” theo một lối đi nhỏ phía sau thông ra đường Tăng Bạt Hổ (lối đi này cũng nằm trong phần đất do vợ chồng ông bà Bùi Duy Chước - Nguyễn Thị Tư tạo lập trước đó).

Năm 1990, Nhà nước có quyết định trả lại quyền sở hữu nhà số 20 cho vợ chồng ông bà Hồ Tá Ngưu - Hoàng Thị Phú. Sau đó, vợ chồng ông Ngưu bà Phú đã trao quyền thừa kế ngôi nhà trên cho con gái là bà Hồ Thị Thanh Thủy để lập nhà từ đường của họ tộc Bùi. Và cho đến trước ngày 1/10/1998, trong nhiều văn bản giấy tờ liên quan đến nhà, đất số 20 đều thể hiện mặt trước ngôi nhà giáp đường Trương Công Định, sau giáp đường Tăng Bạt Hổ.

Sự việc chỉ bắt đầu vào năm 1998, trong lần đo vẽ để cấp lại GCNQSHNĐ  (theo Nghị định 60/CP) cho hộ gia đình bà Thủy, cán bộ địa chính lại “cắt bớt” phần đất làm lối đi nhà số 20 ra đường Tăng Bạt Hổ. “Việc này chỉ được gia đình phát hiện vào năm 2002. Khi được mời lên nhận sổ, không thấy tên con hẻm trong GCNQSHNĐ, gia đình đã làm đơn gửi Phòng Địa chính xem xét, nhưng không được giải quyết. Và cũng từ đó đến nay, gia đình vẫn tiếp tục khiếu nại chứ chưa nhận được GCNQSHNĐ” - bà Thủy nói. 

Cũng theo bà Thủy, mặc dù con hẻm chưa được công nhận chủ quyền, nhưng vẫn là lối đi riêng của nhà số 20 (điều này được thể hiện ở đầu lối đi giáp đường Tăng Bạt Hổ, từ trước đến nay gia đình bà Thủy vẫn dựng một cửa sắt có ổ khóa nhưng không có hộ dân nào trong khu phố phản đối). Chỉ đến khi, vợ chồng ông Nguyễn Quang Toản - Hồ Thị Thăng Long hóa giá được ngôi nhà 01 Tăng Bạt Hổ (nhà có tường chạy dọc lối đi của nhà số 20; nguồn gốc đất của ngôi nhà này trước đây cũng là của bà Nguyễn Thị Tư hiến tặng cho Nhà nước vào năm 1978), gia đình bà Thủy có cho ông Toản đi nhờ lối đi này. Mọi việc xem như đã rõ. Vậy nhưng, không hiểu sao trong nhiều báo cáo tham mưu cho UBND TP Đà Lạt, các cơ quan chức năng của thành phố đều lại kết luận lối đi trên là “đường hẻm chung”? 

Chính vì kết luận này, sau khi xin được giấy phép sửa chữa nâng cấp nhà, gia đình ông Toản đã làm đơn xin thành phố hóa giá con đường để mở rộng diện tích nhà đất, nhưng không được chấp nhận. Không hóa giá được đất lối đi, ngày 29/4/2011, ông Toản vẫn cho tháo dỡ nhà cũ và tự ý thuê thợ hàn đến phá luôn cửa sắt lối đi nhà số 20, đồng thời lấy luôn 30 tấm tôn của gia đình bà Thủy. Việc này đã được tổ dân phố và cơ quan chức năng lập biên bản, sau đó UBND phường buộc ông Toản phải bồi thường cho bà Thủy 1,5 triệu đồng. Tiếp đó, dù trong giấy phép xây dựng không cho phép mở cửa hậu qua lối đi nhà số 20, nhưng ngày 2/9/2011, trong quá trình xây dựng nhà, ông Toản vẫn cho thợ mở cửa hậu ra lối đi nhà bà Thủy, nên bị Đội Thanh tra xây dựng, chính quyền phường 1, lập biên bản vi phạm hành chính. Và UBND TP Đà Lạt cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính, buộc ông Toản bít cửa sang lối đi nhà 20. Ngày 2/11/2011, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt lại ký tiếp quyết định giao các cơ quan chức năng buộc ông Toản chấp hành quyết định của thành phố. Mặc dù vậy, đến nay ông Toản vẫn không thực hiện. Khó hiểu hơn, khi giải thích về việc ông Toản không chấp hành pháp luật, ông Trương Văn Hùng - Phó chủ tịch UBND phường 1 lại cho rằng: “Người ta không có tiền xây (bít cửa hậu - PV) thì mình bắt người ta xây là xây kiểu gì?”.

Trong khi trao đổi vụ việc với PV, ông Hoàng Lợi - Trưởng phòng TN&MT, cho biết, liên quan đến vụ nhà số 20 Trương Công Định, UBND TP Đà Lạt đã giao cho Thanh tra thành phố thụ lý giải quyết. Nhưng về mặt nguyên tắc là hóa giá tới đâu thì sử dụng tới đó, nhà ông Toản được Nhà nước hóa giá, nên sẽ chỉ chứng nhận quyền sở hữu phạm vi ranh giới đã được hóa giá. Việc ông Toản đòi hẻm bên hông nhà là không đúng.

THỤY TRANG