“Điểm đen” - mối nguy gây tai nạn giao thông

03:12, 18/12/2011

Đa số các tuyến đường trên địa bàn Lâm Đồng đều có bán kính cong nhỏ, khuất tầm nhìn và điều này đã tạo ra những “điểm đen” - mối nguy gây tai nạn giao thông trong thời gian qua.

Với địa hình quanh co và nhiều đèo dốc nên việc thiết kế, thi công các tuyến đường giao thông ở Lâm Đồng gặp không ít khó khăn, phức tạp, nhất là để đảm bảo yếu tố hình học của tuyến theo quy trình. Đa số các tuyến đường trên địa bàn Lâm Đồng đều có bán kính cong nhỏ, khuất tầm nhìn và điều này đã tạo ra những “điểm đen” - mối nguy gây tai nạn giao thông trong thời gian qua.

Địa hình đèo dốc tạo ra bán kính cong nhỏ, khuất tầm nhìn nên đòi hỏi phải có chất lượng bảo đảm ATGT
Địa hình đèo dốc tạo ra bán kính cong nhỏ, khuất tầm nhìn nên đòi hỏi phải có chất lượng bảo đảm ATGT

Những yếu tố thuộc cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động giao thông như cầu, đường… đều có ảnh hưởng nhất định tới việc có xảy ra tai nạn giao thông hay không. Cụ thể là điều kiện của đường sá như các yếu tố hình học của tuyến đường, lưu lượng, độ bằng phẳng và độ nhám của mặt đường, tầm nhìn và độ sáng trên đường, sự bố trí các biển báo hiệu… đóng vai trò rất quan trọng đến công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

Qua khảo sát của các ngành chức năng thì trên tuyến đường huyết mạch, có lưu lượng xe cộ cao đó là quốc lộ 20 có tới 11 vị trí được xác định là “điểm đen” thường xuyên gây tai nạn. Chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây tại các vị trí này đã xảy ra 43 vụ tai nạn giao thông làm 40 người chết. Đặc biệt, tại các vị trí Km102+500 hay Km180+300 đến Km172+700 đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông khiến 10 người chết.

Bên cạnh đó tại vị trí ngã ba quốc lộ 20 và đường 2/4 thuộc khu phố 2 thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng và đoạn từ Trường THCS Hiệp Thạnh - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hiệp Thạnh đến ngã ba Fi Nôm, huyện Đức Trọng đã xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông nghiệm trọng làm 4 người chết.

Tương tự, không chỉ quốc lộ 20 mới có những “điểm đen” gây tai nạn, quốc lộ 27 cũng có 2 vị trí bị đưa vào danh sách “điểm đen” đó là đoạn từ Km140+900 đến Km141+100 và đoạn từ UBND xã Bình Thạnh đến chợ Bình Thạnh, tại đây đã xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông làm 6 người chết.

Cũng qua khảo sát của các ngành chức năng, trên tuyến đường ĐT721 và tuyến đường ĐT725 mỗi tuyến có 1 “điểm đen” chết chóc.

Ngoài ra ngay tại các tuyến đường nội thị cũng xác định được các “điểm đen” đó là đường 3/2 thành phố Đà Lạt và đường Nguyễn Viết Xuân thành phố Bảo Lộc đã xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông làm 5 người chết và 2 người bị thường (riêng năm 2011 này, tại đây xảy ra 3 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 3 người tử vọng và 2 người bị thương).

Thậm chí trên tuyến đường cao tốc Liên Khương – Prenn, đoạn từ vòng xoay Liên Khương tới cống dân sinh cũng đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 2 người chết.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, thống kê của các cơ quan quản lý đường bộ và Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 21 vị trí được đưa vào danh sách “điểm đen” an toàn giao thông. Ngoài ra còn có 16 vị trí thường xảy ra tai nạn giao thông cần phải kiểm tra xác định có phải “điểm đen” không để có hướng xử lý nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.

Để hạn chế tai nạn, hạn chế thương vong từ những “điểm đen” nêu trên, các cơ quan quản lý đường bộ và địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp xử lý bao gồm: Cắm bổ sung biển báo “Lái xe chú ý, khúc ngoặc nguy hiểm thường xảy ra tai nạn giao thông” ở hai đầu khi vào đoạn tuyến, sơn kẻ tim đường, mở rộng lề mỗi bên, lắp đặt biển báo giao nhau với đường ưu tiên, sơn gồ giảm tốc, phần làn đường, mở rộng đường và lắp đặt đèn chiếu sáng đoạn đường… Đồng thời cũng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra xử lý.

Theo đáng giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, các “điểm đen” an toàn giao thông trên các tuyến đường đã được ngành chức năng điều tra, khảo sát, xác định, việc xử lý tuy còn hạn chế nhưng đã chấn chỉnh được các bất hợp lý trong tổ chức giao thông. Qua đó đề nghị Sở Giao thông vận tải, thanh tra chuyên ngành, các đơn vị quản lý đường bộ cần phải thường xuyên rà soát các tuyến đường để từ đó xóa dần các yếu tố gây mất an toàn giao thông, đề xuất UBND các huyện, thành phố có biện pháp xử lý khắc phục những vị trí mất an toàn giao thông, bổ sung các thiếu sót về kết cấu hạ tầng và xử lý nghiêm khắc các vi phạm. Việc xử lý “điểm đen” góp phần không nhỏ vào giảm thiểu tai nạn, nhất là số thương vong bởi tại các vị trí này nếu xảy ra tai nạn luôn là tai nạn nghiêm trọng.

XUÂN TRUNG