Thứ 3, 15/04/2025, 02:42

“Phép lạ” sẽ đến với cô gái mang căn bệnh lạ?

05:12, 26/12/2011

(LĐ online) - Sinh năm 1989, lọt lòng chỉ nặng 1,5kg, đôi mắt to nhỏ không đều nhau. Đến ba tháng tuổi, khuôn mặt Kiều Thị Mỹ Dung bỗng dưng méo xệch, xuất hiện một khối u nhỏ gần mí mắt.”

(LĐ online)- Tôi đến với căn nhà nhỏ của gia đình em giữa thung lũng vắng ở thôn Đa Lộc, xã Xuân Thọ, Đà Lạt lần thứ hai. Lần thứ nhất, cách chưa tới một tuần, chuyến đi nhằm thu thập thông tin và hình ảnh gửi cho ông Sam Ottawa - người Canada gốc Việt, một người tình nguyện với tấm lòng nhiệt tình hiếm thấy. Lần thứ hai là hôm nay, ngày 26/12/2011. Chuyến đi này có thêm kỹ sư Lê Minh Hiển - Trưởng đơn vị Y xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM)…

CÔ GÁI TRẺ VỚI CĂN BỆNH QUÁI ÁC

Tiếp chúng tôi, cùng với Kiều Thị Mỹ Dung, còn có cha của em, ông Kiều Dũng và  mẹ, bà Nguyễn Thị Xuân Huyền. Trong căn nhà gỗ nhỏ bé, với gia cảnh toát lên sự cùng cực và nghèo nàn, câu chuyện về “căn bệnh lạ” của cô gái trẻ mới 22 tuổi đầu làm cho mọi người xúc động.
 

Dung và mẹ.
Dung và mẹ.

Bà Huyền kể: “Cháu Dung là con đầu của vợ chồng tôi, sinh năm 1989, lọt lòng chỉ nặng 1,5kg, đôi mắt to nhỏ không đều nhau. Đến ba tháng tuổi, khuôn mặt cháu bỗng dưng méo xệch, xuất hiện một khối u nhỏ gần mí mắt.” Gia đình cho biết, từ đó đến nay, 22 năm rồi, khối u lớn rất nhanh, chảy xệ thành nhiều lớp che hết khuôn mặt của Dung. Hiện trên cơ thể của cô gái trẻ có rất nhiều khối u nhỏ, đặc biệt hai cánh tay có hàng chục u nổi, cái lớn nhất bằng đầu ngón tay cái, nhỏ thì như hạt bắp, và lớn dần theo thời gian. Mỗi khi trở trời và những ngày nắng nhiều, Dung đau đầu như búa bổ, nằm li bì. “Gia đình chúng tôi đã dốc hết tiền của để chạy chữa nhưng không thể được. Chúng tôi đã từng đưa cháu đi khắp các bệnh viện như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Tai Mũi Họng, Ung bướu…, nhưng ở đâu các bác sỹ cũng đều lắc đầu…”, bà Huyền rớm nước mắt và nói.
 
Suốt 18 năm ròng bố mẹ của Dung tằn tiện bòn mót từng xu để thay nhau đưa con đi bệnh viện. Cuộc sống làm thuê, cuốc mướn cực khổ, nhưng vì thương con, cha mẹ đã bán hầu hết đất đai và sẵn sàng bán luôn căn nhà gỗ và khu đất hai sào quanh nhà để chạy chữa cho Dung. Nhưng từ bốn năm trước, kể từ lúc Dung được 18 tuổi, các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 ở TP HCM trả lời không thể phẫu thuật cho cô gái trẻ vì sợ ảnh hưởng đến tính mạng. "Chúng tôi cũng phải chấp nhận để con như thế và chứng kiến những đau đớn của con diễn ra thường xuyên", bà Huyền rơm rớm nước mắt nói tiếp. Ông Kiều Dũng cho biết thêm, các bác sĩ ở TP HCM nói cô bị bướu máu ác tính tràn trên một nửa hộp sọ nên mổ là rất nguy hiểm.

Từ hơn hai năm nay, Kiều Thị Mỹ Dung được hưởng bảo hiểm y tế cho người tàn tật, nhưng chỉ những lúc Dung quá đau đớn mới đưa đi khám và được cấp phát thuốc giảm đau. “Em ước mơ là các bác sĩ có thể tìm ra cách để phẫu thuật giúp em trở lại như một người bình thường...”, Kiều Thị Mỹ Dung buồn buồn nói.

LIỆU “PHÉP LẠ” CÓ ĐẾN?

Có rất nhiều tấm lòng đã quan tâm và hướng về thôn Đa Lộc, Xuân Thọ, Đà Lạt, nơi có cô gái trẻ mang căn bệnh quái ác ấy. Mong muốn của họ là Kiều Thị Mỹ Dung sẽ được chữa bệnh, sức khỏe của em trở lại bình thường. Đáng trân trọng nhất là sự nhiệt tình của một người Canada gốc Việt, ông Sam Ottawa, người đã kết nối mọi người khắp nơi để tìm cách cứu chữa cho Kiều Thị Mỹ Dung. Ông Sam là người đã liên hệ với nhiều bác sĩ nổi tiếng thế giới, trong đó có giáo sư - bác sĩ McKinnon (người Mỹ). Ông chính là chuyên gia phẫu thuật tạo hình nổi tiếng, người từng sang Việt Nam để xem xét trường hợp anh Nguyễn Duy Hải, cũng ở Đà Lạt, người có khối u hơn 90kg. Bác sĩ McKinnon nhận lời sang Việt Nam xem xét, chẩn đoán cho Kiều Thị Mỹ Dung cùng với một trường hợp “bệnh lạ” khác ở Sóc Trăng là chị Thạch Thị Sa Ly. Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) sẽ là nơi hợp tác cùng vị bác sỹ khả kình này tiến hành xem xét điều trị cho hai cô gái mắc “bệnh lạ”.
 

Kỹ sư Lê Minh
Kỹ sư Lê Minh Hiển và gia đình Mỹ Dung.

Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Lê Minh Hiển - Trưởng đơn vị Y xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: “    Ngày 21-12 vừa rồi, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đã triệu tập cuộc họp các trưởng, phó khoa của bệnh viện gồm chuyên gia giỏi thuộc các lĩnh vực: tai - mũi - họng; thẩm mỹ, phỏng - tạo hình; phẫu thuật tim; chẩn đoán hình ảnh; y xã hội và đi đến quyết định: đón Kiều Thị Mỹ Dung (cùng Thạch Thị Sa Ly) lên TPHCM. Và ngày hôm nay, 26-12-2011, kỹ sư Lê Minh Hiển đã lên Xuân Thọ, Đà Lạt đón Mỹ Dung theo lệnh của Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.

Anh Hiển cam kết với Mỹ Dung và gia đình: “Chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho Mỹ Dung. Em sẽ được bố trí tại một phòng riêng ở lầu 9 của bệnh viện, cách ly, yên tĩnh. Các chuyên gia được phân công sẽ tiến hành hội chẩn ngay. Theo dự kiến, ngày 3-1-2012, giáo sư - bác sỹ McKinnon cùng với các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tổ chức hội chẩn và trả lời chính thức về cách thức điều trị cho Mỹ Dung”. Được biết, chi phí để thực hiện phẫu thuật, điều trị cho căn bệnh của Kiều Thị Mỹ Dung không hề nhỏ. Em và gia đình đang cần sự trợ giúp của các tổ chức, các nhà hảo tâm...

* * *

Chúng tôi tạm chia tay gia đình Kiều Thị Mỹ Dung, để họ kịp thu xếp cho chuyến đi TP HCM ngày mai (27-12) cùng kỹ sư Hiển. Tôi ngoảnh đầu nhìn lại, Mỹ Dung còn đứng đó, bên cạnh là cha mẹ em. Tôi đọc thấy trong ánh mắt vốn lắm nỗi u buồn của em niềm khát khao cháy bỏng được lành bệnh, được trở thành một cô gái bình thường. Không biết “phép lạ” có đến với em không, nhưng điều quan trọng, đó là những tấm lòng nhân ái đã đến và dành cho em sự quan tâm và đốt lên trong em ngọn lửa hy vọng…        

Bài và ảnh: UÔNG THÁI BIỂU