Xe vận chuyển cao lanh gây hư hỏng đường dân sinh

03:12, 20/12/2011

Là đường đất liên thôn, nhưng mỗi ngày tuyến đường này có từ 15 đến 20 chuyến xe tải chở cao lanh với trọng tải trên 60 tấn/xe.

Gần 5 năm nay, khoảng 80 hộ dân sống hai bên đường liên thôn (nối liền thôn 2, 3, 4, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc với Quốc lộ 20) phải khổ sở chịu cảnh nắng bụi, mưa lầy. Dù chỉ là đường đất liên thôn, nhưng mỗi ngày tuyến đường này có từ 15 đến 20 chuyến xe tải chở cao lanh với trọng tải trên 60 tấn/xe.

Tuyến đường dài chưa tới 3 km nhưng có đến 5 công ty khai thác cao lanh với hơn chục điểm tập kết hoạt động. Mỗi ngày, từ 3 giờ chiều đến khoảng 10 giờ tối, những chiếc xe trọng tải lớn nối đuôi nhau đã làm cho tuyến đường bị hư hỏng nặng. Theo nhiều tài xế trực tiếp vận chuyển, mỗi xe chở cao lanh trọng tải không dưới 60 tấn. Ông Bảy Huệ (người dân thôn 2, xã Lộc Châu), phản ánh: Trời nắng thì bụi mịt mù, trời mưa thì đường lầy lội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nơi đây. Tội nhất là các em học sinh, quần áo lúc nào cũng lấm lem bùn đất.
 

 Người dân phải vất vả mỗi khi đi lại trên tuyến đường vận chuyển cao lanh.
Người dân phải vất vả mỗi khi đi lại trên tuyến đường vận chuyển cao lanh.

Nhiều người dân khác cho biết, khi có xe đi qua, họ đều phải dừng sát vào đường để tránh, vì xe lớn chiếm gần hết đường. Đôi lần, xe vận chuyển cao lanh đã ép ngã xe máy. Bà Lê Thị Mây (người dân thôn 3, xã Lộc Châu) bức xúc: Nhà tôi nằm ngay đoạn cua gắt nên hay bị xe vận chuyển cao lanh lấn vào gây hư hỏng cống thoát nước. Mỗi lần như vậy chủ xe đều bồi thường vài trăm ngàn nhưng không đáng vào đâu. Người dân trong thôn đã nhiều lần kéo ra chặn đường, không cho xe chở cao lanh đi qua. Mỗi lần như vậy, thì các công ty khai thác lại đổ đá khắc phục tạm thời.

Bà Lê Thị Tân - Phó Bí thư Chi bộ thôn 4 (xã Lộc Châu), cho biết: Tuyến đường này do người dân hiến đất để mở rộng từ năm 2001. Khi chưa có xe vận chuyển cao lanh đi, thì bà con đi lại rất thuận lợi. Thời gian gần đây, do xe trọng tải lớn đi lại nhiều nên đường hư hỏng nặng, có đoạn tạo thành rãnh sâu đến 0,5 m. Thôn cùng với xã đã nhiều lần yêu cầu các công ty giảm trọng tải xe nhưng không có chuyển biến gì. Từ tháng 6 năm nay, các công ty có đóng góp tiền để tu sửa lại toàn tuyến đường nhưng cũng chỉ có thể đi lại tạm thời.

Theo phản ánh của nhiều người dân, dù gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nhưng hàng ngày xe vận chuyển cao lanh vẫn “ung dung” hoạt động. Xe quá tải đi lại ngày đêm như thế nhưng chẳng khi nào thấy cảnh sát giao thông đến kiểm tra. “Có khi dân ra chặn, không cho xe đi và yêu cầu phải làm đường mới được đi tiếp thì phía các công ty lại thuê xã hội đen dùng gậy gộc, mã tấu đánh trả lại” – Bà Tân cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Châu, cho biết: Đường hư hỏng không chỉ ảnh hưởng đến đi lại, vận chuyển nông sản của bà con mà bụi còn khiến nhiều vườn cà phê không thể ra hoa. Mới đây, Sở TN - MT tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gởi về xã yêu cầu một số công ty bồi thường cho người dân vì vận chuyển cao lanh làm hư hỏng đường, gây ngập úng vườn cà phê. Cũng theo ông Cường, đường đất liên thôn chỉ có thể cho xe có trọng tải từ 8 tấn trở xuống lưu thông, trong khi đó các xe vận chuyển cao lanh đều trên 60 tấn.

Hiện tại, xã Lộc Châu có 5 công ty khai thác cao lanh đang hoạt động là Động Lực, Phú Gia Phát, Khang Phúc Hưng, Anh Kiên, Cao Phát. Các công ty này đều được UBND tỉnh cấp phép khai thác. Tuy nhiên, qua kiểm tra của các đơn vị chức năng, một số công ty đã khai thác không đúng quy trình, không có bể lắng đọng làm ảnh hưởng đến sản xuất của dân. Một số công ty đã từng bị rút giấy phép hoạt động do khai thác làm ảnh hưởng đến môi trường. Theo UBND xã Lộc Châu, các doanh nghiệp khai thác phải đảm bảo đúng quy trình, không vận chuyển quá tải, không gây bụi khi lưu thông để đảm bảo đi lại và sản xuất của người dân. Nếu các doanh nghiệp không đảm bảo được các yêu cầu này, xã sẽ kiến nghị UBND thành phố Bảo Lộc và tỉnh Lâm Đồng rút giấy phép khai thác. Trên thực tế, dù các doanh nghiệp đã vi phạm nhưng xã vẫn chưa làm kiến nghị rút giấy phép mà mới chỉ yêu cầu các công ty đóng góp tiền để tu sửa. Năm 2011, các doanh nghiệp đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng để tu sửa đường nhưng vẫn chưa đảm bảo đi lại. Do đó, xã đang đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục bỏ tiền, Nhà nước hỗ trợ để nâng cấp tuyến đường này.

Một nghịch lý đã phát sinh, là từ tháng 10/2009, UBND xã Lộc Châu có văn bản cho phép các xe có tải trọng từ 40 tấn trở xuống đi lại trên tuyến đường này (?!). Điều này hoàn toàn trái quy định và khiến nhiều người dân đặt câu hỏi, liệu có hiện tượng “mua đường” của các công ty khai thác cao lanh?

HỮU SANG