Bao giờ ngưng hoạt động lò gạch thủ công

04:01, 12/01/2012

Toàn bộ các cơ sở sản xuất gạch thủ công đều không quan tâm đến việc công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Một cuộc kiểm tra toàn diện nhằm đánh giá thực trạng của các cơ sở sản xuất gạch thủ công từ thiết bị công nghệ, chất lượng sản phẩm… đến môi trường và chất đốt trong sản xuất đã được các ngành chức năng triển khai. Qua đó đặt ra vấn đề, bao giờ đóng cửa, di dời các cơ sở sản xuất này theo quy định.

Lò gạch thu công như thế  này cần được chuyển đổi
Lò gạch thủ công như thế này cần được chuyển đổi

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, qua kiểm tra, trên địa bàn tỉnh có tổng số 51 lò gạch thủ công được xây dựng từ đất sét nung. 5 huyện Đơn Dương, Lâm Hà, Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Cát Tiên. Trong đó huyện ít nhất có 3 cơ sở và huyện chiếm áp đảo đó là Đạ Tẻh với 12 cơ sở và Cát Tiên với 29 cơ sở. Các cơ sở lò gạch này đều do các cá nhân, hộ gia đình quản lý, thu hút 554 lao động tham gia sản xuất. Sản phẩm của các lò gạch thủ công chủ yếu là gạch 4 lỗ, 6 lỗ - không có cơ sở nào sản xuất ngói, tổng công suất hàng năm đạt khoảng 43,4 triệu viên. Các sản phẩm gạch chủ yếu phục vụ người dân địa phương xây nhà, tường rào và công trình nhỏ lẻ, một số xuất bán qua các tỉnh lân cận như Đắc Nông, Bình Phước.

Qua kiển tra, toàn bộ các cơ sở sản xuất gạch thủ công đều không quan tâm đến việc công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp chuẩn theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Vì vậy, sản phẩm gạch không đạt tiêu chuẩn về kích thước, các chỉ tiêu độ bền nén, độ hút nước đều không đạt so với tiêu chuẩn của nhà nước. Đặc biệt, một số cơ sở sản xuất gạch thủ công ở Cát Tiên không có giấy phép kinh doanh nhưng vẫn tồn tại bao năm nay.

Cũng qua kiểm tra cho thấy, nguồn nhiên liệu để nung gạch chủ yếu là củi cành, củi tạp từ rừng, mùn cưa và phế thải của các xưởng sản xuất gỗ… Chính việc dùng các loại nhiên liệu củi tạp, kết hợp với mùn cưa làm chất đốt để sản xuất gạch nên vấn đề ảnh hưởng xấu tới môi trường là không tránh khỏi. Đặc biệt, hai địa phương có lò gạch tập trung ở khu vực thị trấn đó là Cát Tiên và Đơn Dương có mức độ gây ô nhiễm cao hơn.

Ngoài việc dùng nhiên liệu củi, mùn cưa ra, các cơ sở này sản xuất khai thác nguồn nguyên liệu đất sét tự phát, không có giấy phép khai thác mỏ và cam kết tác động môi trường. Một số địa phương sau khi khai thác xong tạo ra các ao tù, mà không hoàn nguyên môi trường. Theo đánh giá của các cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ chế quản lý và kinh doanh vật liệu xây dựng - đối với gạch, ngói của cấp huyện còn lỏng lẻo, chưa nghiêm, nhất là việc cấp giấy chứng nhận kinh doanh sản xuất gạch cho các hộ gia đình, cá nhân không chú trọng xem xét về công nghệ sản xuất, nhiều cơ sở sản xuất không có giấy phép dẫn đến  tình trạng phát triển một cách tự phát.

Dự báo của cơ quan chức năng, đến năm 2015 nhu cầu vật liệu trong tỉnh là 470 triệu viên, trong khi đó hiện nay các lò gạch thủ công chỉ đáp ứng được 14,9% nhu cầu trong tỉnh và đến năm 2015 là 9,2%. Mặc dù các lo gạch thủ công chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng nhỏ lẻ của người dân nhưng hoạt động sản xuất của các cơ sở này đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe dân cư trong khu vực, làm giảm diện tích canh tác nông nghiệp, tình trạng sử dụng củi đốt kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng.

Thực hiện Chỉ thị 07 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý sản xuất gạch thủ công từ đất sét nung, đồng thời tham mưu đề xuất tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho các cơ sở có năng lực, điều kiện chuyển đổi công nghệ, đảm bảo môi trường, tiến hành di dời các cơ sở vào các cụm, khu công nghiệp tập trung đã được quy hoạch. Để thực hiện được điều này, bên cạnh việc đánh giá, rà soát nguồn nguyên liệu (đất sét) để sản xuất gạch, ngành xây dựng cần có phương án quy hoạch vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ cơ chế chính sách cụ thể đối với cơ sở chuyển đổi công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và bảo vệ môi trường, hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với các lò gạch thủ công, cần ngưng và không cấp phép kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất gạch thủ công sử dụng công nghệ lạc hậu. Vấn đề này đến hết quý III năm 2012 phải thực hiện xong.

KHẢI NHIÊN