Đào tạo nguồn nhân lực cho xuất khẩu lao động

03:01, 31/01/2012

Hiện nay, nguồn lao động của tỉnh rất đa dạng và phong phú, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; đa số là lao động phổ thông, trình độ văn hóa, ngoại ngữ, trình độ tay nghề còn rất thấp…

Trong những năm qua, công tác xuất khẩu lao động của Lâm Đồng đã được cụ thể hóa bằng nhiều văn bản sát hợp với tình hình cụ thể ở địa phương để thực hiện chính sách xuất khẩu lao động như: Chính sách hỗ trợ cho người tham gia xuất khẩu lao động vay vốn, Xây dựng kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2009 -2015… Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2012 của Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng, ông Trương Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng trong việc hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu lao động trong năm 2011; toàn tỉnh đã đưa được 641 người lao động đi xuất khẩu đạt 106,6% kế hoạch.
 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Có thể nói, xuất khẩu lao động là một hướng đi đúng đắn, mở ra cho đồng bào các dân tộc trong địa phương cơ hội thoát nghèo, mức sống của người dân được nâng lên, nền kinh tế xã hội của địa phương cũng có sự chuyển biến rõ rệt.

Tuy nhiên, để đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch của UBND tỉnh Lâm Đồng giao giai đoạn 2011 -2015 mỗi năm đưa đi khoảng 800 lao động xuất khẩu (chưa tính huyện Đam Rông và 16 xã nghèo), trước hết, tỉnh cần có chuẩn bị nguồn lao động đáp ứng yêu cầu thị trường các nước mà lao động Lâm Đồng đến làm việc. Hiện nay, nguồn lao động của tỉnh rất đa dạng và phong phú, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; lao động của Lâm Đồng khi tham gia xuất khẩu đa số là lao động phổ thông, trình độ văn hóa, ngoại ngữ, trình độ tay nghề còn rất thấp; chưa nắm bắt văn hóa, phong tục tập quán của các nước mà họ sẽ sang làm việc… Do vậy, cần phải tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho xuất khẩu lao động.

Theo chúng tôi, để chuẩn bị nguồn nhân lực cho xuất khẩu lao động năm 2012 và những năm tiếp theo cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các trung tâm, các trường đào tạo nghề trên địa bàn toàn tỉnh. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động là nơi nắm được yêu cầu, điều kiện và tiêu chuẩn lao động của từng hợp đồng, từng nước. Do vậy, cần phải có những đơn đặt hàng cụ thể cho các cơ sở đào tạo nghề. Các cơ sở đào tạo nghề cần có cơ sở vật chất trang thiết bị, giáo trình, giáo án, giáo viên đảm bảo theo yêu cầu để đào tạo lao động có tay nghề, văn hóa, phong tục tập quán cho lao động trước khi đi xuất khẩu.

Thiết nghĩ, sự kết hợp này sẽ nâng cao được chất lượng lao động, đáp ứng được yêu cầu của thị trường nước ngoài. Chất lượng nguồn nhân lực càng cao thì hiệu quả sức lao động càng cao, thu nhập của người lao động sẽ gấp nhiều lần so với lao động phổ thông và có khả năng cạnh tranh chiếm giữ được thị trường. Nên sử dụng cơ chế Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và người lao động cùng đầu tư để tạo nguồn lao động xuất khẩu. Kết hợp đào tạo chuyên môn kỹ thuật với đào tạo ngoại ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, kiến thức pháp luật cho người lao động. Đây cũng là chính sách đào tạo đội ngũ lao động có kỹ thuật cao, có tác phong công nghiệp để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chỉ có làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho xuất khẩu lao động, chúng ta mới có đội ngũ lao động có tay nghề, có ngoại ngữ, có tác phong công nghiệp mới có uy tín trên thị trường lao động quốc tế trong cơ chế hội nhập và từng bước hạn chế đưa lao động phổ thông ra nước ngoài làm việc cực nhọc, thu nhập không cao, không đủ trình độ để học tập những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và văn hóa để khi trở về phục vụ cho quê hương, đất nước.

HỮU ÂN