Không thể vì lợi ích riêng mà cản trở việc chung

04:01, 08/01/2012

Lấy lý do chưa thỏa thuận đền bù và lấn vào đất của gia đình, hai hộ ông Chế, bà Liễu kiên quyết không cho thi công bằng những hành vi chống đối quyết liệt, khiến đoạn đường đang thi công dang dở đành phải phơi mưa, phơi nắng trong bất bình của người dân…

Đến nay, quá trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) của xã Bình Thạnh (huyện Đức Trọng) đã đạt được 9/19 tiêu chí NTM, trong đó một số hạng mục công trình đã và đang phát huy được tác dụng trong đời sống KT-XH ở địa phương. Chẳng hạn như: công trình kênh mương nội đồng, công trình nhà làm việc xã đội, công trình hội trường thôn Kim Phát…

Bà Đinh Thị Liễu đang chỉ đạo người nhà đào mương ra mặt đường đang thi công dở dang
Bà Đinh Thị Liễu đang chỉ đạo người nhà đào mương ra mặt đường đang thi công dở dang

Riêng công trình đường giao thông thôn Thanh Bình 1 dài 1.347,98 m, có tổng vốn đầu tư 2,416 tỷ đồng, được xây dựng theo kết cấu bê tông xi măng, mặt đường rộng 5m, dày 18 cm, hai bên có mương thoát nước. Đây được xem là công trình “trọng điểm” của xây dựng NTM ở Bình Thạnh, nên khi tiến hành xây dựng, chính quyền thôn, xã và mặt trận, các tổ chức đoàn thể xã đã tổ chức nhiều cuộc họp dân, nhiều cuộc tuyên truyền, vận động và nhân dân đồng tình hưởng ứng đóng góp 30% kinh phí đầu tư, ngân sách nhà nước đối ứng 70%. Công trình được khởi công từ tháng 8/2011 và đạt được tiến độ nhanh, chất lượng đảm bảo, được hàng trăm hộ dân sống hai bên đường rất hoan nghênh đồng tình..

Việc thi công công trình khi ngang qua mặt nhà của hộ ông Đinh Văn Chế và hộ bà Đinh Thị Liễu, cách ngã ba giáp với quốc lộ 27 khoảng 20m thì bị ách tắc, bởi sự chống đối không cho thi công của hai hộ này.

Lấy lý do chưa thỏa thuận đền bù và lấn vào đất của gia đình, hai hộ ông Chế, bà Liễu kiên quyết không cho thi công bằng những hành vi chống đối quyết liệt như nằm lăn ra đất, không cho công nhân đào rãnh mương thoát nước, tự ý cuốc rãnh ra mặt đường… bắt buộc nhà thầu phải nắn cong đường về phía đối diện. Mặc dù, chính quyền thôn, xã, các tổ chức đoàn thể, thậm chí cả linh mục nhà thờ Thanh Bình nhiều lần vận động thuyết phục, phân tích điều hay lẽ phải, nhưng hai hộ nói trên kiên quyết chống đối, khiến đoạn đường đang thi công dang dở đành phải phơi mưa, phơi nắng trong bất bình của người dân nơi đây bởi cảnh “bụi mù, lầy lội”.

Qua kiểm tra thực tế của chúng tôi, cũng như qua kiểm tra của đoàn cán bộ huyện Đức Trọng ngày 3/1/2012 (gồm cán bộ Văn phòng UBND huyện, Phòng TN-MT, Thanh tra huyện) cho thấy, những yêu sách cũng như những lý lẽ để chống đối của hai hộ ông Chế và bà Liễu đều hoàn toàn sai trái. Bởi lẽ: Diện tích đất thực tế của hai hộ nói trên so với giấy chứng nhận QSD đất được cấp lớn hơn nhiều, nên khi Nhà nước thu hồi 0,7 m để làm mương thoát nước thì nằm trên phần lộ giới, không hề phạm vào đất đã được cấp giấy chứng nhận QSD cho hai hộ.

Mặt khác, chủ trương của Nhà nước khi xây dựng NTM không có kinh phí đền bù giải tỏa, mà ngược lại vì được hưởng lợi trực tiếp từ NTM nên người dân tự làm, tự đóng góp sức người, sức của, tình nguyện hiến đất đai, tài sản, Nhà nước chỉ hỗ trợ. Điều này, mọi người dân sống hai bên đường đều nhận thức đúng và đã tình nguyện hiến đất, tham gia đóng góp kinh phí, sức lao động, chỉ riêng hai gia đình ông Chế, bà Liễu không những không tự giác tham gia, mà còn cố tình chống đối là điều không thể chấp nhận được.

Cũng xin nói thêm, việc mua bán sang nhượng nhà của bà Đinh Thị Liễu đến thời điểm hiện nay chưa hợp pháp, bởi chỉ viết giấy tay với nhau, chưa được cấp chính quyền nào thừa nhận, nên việc bà chống đối không cho thi công đường giao thông trước mặt nhà cũng cần phải được xem xét tính hợp pháp của bản chất vụ việc.

 Từ thực tế nói trên, chúng tôi thiết nghĩ: Nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng NTM để mọi người dân trong thôn, trong xã cùng được hưởng lợi, hộ ông Đinh Văn Chế, bà Đinh Thị Liễu cần bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà thầu thi công hoàn chỉnh đường giao thông Thanh Bình 1. Nếu hai hộ này vẫn cố tình chống đối, UBND huyện Đức Trọng và xã Bình Thạnh cần tiến hành tổ chức cưỡng chế, bởi không thể vì lợi ích riêng không chính đáng của một, hai hộ mà ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn xã hội và mọi người dân.

HOÀNG KIẾN GIANG