Vượt qua số phận!

03:01, 11/01/2012

Cô giáo không ngồi trên ghế giáo viên, cũng không đứng ở bục giảng, mà rất tội nghiệp, cô đang… nằm tại giường bệnh để “lên lớp” các cháu!

Được anh bạn giới thiệu khá lâu, nay tôi mới có dịp tìm đến một căn nhà không số, ở hẻm 148, đường Nguyễn Văn Cừ, tổ 15, phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc. Tôi không khỏi chạnh lòng khi bắt gặp trong một căn phòng chỉ trên dưới 25m2 có gần 10 cháu ngồi xúm quanh một chiếc bàn nhỏ đang say sưa, chăm chú nghe cô giáo chỉ bày từng nét chữ, con số. Cô giáo không ngồi trên ghế giáo viên, cũng không đứng ở bục giảng, mà rất tội nghiệp, cô đang… nằm tại giường bệnh để “lên lớp” các cháu!

Cô Hoa và các cháu học trò
Cô Hoa và các cháu học trò

Có lẽ đến lúc này cô đã “nguôi ngoai” dần, không còn mặc cảm và tự ti nhiều như trước nữa, nhưng khi bắt đầu câu chuyện thì tôi vẫn cảm nhận cô có vẻ bịn rịn: “Xin lỗi các anh, vì em không thể ngồi được! Chỉ ngồi xe lăn, nhưng chỉ được thời gian ngắn thôi. Em mở nhiều lớp, mỗi lớp chỉ dưới 10 cháu. Em chỉ kèm và dạy các cháu thiểu năng học từ lớp 1 đến lớp 5. Ngày qua ngày, công việc của em chỉ vậy, nằm trên giường bệnh, không đi lại được!...”.

Đó là hình ảnh cô giáo Trần Thị Hoa hôm nay. Còn ngày trước, cô vẫn lành lặn và xinh xắn như bao cô giáo khác. Cô bước vào nghề giáo từ năm 1977. Khi ấy, cô phơi phới ở lứa tuổi đôi mươi và dạy tại Trường Tiểu học xã Lộc Thanh (Bảo Lộc). Năm 1996, sau 20 năm tâm huyết đeo đuổi nghề giáo, thì bỗng một tai họa ập đến. Cô sơ ý, bị rơi té từ trên cao, gây chấn thương nặng cột sống. “Em nghĩ, số phận chỉ đến đây, phải bỏ nghề và vĩnh biệt học sinh yêu thương! Nhưng cũng là nhờ có chút phận may, em ngắc ngoải trên giường bệnh gần 2 năm trời mới biết mình còn, nhưng cũng phải sống chung với bệnh tật!” - Cô Hoa kể. Lúc ấy, gia đình cô chỉ có 2 mẹ con. Mẹ đã già, con bệnh tật, làm gì để sinh sống? Dần dần, cô đã tự tìm cho mình một “lối thoát”. Từ năm 1998, cô bắt đầu nhận đan móc len và dạy học.

Tiếng là đan móc len, nhưng làm không thường xuyên, mỗi ngày (ngày nào làm) chỉ được 30 - 50 ngàn đồng. Tiếng là dạy học, nhưng chỉ dạy kèm miễn phí hoặc tùy lòng hảo tâm của phụ huynh các cháu. Mỗi tháng, thu nhập của cô được vỏn vẹn chỉ được 500 – 700 ngàn đồng. Thương tâm hoàn cảnh của 2 mẹ con, bà con chòm xóm và bạn bè thường hay đến thăm, động viên và cho gạo, tặng quà để giúp mẹ con trang trải cuộc sống hàng ngày. Mới đây, cô Hoa nhận được món tiền 4 triệu đồng của bạn Kim Anh từ xa gởi về, với lời nhắn thân thương: “Dành 1 triệu đồng để mua sữa cho mẹ; 1 triệu đồng mua vở và bút viết cho học sinh nghèo mà cô đang dạy và 2 triệu đồng dành riêng cho cô...”. Từ 2 năm trở lại đây, 2 mẹ con được hưởng chế độ trợ cấp xã hội thường xuyên. Cô Hoa được 480 ngàn đồng và mẹ cô được 240 ngàn đồng/tháng.

Cô Hoa tâm sự: “Thu nhập chừng ấy là đã hạnh phúc lắm rồi, hai mẹ con cũng sống được! Em nghĩ, em sống được là nhờ niềm vui, niềm động viên, an ủi!”. Mười sáu năm nằm trên giường bệnh, niềm vui và niềm hạnh phúc của cô chính là có các cháu học sinh quây quần ở bên mình. Dạy học, dạy kèm là chuyện rất bình thường. Nhưng với cô, sẽ không thành công nếu không có tình thương yêu và lòng tận tụy với các cháu. Bởi học trò của cô có những cháu thiểu năng, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, học ở trường không tiếp thu được bài vở và không thể theo kịp bạn bè. Chẳng hạn, như cháu Trịnh Anh Tú (14 tuổi), do học ở trường không được, gia đình gởi đến nhờ cô dạy kèm. Cô phải mất 3 tháng trời kèm cặp, cháu Tú mới viết được các chữ cái và mất 3 tuần lễ mới đọc và viết được chữ “tr”… Có cháu, sau khi học mẫu giáo lên lớp 1; học lớp 1 trong 4 năm nhưng không được lên lớp 2, nhà trường cho nghỉ, phụ huynh gởi đến cô. Cô dạy mãi, cháu chỉ biết được chữ “O”… Ngược lại, những cháu tâm sinh lý bình thường, nhờ cô Hoa dạy kèm thêm, học ở trường có những cháu trở thành học sinh giỏi, như cháu Nguyễn Thị Ngọc Huyền (lớp 11), Nguyễn Thị Thùy Dương (lớp 10), Lê Ái Nương (lớp 9), Nguyễn Công Minh (lớp 5)… hiện đang học ở các trường.

Mỗi người có một số phận riêng! Với cô Trần Thị Hoa không phải là người “lái đò” chỉ biết “đưa khách qua sông”, mà cô thực sự là “người mẹ thứ hai” của các cháu!

BÙI TRƯỞNG