Cát Tiên không chỉ có tê giác

03:02, 07/02/2012

Ông Trần Văn Thành - GĐ VQG Cát Tiên - cho rằng: “VQG Cát Tiên không chỉ có duy nhất tê giác một sừng Java mà còn có cả 40 loài động vật khác nằm trong Sách Đỏ thế giới!”.

Ban GĐ Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên vừa bổ sung hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận Vườn là di sản thiên nhiên - văn hóa thế giới. Có không ít luồng dư luận cho rằng quần thể tê giác một sừng duy nhất của Việt Nam và thứ hai trên thế giới đã biến mất tại đây sẽ ảnh hưởng không ít đến việc công nhận VQG Cát Tiên là di sản thế giới. Ông Trần Văn Thành - GĐ VQG Cát Tiên - cho rằng: “VQG Cát Tiên không chỉ có duy nhất tê giác một sừng Java mà còn có cả 40 loài động vật khác nằm trong Sách Đỏ thế giới!”.

Sau khi con tê giác một sừng ở VQG Cát Tiên bị sát hại, WWF (Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới) hồi cuối tháng 10/2011 đã tuyên bố loài thú này đã tuyệt chủng ở Việt Nam. Rõ ràng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc xét để công nhận VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên - văn hóa của thế giới, một danh hiệu rất sáng giá của bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, VQG Cát Tiên có hệ động vật và thực vật phong phú và đa dạng không kém bất kỳ VQG nào trên thế giới. Hơn nữa, VQG Cát Tiên còn gắn liền với di tích khảo cổ Cát Tiên nên đây là một trong những cơ sở quan trọng để Việt Nam lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên - văn hóa thế giới.
 

Cá sấu xiêm ở bàu Sấu (ảnh do VQG Cát Tiên cung cấp)
Cá sấu xiêm ở bàu Sấu (ảnh do VQG Cát Tiên cung cấp)

Sự kiện con tê giác một sừng cuối cùng của Việt Nam bị sát hại thì đã rõ. Trước thực tế này, hồi cuối năm 2011, BGĐ Vườn cũng đã tính đến chuyện tìm biểu tượng khác thay cho biểu tượng tê giác Java của Vườn. Một trong số ít loài động vật được tính đến đó là cá sấu xiêm (Crocodylus siamensis) đang hiện hữu trong vùng đất ngập nước của Vườn. Tại trang bìa của hồ sơ trình UNESCO, VQG Cát Tiên mới đây cũng đã sử dụng hình ảnh này như một biểu tượng mới thay thế cho biểu tượng tê giác Java. Theo tài liệu của VQG Cát Tiên, về hệ động và thực vật của Vườn hiện có đến những hơn 3.200 loài; trong đó có 38 loài thực vật có tên trong Sách Đỏ thế giới và gần 40 loài động vật cũng nằm trong danh sách này. Ngoài tê giác một sừng và cá sấu xiêm, rừng ở VQG Cát Tiên còn có bò tót, voi, chà vá chân đen, vượn đen má trắng… Chỉ riêng các loài chim thôi thì ở VQG Cát Tiên cũng đã có những loài mà thế giới phải “nghiêng mình” kính nể như gà tiền mặt đỏ, hạc cổ trắng, gà lôi hông tía…

Theo ông Trần Văn Thành - GĐ VQG Cát Tiên, cá sấu xiêm là con vật đáng nói nhất hiện nay ở Vườn. Ở huyện Cát Tiên (Lâm Đồng), một trong những địa danh được nhiều người biết đến là “bàu Sấu”. Bàu Sấu của VQG Cát Tiên đã được Công ước Ramsar Thụy Sỹ công nhận là “Hệ đất ngập nước” quan trọng thứ 1499 của quốc tế, và đây là khu Ramsar thứ hai của Việt Nam.

Tài liệu của VQG Cát Tiên cho thấy, khu ngập nước bàu Sấu có tổng diện tích lên đến 13.759ha, trong đó có hơn 150ha ngập nước quanh năm. Ông Trần Văn Thành phát biểu: “Bàu Sấu của VQG Cát Tiên không những có vị trí, vai trò đặc biệt trong việc bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam mà còn là một trong những nền tảng để phát huy các giá trị và lợi ích về môi trường, khoa học và KT-XH của địa phương Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước”. Không những là vùng sinh cảnh của các loài cá nước ngọt và các loài chim có đời sống gắn liền với nước, nhất là các loài chim đang có nguy cơ tuyệt chủng cao ở Việt Nam (như quắm cán xanh, già đẫy…), mà bàu Sấu của Cát Tiên còn là nơi cư ngụ lý tưởng của loài cá sấu xiêm - một trong những loài động vật được thế giới dùng làm biểu tượng.

Bàu Sấu thuộc vùng đất ngập nước đã được Công ước Ramsar công nhận là một trong những ưu thế của VQG Cát Tiên mà không phải bất kỳ VQG nào trên thế giới cũng có được. Đây cũng là một trong những cơ sở vững chắc để Việt Nam mạnh dạn một lần nữa lập hồ sơ trình UNESCO công nhận VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên - văn hóa thế giới!

Cũng cần nói thêm, đây là lần thứ hai Việt Nam lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới. Hy vọng, một tin vui sẽ đến với Việt Nam trong tương lai không xa!

KHẮC DŨNG